Chi tiêu theo 7 kiểu “mất trí” này thì thật có lỗi với số tiền bạn vất vả kiếm được
Thật dễ dàng mắc sai lầm khi mua sắm và chắc chắn là bạn sẽ phải trả giá. Cho dù là sai lầm với 1 số tiền nhỏ thì dần dần nó cũng sẽ dẫn đến một khoản lãng phí “kếch xù”.
Sau đây là những sai lầm khi mua sắm bạn cần hết sức lưu ý để tránh. Nếu không thì thật có lỗi với số tiền bạn vất vả kiếm được!
1. Mua sắm để giải tỏa tâm trạng
Mua sắm thật sự có thể giúp chúng ta giải tỏa tâm trạng. Do đó nhiều người đã áp dụng liệu pháp này nhằm làm cảm xúc chuyển biến theo hướng tích cực.
Tuy nhiên đây là một biện pháp vô cùng tốn kém. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng các cách thức giải tỏa tâm trạng khác rẻ tiền hơn mà hiệu quả cũng không thua kém. Ví dụ như tập thể dục, tham gia các hoạt động cộng đồng là các cách rất tốt để nâng cao tinh thần cho bạn.
2. Mua sắm mà không nghiên cứu trước
Mua sắm thiếu sự nghiên cứu trước không phải là một sai lầm lớn nếu bạn chỉ mua trái cây. Nhưng thay vào đó là mặt hàng lớn như máy rửa bát thì bạn sẽ phải hối hận. Mua phải một chiếc máy nhanh hỏng lại gây ra những tiếng động ồn ào lớn khi hoạt động, điều đó thật chẳng dễ chịu gì.
Hãy tìm hiểu đánh giá sản phẩm trên các trang web tiêu dùng và của những người sử dụng trước đó. Bạn sẽ nắm được ưu nhược điểm của sản phẩm, xác định xem nó có xứng đáng để bỏ tiền ra mua hay không.
3. Không tìm kiếm mức giá tốt nhất
Nghiên cứu về sản phẩm không chỉ giúp người tiêu dùng mua được mặt hàng chất lượng mà còn khiến chúng ta tìm được nơi sản phẩm ấy bán ra với mức giá tốt nhất.
Có khá nhiều ứng dụng và trang web giúp bạn làm công việc so sánh giá cả. Chỉ với một chút công sức nhưng hành động này sẽ giúp bạn tiết kiệm thêm được nhiều tiền.
4. Ưa chuộng các mặt hàng có thương hiệu
Đây là một tâm lý thường thấy ở người tiêu dùng, bởi họ nghĩ rằng các mặt hàng có thương hiệu sẽ sở hữu chất lượng tốt. Tuy nhiên khi mua sắm sản phẩm tương tự của các thương hiệu không mấy nổi danh, bạn có thể sẽ tiết kiệm được đến 10% chi phí.
5. Giải trí ở các trung tâm mua sắm
Nhiều người đến trung tâm mua sắm không phải để chi tiêu cho những thứ họ cần là đến đó để giải trí. Các trung tâm thương mại cũng đang tận dụng tối đa điều này với nhiều rạp chiếu phim và khu vực trò chơi khác nhau.
Bạn hãy cân nhắc và tìm kiếm cách thức giải trí khác. Giải trí tại trung tâm mua sắm vừa đắt mà còn có khả năng phát sinh những khoản chi tiêu không trong dự định.
6. Sử dụng thẻ tín dụng mất kiểm soát
Thật nguy hiểm khi mua sắm bằng thẻ tín dụng bởi vì chúng ta có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với sử dụng tiền mặt. Trong một nghiên cứu nổi tiếng tại MIT, các nhà nghiên cứu đã cho đối tượng khảo sát đấu giá vé xem một trận bóng rổ ở Boston Celtics. Kết quả là những người thanh toán bằng thẻ tín dụng đã đặt giá gần gấp đôi so với những người trả tiền mặt.
Song có một điều không thể phủ nhận là thẻ tín dụng rất hữu ích trong nhiều trường hợp. Do đó việc bạn cần làm là kiểm soát tốt bản thân khi sử dụng thẻ. Có một câu hỏi đơn giản giúp bạn đánh giá chính xác được quyết định mua hàng. Hãy tự hỏi mình xem bạn có mua sản phẩm ấy nếu đang sử dụng tiền mặt không.
Bạn cũng có thể cất thẻ tín dụng ở nhà và chi tiêu bằng tiền mặt trong một khoảng thời gian. Qua đó hình thành được các thói quen mua sắm tốt, việc bạn cần làm là duy trì chúng khi chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng.
7. Luôn sử dụng tiền mặt để thanh toán
Sử dụng tiền mặt để chi tiêu là một điều tốt nhưng cực đoan đến mức không bao giờ dùng thẻ tín dụng thì lại là một sai lầm. Bạn sẽ nhận được những phần thưởng đáng kể khi thanh toán bằng thẻ dưới hình thức hoàn tiền hoặc chiết khấu trừ trực tiếp vào giá.
Hãy là một người mua sắm có chiến lược và cẩn thận, bạn có thể tiết kiệm được hàng nghìn USD mỗi năm. Số tiền này giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính quan trọng khác.
Theo: Motleyfool