Chia sẻ của Thạc sỹ quản lý giáo dục: "Vì sao tôi ủng hộ quy định mới về nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội?"
Không ít phụ huynh đã rất nuối tiếc: "Biết thế em cho con vào trường gần nhà, học chuyên vừa mệt, vừa xa, lại phải học nhiều, học lệch, điểm không cao, giờ lại mất luôn cơ hội học bổng... ".
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, không thuộc về toà soạn.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 của UBND TP.Hà Nội, năm nay học sinh sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng, nhiều hơn năm trước 1 nguyện vọng. Tuy nhiên, học sinh phải đặt nguyện vọng 1 và 2 vào trường thuộc khu vực tuyển sinh có hộ khẩu thường trú, nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Điểm mới này đã khiến phụ huynh và học sinh "sốt xình xịch" trong nhiều ngày qua.
Tuy mới đây Sở GD-ĐT Hà Nội đã có thêm 2 phương án mới cho học sinh lựa chọn khi đăng ký nguyện vọng nhưng quy định thay đổi khu vực tuyển sinh lớp 10 vẫn khiến phụ huynh lo lắng vì con sẽ bị hạn chế nhiều về việc chọn trường.
Trước những tranh cãi trái chiều về vấn đề này, chị Lù Thị Hồng Nhâm, Thạc sỹ quản lý giáo dục ở Hà Nội thường xuyên tiếp xúc với chính sách giáo dục của gần 20 nước trên thế giới... cho rằng, cá nhân chị có một góc nhìn khác.
"Hằng năm tiếp xúc với gần 1000 phụ huynh/ học sinh cấp 2, 3, đại học và lắng nghe cũng như hiểu được mong muốn của họ, tôi ủng hộ chính sách mới này của Hà Nội. Chỉ là cần điều chỉnh lại: Nhà bố mẹ ở đâu- đăng kí học ở đấy. Vì nếu căn cứ vào hộ khẩu thì tình trạng ở Việt Nam hiện nay có thể các bạn đã biết: Người ở một nơi, hộ khẩu có thể một nẻo, chưa kể còn sắp bỏ hộ khẩu theo chủ trương mới".
Có 7 lý do chị Hồng Nhâm đưa ra để giải thích cho việc đồng tình này:
1. Ở các nước Úc, Anh, Mỹ không có hộ khẩu nên đăng kí học cấp 1, 2, 3 công lập - có bảo trợ của nhà nước về học phí... thì sẽ là NHÀ ở đâu ĐĂNG KÍ học ở quận đó. Muốn sang quận khác cũng mệt lắm, phải chứng minh đứa trẻ ở quận đó bằng các hợp đồng thuê nhà, có nhà ở khu đó... nên bố mẹ có khi cũng phải ngậm đắng nuốt cay chuyển vùng... thuê/ mua nhà khu muốn con học... để con được học.
2. Mấy nước Âu/ Mỹ/ Úc... cũng có quan tâm đến chất lượng trường, điểm... nhưng cũng không quá đặt nặng như châu Á. Các mẹ châu Á quá chú trọng điểm... dẫn đến nhiều hệ luỵ, không chỉ mệt mình mà hại cả con, xét trên phương diện nào đó, rất căng thẳng.
3. Mọi người cùng nghĩ đi: Học sinh giỏi vào hết Kim Liên/ Yên Hoà/ Chu Văn An/ Ams... thì tất nhiên Trần Phú/ Việt Đức/ Phan Đình Phùng/ Hai Bà Trưng/ Trương Định/ Trần Nhân Tông... làm gì còn HỌC SINH giỏi, chỉ còn khá/ trung bình đầu vào... Giáo viên cũng theo đó "được" hiểu là ở các trường điểm... tốt hơn.
Cho nên chuyện là lâu nay chúng ta tự làm khó chúng ta. Mấy trường này không phải tự thân giỏi, mà vì các phụ huynh đưa các con giỏi sẵn vào rồi nên việc các trường trở thành "giỏi" là đương nhiên. Ngược lại, các trường kia thì bị hiểu là bình thường/ tầm thường hơn (theo 1 nhóm người). Nhưng mà có ai hỏi: Họ có nhận được mấy học sinh giỏi ở đầu vào đâu mà trường có thể trở thành giỏi? Có bột mới gột nên hồ chứ. Ai mà biến được học sinh trung bình khá thành giỏi/ xuất sắc hết được?
4. Thân từng là giáo viên, tôi hiểu: Dạy học sinh giỏi, ngoan dễ hơn dạy học sinh trung bình khá rất nhiều, vì học sinh giỏi có sẵn kiến thức, ý thức... Giáo viên những trường này chỉ cần tập trung tốt vào chuyên môn và khuyến khích học sinh học; trong khi giáo viên các trường kia phải đối phó đủ thứ, có khi còn có cả nhiều học sinh nghèo trong lớp cần hỗ trợ...
Thân từng là giáo viên và là phụ huynh của hai con học hai trường THƯỜNG, tôi thấy học ở đâu cũng được, miễn là con mình có ý thức, gần nhà, học vui vẻ, cộng đồng thầy cô, bạn bè tốt...
Chị Lù Thị Hồng Nhâm
5. Cũng thân từng là giáo viên và là phụ huynh của hai con học hai trường THƯỜNG, tôi thấy học ở đâu cũng được, miễn là con mình có ý thức, gần nhà, học vui vẻ, cộng đồng thầy cô, bạn bè tốt, điểm 7,0-9,0 gì đó là ổn, nhưng nhất định không được quá thiếu các kiến thức xã hội cơ bản.
6. Trong quá trình làm tuyển sinh du học, tôi nhận thấy, trừ 1 số trường Úc/ New Zealand "bày vẽ" công nhận trường chuyên lớp chọn... còn thì GPA - điểm trung bình cộng cao là lấy được học bổng cao. Cho nên chuyện là nhiều khi "đầu gà hơn đuôi voi".
Không ít phụ huynh đã rất nuối tiếc: "Biết thế em cho con vào trường gần nhà, học chuyên vừa mệt, vừa xa, lại phải học nhiều, học lệch, điểm không cao, giờ lại mất luôn cơ hội học bổng... ".
Các mẹ cần biết: Đa số các trường nước ngoài nhìn nhận thang điểm 10 của Việt Nam là thang điểm quốc gia, nên cứ theo chuẩn quốc gia mà quy ra thôi; chuyên hay Kim Liên mà 8,9 thì vẫn thua Trương Định 9,0 thôi.
7. Thi hết cấp 3 rồi vào đại học toàn kiến thức trong sách giáo khoa, xã hội hiện tại. Bộ GD-ĐT cũng không thể đưa kiến thức đại học hay kiến thức uyên thâm đâu đó vào đề thi, nên cứ học nhuần nhuyễn những gì trong sách giáo khoa, biến hóa được kiến thức đó xuôi ngược, ngược xuôi... là kiểu gì cũng đỗ đại học, thậm chí đỗ điểm cao là đằng khác.
Học sinh học trường thường, sức học thường hay khá, giỏi... cứ tự tin học tiếp trường thường, trau dồi bản thân toàn diện và vui vẻ với trường lớp. Cần lưu ý thêm rằng học cấp 3 chỉ là phổ cập phổ thông. Để thành công, ngoài kiến thức khoa học ở trường, các bạn còn cần các kỹ năng sống, quan hệ xã hội, thể lực, ý chí... để phát triển bản thân toàn diện, sẵn sàng cho cuộc sống và công việc sau này.
Cho nên tôi mong các phụ huynh bình tâm, dạy con mình ứng phó tốt với hoàn cảnh mới. Có con giỏi đừng tự coi mình là quá giỏi rồi cho là trường này không xứng với con mình.
Đừng nhồi vào đầu con những suy nghĩ thất vọng, chán chường kẻo con tự loại mình ra khỏi "cuộc chơi"; đừng cố cạy cục xin xỏ chuyển hộ khẩu chuyển nọ chuyển kia... gây ra tệ nạn xã hội không đáng có. Quan trọng hơn là tổn hại tinh thần con mình, bản thân mình và kinh tế gia đình.
Chị Lù Thị Hồng Nhâm là Cử nhân Văn khoa, ĐH Sư phạm HN1; Cử nhân Anh văn ĐH Sư phạm ngoại ngữ HN; Thạc sỹ ngôn ngữ học, ĐH Sư phạm HN1 và là Thạc sỹ quản lý giáo dục, ĐH New South Wales, Úc.
Chị có gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, 19 năm làm việc trong khối nhà nước với tư cách là giáo viên cấp 3, giảng viên đại học bán thời... Từ năm 2000 đến nay, chị là giám đốc công ty TNHH Tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh.