Trong đôi mắt chồng, mẹ là tất cả!
“Cứ như mẹ ấy, lúc nào cũng khỏe, có bao giờ phải thuốc thang gì đâu? Mà dẫu mẹ có mệt cũng không nằm lì như em, còn em mới có tí tuổi đầu mà đã “nghiện” bác sỹ rồi…”
Mới cưới nhau chưa đầy nửa năm mà Trang đã chán chồng và có ý định ly hôn vì không thể tiếp tục chịu được khi bị chồng đem lên “bàn cân” để so sánh với mẹ.
Cô không hiểu sao chồng lại nói nhiều đến thế, mà lại “dai như đỉa”. Ngặt một nỗi, ngày còn yêu, Trang không thấy Trung như vậy. Khi đã sống chung dưới một mái nhà thì cô mới ngã ngửa người khi câu cửa miệng của chồng thường là: “Mẹ anh…” hay “Em lại làm sai rồi, phải làm giống mẹ…”
Mỗi lần Trang làm sai điều gì là y như rằng phải nghe chồng “lên lớp” đến nơi đến chốn. Thậm chí cô còn bị khiển trách như một đứa trẻ hư vậy. Uất ức mà Trang chỉ biết mồm chữ A, mắt chữ O nghe chồng giải thích cặn kẽ rằng:
“Nếu là mẹ thì sẽ không bao giờ nấu canh mặn chát như em” hay “Từ bé đến giờ anh chưa thấy mẹ lau nhà giống em, ai lại để nước rơi rớt ra sàn lênh láng thế kia? Đàn bà con gái làm gì cũng phải có ý có tứ một chút chứ? Em nhìn lại coi…”
Trung không nói gì nữa mà thở dài một cái rõ to rồi ra xem ti vi, để vợ một mình suy nghĩ với cái câu anh bỏ “lửng” kia. Lần nào cũng vậy, Trung thích gì thì nói, nghĩ gì thì nói nấy. Anh không cần quan tâm xem vợ nghĩ gì, cũng không cần chú ý thái độ của vợ ra sao?
Có một “ông cụ non” trong nhà!
Tâm cũng nhức đầu vì cái tật nói năng như “ông cụ non” của chồng. Tâm choáng váng vì ngay trong đêm tân hôn, Đăng đã bày tỏ quan điểm: “Anh yêu em nhưng em phải thay đổi nhiều đấy. Đã làm vợ anh rồi thì em không còn được hiếu thắng, không được bướng bỉnh, càng ngoan hiền càng tốt”.
Tâm thấy uất ức vì làm kiểu đầu mới cho hợp với mình mà lại bị chồng quy cho là đú đởn, cùng một “giuộc” hết. Từng lời nói của chồng làm Tâm quay như chong chóng. Tâm thấy hình như mình đang trở nên vụng về hơn trong từng lời nói của chồng.
Cô đã chán ngấy khi bị chồng mang mẹ chồng ra làm hình mẫu, rồi o ép cô phải thế này, phải thế khác. Tâm biết mình có nhiều cái không được như mẹ chồng nhưng bị đem ra so sánh như một kẻ ngốc như vậy nên cô thấy rất ngột ngạt và mất cả tự trọng.
Hết lần này đến lần khác, Đăng “chỉ giáo” vợ như một thói quen: "Mẹ không bao giờ dậy muộn giống như em, con gái mà ngủ trưa như chè hâm lại. Sao em không giống mẹ tí nào nhỉ? Từ xưa đến nay mẹ luôn dậy sớm để lo nấu bữa sáng cho anh. Còn em, hôm nào đi làm cũng còn ngáp ngủ. Đã 6 rưỡi rồi đấy. Em vẫn còn muốn ngủ nướng đấy à?”
Những “cục tức” này chưa tan thì Đăng lại “tặng” thêm cho vợ những nỗi uất ức khác. Chẳng nói xa xôi, hai tuần trước, Tâm bị mệt nên không dậy nổi. Chồng cô biết vậy mà vẫn làm thinh. Đến khi đi làm, anh ngó đầu vào giường chỉ trích vợ: “Em ốm thì tự đi mua thuốc mà uống đi, lớn rồi chứ còn bé bỏng gì nữa đâu mà phải chờ anh?”
Đến hôm sau thấy vợ vẫn chưa nhích mình lên nổi, Đăng lại cau mày: “Em không thấy tiếc tiền à? Hơi một tí là lại ốm đau, lại thuốc thang chi cho tốn kém. Cứ như mẹ ấy, khỏe như vâm, có bao giờ phải thuốc thang gì đâu? Mà mẹ có mệt cũng không nằm lì như em đâu. Còn em mới có tí tuổi đầu mà đã “nghiện” bác sỹ, cứ dăm bữa nửa tháng lại thuốc lại thang, thấy mà chán”.
Tâm nghe xong một tràng dài của chồng thì “hoảng” thực sự. Cô đang ốm lại càng muốn “sốt” thêm. Đấy là gáo nước lạnh mà chồng “tặng” cho cô khi đang ốm nằm trên giường. Sau lần đó, Tâm đã có cách nghĩ khác về chồng. Người mà cô vẫn tưởng là chỗ dựa về tình thần, là bến đậu của đời mình đây ư?
Khổ vì được chồng “dạy”
Linh cũng cảm thấy rất ức chế vì mỗi lần làm gì, chồng đều “sát cánh” ở bên chỉ đạo. Mới thấy vợ cầm cái chổi lau nhà mà anh Long đã nhăn mặt khó chịu: “Ai bảo em cách lau nhà như thế đấy? Có ai lại cầm chổi hời hợt như em không? Nhà sạch thì mát, làm gì cũng phải bén bảng một chút chứ? Nhìn anh làm đây này…”
Chưa hết “sốc” cái vụ cầm chổi, một hôm khác Linh lại choáng váng khi chồng chê bai cách cầm đũa của cô. Nhất là Long vừa nói vừa kéo tay vợ làm theo động tác của anh. Thế là bữa cơm hôm ấy, Linh không nuốt nổi.
Như trở thành cực hình khi mỗi lần chồng ngó ngang, nhìn dọc là cô lại “có tật giật mình”. Cứ nhìn ánh mắt của chồng là cô biết ngay anh đang có ý định “tư vấn” cho vợ. Việc gì Linh làm cũng cần phải chỉnh sửa, việc gì cũng chưa đến nơi đến chốn và việc gì Long cũng phải dạy vợ thì mới chịu được.
Linh thấy bực mình vì cô đã cố gắng nấu những món chồng thích nhưng vẫn không nhận được lời an ủi gì mà toàn bị chê hết lời: “Em có biết là anh rất ghét ăn cơm hơi nhão hay không?”. Từng lời của chồng đều có lý hết, cay nghiệt và khiến Linh chỉ muốn nổ tung lên: “Món sườn xào chua ngọt này em nấu cũng được nhưng hơi nhạt thì phải. Lần sau em phải thêm chút muối nữa thì mới ngon, với lại thêm chút màu mè nữa mới đẹp”.
Cứ như vậy, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cứ trở nên túng bấn. Một lần Long nhăn nhở bảo vợ: “Mẹ anh bảo con gái con đứa phải cười nói nhỏ nhẹ, đi đứng điệu đà, ăn uống không được phát ra tiếng động…”. Linh hét lên: “Mẹ anh là mẹ anh, còn em là em. Em thấy mình không làm gì sai cả”. Long đành phải thanh minh: “Đó là anh phải nói trước để em không mắc sai lầm”.