Chịu ảnh hưởng không khí lạnh, Bắc và Trung Bộ mưa lớn, biển Đông khả năng đón áp thấp nhiệt đới
Từ ngày 9/10, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến nước ta. Ảnh hưởng của không khí lạnh, nền nhiệt miền Bắc sẽ giảm sâu, trong khi đó miền Trung đón mưa lớn.
Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh
Ngày 8/10, bộ phận không khí lạnh đã báo tiếp tục di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo: Đến khoảng ngày 09/10, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Từ đêm 09/10, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời trở lạnh, vùng núi trời trở rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng ở vùng núi Bắc Bộ phổ biến từ 16-18 độ; khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 19-21 độ.
Dự báo nền nhiệt chi tiết:
Thời điểm dự báo | Khu vực ảnh hưởng
| Nhiệt độ thấp nhất (oC)
| Nhiệt độ trung bình (oC)
|
Ngày 09/10/2022 | Khu vực phía Tây Bắc Bộ | 19-22oC, có nơi dưới 19oC | 25-27oC |
Vùng núi phía Đông Bắc Bộ | 16-19oC, có nơi dưới 16oC | 20-23oC | |
Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ | 19-22oC | 23-25oC | |
Khu vực Bắc Trung Bộ | 20-23oC | 25-27oC
|
Bắc và Trung Bộ khẩn trương ứng phó đợt mưa lớn sắp tới
Đợt không khí lạnh này không chỉ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh miền Bắc mà còn ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung.
Do tác động khá mạnh của không khí lạnh ảnh hưởng xuống kết hợp với hoạt động của đới gió Đông trên cao nên sẽ gây ra mưa ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa với lượng mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, có thể lên đến 300mm.
Cụ thể, từ ngày 09/10 đến sáng 10/10, ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa sẽ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, có nơi trên 100mm.
Từ ngày 09-11/10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể xuất hiện đợt mưa lớn với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 300mm.
Nguy cơ cao xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc sét và gió giật mạnh, sạt lở đất và ngập úng.
Biển Đông khả năng xuất hiện áp thấp nhiệt đới/bão
Tháng 10, 11 cũng là đỉnh điểm của mùa mưa bão năm nay. Theo cơ quan khí tượng, từ nay đến tháng 3/2023, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng từ 05-06 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta khoảng từ 02-04 cơn. Có khả năng tháng 01/2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.
Đặc biệt, trong tháng 10 trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 2 xoáy thuận nhiệt đới (ATNĐ/bão) và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Cụ thể, rãnh áp thấp ở phía Nam tiếp tục nâng trục lên phía Bắc và hoạt động mạnh dần, khoảng ngày 10-11/10 trên rãnh áp thấp có khả năng xuất hiện vùng nhiễu động và hình thành xoáy thuận nhiệt đới với xác suất xảy ra ATNĐ khoảng 50-60%, xác suất xuất hiện bão khoảng 25-30%.
Đặc biệt, đây cũng là thời gian cao điểm mùa mưa bão tại các tỉnh miền Trung.
Dự báo, từ tháng 10 đến tháng 12, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ vừa và lớn. Mực nước đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức báo động 1, báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
Nước đầu nguồn sông Cửu Long lên cao nhất trong 4 năm qua
Trong khi đó tại Nam Bộ, lũ kết hợp triều cường trong những ngày tới có thể khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng lên cao nhất trong 4 năm qua.
Cụ thể: Do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn sông Mê Kông, kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sẽ lên nhanh và đạt đỉnh lũ năm 2022 từ ngày 10-13/10, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu khả năng lên mức 3,7m (trên BĐ1 0,2m); cao hơn đỉnh lũ năm 2021 0,91m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc khả năng lên mức 3,3m (trên BĐ1 0,3m), cao hơn đỉnh lũ năm 2021 0,73m.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao của thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, bờ bắc kênh Vĩnh Tế (tỉnh An Giang), thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp), huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh (tỉnh Long An). Đề phòng đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Từ ngày 11-13/10, do ảnh hưởng của lũ đầu nguồn Cửu Long và triều cường, mực nước các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức BĐ2-BĐ3, có trạm lên trên BĐ3, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long (tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang).