Chiêu đối phó với mẹ chồng hà tiện
Đồ cũ không sử dụng được nữa, mẹ cứ giữ lại, lèn đầy cả tủ. Ngay cả dưa muối ăn không hết, bát canh còn lại ít nước, mẹ cũng cho vào tủ lạnh…
Hôm qua nhà có khách, mẹ bảo để mẹ chuẩn bị, con cứ yên tâm làm việc. Sáu giờ rưỡi tôi về, khách đã đến, tôi vào xem mâm cơm được chưa để dọn ra. Mời khách mà bữa cơm mẹ chuẩn bị sao quá đơn giản và sơ sài. Thế này dọn ra thì khó coi cho vợ chồng chúng tôi quá. Chỉ có đĩa cá kho, rau muống luộc và bát canh. Mẹ xuề xoà, bày vẽ lắm món làm gì, mẹ thấy thế là được rồi. Tôi nghĩ, chỉ có người nhà thì thế cũng ổn nhưng có khách, không cần cầu kỳ nhưng mâm cơm cũng phải hơn ngày thường một chút chứ. Nghĩ thế thôi nhưng tôi không dám nói ra, sợ mẹ bảo mình lên lớp. Thế là tôi phải chạy ra đầu ngõ mua thêm mấy món thức ăn sẵn nữa. May mà chồng tôi cũng đồng tình với cách làm đó.
Tôi hiểu mẹ chồng cũng như mẹ ruột tôi và nhiều bà mẹ quê khác, thường chi tiêu, sinh hoạt rất hà tiện, không cho mình cái quyền được hưởng thụ. Họ từng có một quá khứ quá vất vả, phải căn cơ, chạy ăn từng bữa mới duy trì được cuộc sống. Nếp sinh hoạt và tư duy đó đã ăn sâu và trở thành thói quen của mẹ rồi, khó mà bỏ được. Giờ sống chung, mình cũng phải quen với điều đó của mẹ thôi. Lời ra tiếng vào chỉ làm cho không khí thêm căng thăng.
Biết tính mẹ vậy rồi nên mỗi khi mua món gì về, mẹ hỏi giá, tôi phải nói giảm đi nhiều so với giá thực. Mẹ đỡ xót mà tôi cũng đỡ sốt ruột. Tôi cũng lặng lẽ thải đi những đồ không còn giá trị sử dụng, không để mẹ biết...
Và, tôi cố tình để chồng tôi cùng nhận ra “bản tính” đó của mẹ để tự anh sẽ góp ý với bà. Con trai góp ý thì chắc chắn sẽ dễ chịu hơn, mẹ cũng chịu nghe hơn là khi con dâu nói. Còn con dâu, khi chồng tự nói thay mình, nhưng bực bội hay bức xúc sẽ dịu đi được rất nhiều.