7 cái bẫy chi tiêu cực quen nhưng khiến người thông minh nhất cũng mắc phải
Ngay cả những người tiêu dùng khôn ngoan nhất cũng có thể rơi vào tình trạng chi tiêu quá mức.
Các nhà bán hàng luôn có cách bày ra những chiếc bẫy mua sắm để bạn sa vào. Loạt mánh khóe ấy không chỉ khiến ví tiền của bạn bị thổi bay mà còn có khả năng đẩy chúng ta lâm vào nợ nần. Sau đây là những chiếc bẫy chi tiêu luôn được giăng ra mọi lúc mọi nơi mà người thông minh nhất cũng có thể mắc phải.
1. Bẫy giảm giá
Khi mọi người nhìn thấy hai từ “giảm giá” được quảng cáo trong một cửa hàng nào đó, họ tin rằng mình sẽ mua về sản phẩm với mức giá hời.
Trong hoàn cảnh bình thường bạn không hề có ý định mua món đồ đó. Song khi nó được giảm giá, tâm lý “có lời cho bản thân” sẽ khiến người tiêu dùng đẩy cao ham muốn mua sắm.
Dần dần thói quen mua hàng ấy sẽ đưa bạn đến tình cảnh bội chi. Và cuối cùng là nợ nần chồng chất vì không thể thanh toán được số dư thẻ tín dụng vào mỗi cuối tháng.
2. Bẫy chi nhiều hơn để tiết kiệm hơn
Nhiều cửa hàng chỉ áp dụng chính sách giảm giá khi bạn chi tiêu một số tiền nhất định ở đó. Nó chính là một cái bẫy khiến người tiêu dùng mua nhiều mặt hàng hơn.
Khi thanh toán hóa đơn, nhìn bề ngoài có vẻ bạn đã được chiết khấu giá. Song thực tế thì bạn lại lãng phí tiền thay vì tiết kiệm do mua về những thứ chưa chắc đã sử dụng đến.
3. Mua sắm một cách xúc động
Nhiều người chịu ảnh hưởng bởi thói quen mua sắm không tốt này. Việc mua vội vàng và xúc động thường xảy ra nhất ở siêu thị vì có nhiều món đồ nhỏ rẻ tiền, thế nhưng tổng số tiền cộng lại sẽ là con số không nhỏ nữa.
Việc đi mua sắm khi đang đói cũng dễ dẫn chúng ta tới hành vi chi tiêu bốc đồng. Bạn sẽ mua nhiều đồ ăn hơn mức cần thiết. Cơn đói cồn cào trong dạ dày khiến cho thực phẩm có sức cám dỗ hơn gấp nhiều lần.
4. Bẫy phút chót
Nếu cần mua món quà quan trọng nào đó thì tốt nhất là bạn mua sắm trước thời điểm diễn ra dịp trọng đại ấy càng sớm càng tốt. Mua sắm vào phút chót sẽ dẫn bạn rơi vào tâm lý căng thẳng. Chúng ta thường phải bỏ ra số tiền lớn hơn để mua thứ đầu tiên nhìn thấy vì không có thời gian chọn lựa nữa.
5. Không lập kế hoạch
Cho dù là mua sắm thực phẩm, hàng tạp hóa tại siêu thị hay quần áo, việc lập kế hoạch cho nhu cầu và mong muốn của bản thân bao giờ cũng là điều cần thiết. Nếu không bạn dễ rơi vào tình cảnh lúng túng và chi tiêu lãng phí khi đến cửa hàng.
Thói quen mua sắm tự do không lập kế hoạch làm tăng các giao dịch mua, khiến hóa đơn bị “đội” lên. Việc lập danh sách sẽ thu hẹp sự tập trung của bạn, hướng chú ý vào chính xác những gì cần mua không hơn không kém.
6. Mua sắm quá sớm
Nhiều người nghĩ rằng khi sản phẩm nào đó được tung ra bán thì cần phải mua ngay kẻo cháy hàng. Tuy nhiên suy nghĩ đó không phải lúc nào cũng đúng và có lợi cho ví tiền của chúng ta.
Trong nhiều trường hợp, các sản phẩm sẽ rẻ hơn sau đợt chào bán đầu tiên và bạn chỉ việc chờ đợi thêm một chút thời gian. Đồng thời trong lúc chờ đợi, bạn có thể cân nhắc kỹ lưỡng hơn về quyết định mua sắm, tránh việc chi tiêu quá mức.
7. Không tập trung vào những gì mình cần
Khi bước chân vào siêu thị hay một cửa hàng, thay vì tập trung vào những thứ cần mua thì nhiều người lại dành hầu hết thời gian ở khu vực hàng giảm giá. Dẫu chúng không nằm trong ý định ban đầu song bạn nghĩ rằng sau này có thể dùng đến hoặc làm quà tặng. Kế hoạch tưởng là tuyệt vời mà thực tế diễn ra sau đó chưa chắc như những gì bạn dự định. Rất có thể mớ đồ giảm giá đó sẽ bị lãng quên trong đáy tủ.
Bởi vậy khi đi mua sắm, bạn hãy chỉ nên tập trung vào chính xác những thứ cần thiết tại thời điểm đó mà thôi.
Theo: thenewsavvy