Chỉ sốt nhẹ và ho khan 2 tuần, người phụ nữ bất ngờ phát hiện mắc căn bệnh ung thư phổi
Sau 2 tuần ho khan, sốt nhẹ, ăn uống kém và tức ngực, người phụ nữ đến bệnh viện thăm khám thì phát hiện có khối u thùy trên phổi kèm tràn dịch màng phổi phải.
Cách đây ít ngày, bà V.S, (72 tuổi) từ Campuchia đến TP.HCM thăm khám với triệu chứng ho khan, sốt nhẹ, ăn uống kém, tức ngực.
Kết quả chụp X-quang và CT scan ngực tại đây khiến bệnh nhân bất ngờ. Bà S. có khối u thùy trên phổi phải kèm tràn dịch màng phổi phải lượng nhiều.
Bất ngờ ung thư phổi sau 2 tuần ho khan
Theo lời lể của con bệnh nhân, trước đó bà S. ngoài tiền sử tăng huyết áp thì không có biểu hiện gì bất thường về sức khỏe.
Chỉ khoảng 1 tháng gần đây, bà ho khan thường xuyên, sốt nhẹ và ăn uống kém. Tại bệnh viện ở Campuchia, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị lao phổi nên gia đình quyết định đưa sang Việt Nam phẫu thuật và chữa trị.
Ảnh chụp X-quang của bệnh nhân.
Sau phiên hội chẩn liên chuyên khoa bao gồm Nội hô hấp, Ngoại lồng ngực, Ung bướu, bệnh nhân có chỉ định nội soi khí phế quản kết hợp với phẫu thuật nội soi lồng ngực sinh thiết màng phổi để xác định chẩn đoán và có kế hoạch điều trị thích hợp.
Sau hơn một tuần điều trị nội khoa ổn định chức năng hô hấp, bệnh nhân tiếp tục được tiến hành nội soi khí phế quản và phẫu thuật nội soi lồng ngực sinh thiết màng phổi.
Quá trình nội soi lồng ngực, các tổn thương màng phổi nghi ngờ ác tính đã được phát hiện. Ekip đã quyết định tiến hành làm dính màng phổi với bột talc (Talcage) nhằm tránh tràn dịch màng phổi tái phát.
Kết quả sinh thiết màng phổi xác định bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến của phổi, di căn màng phổi.
Sau các xét nghiệm mô học chuyên sâu bao gồm nhuộm hóa mô miễn dịch, thử đột biến gen... bệnh nhân được thực hiện mổ nội soi lồng ngực
Bệnh nhân khỏe lại sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Bác sĩ Huỳnh Minh Đăng, phẫu thuật viên thực hiện cuộc mổ cho bệnh nhân chia sẻ, mổ nội soi lồng ngực là kỹ thuật ít xâm lấn, hậu phẫu nhẹ nhàng, vết mổ nhỏ ít đau, kết hợp làm dính màng phổi được ứng dụng phổ biến trên thế giới.
Căn bệnh di căn trước khi phát hiện ung thư
Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Đào, bệnh viện CIH cho biết, triệu chứng của bệnh ung thư phổi đôi khi không rõ ràng, nhiều người lầm tưởng với các bệnh lý ho, cảm thông thường. Như trường hợp của bệnh nhân trên phát hiện ung thư khi chỉ có triệu chứng ho khan khá thông thường.
Theo các bác sĩ, ung thư phổi là ung thư hay gặp nhất trên toàn cầu, khó phát hiện sớm, kết quả điều trị cũng rất thấp, gây tử vong nhiều nhất trong các loại ung thư.
Ung thư phổi có xu hướng di căn ngay cả trước khi có thể được phát hiện trên phim X-quang.
Có 2 loại chính của ung thư phổi là Ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 10%, khi phát hiện đã cho xâm lấn và di căn xa) và Ung thư phổi không tế bào nhỏ (chiếm 90%, phát triển qua từng giai đoạn).
Bệnh nhân ung thư phổi được điều trị bằng phương pháp mổ nội soi lồng ngực.
92% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể sống trên 5 năm nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, khối u ung thư kích thước dưới 1 cm. Nếu đã di căn xa đến gan hoặc tuyến thượng thận thì tỉ lệ này là vô cùng thấp..
Nguy hiểm của ung thư phổi là việc khó chẩn đoán. Ở giai đoạn sớm bệnh có những triệu chứng rất chung chung, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác.
Tại Việt Nam, chỉ 10-20% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi.
Vì vậy theo bác sĩ Đào, người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, đặc biệt là bệnh ung thư.
Khi phát hiện sớm, khối u còn nhỏ, ít xâm lấn vùng lân cận cũng như di căn xa, việc điều trị sẽ triệt để hơn, giảm chi phí giúp kéo dài thời gian sống sau mổ.
Diễn viên Mai Phương, người phát hiện ung thư phổi khi mới ngoài 30 tuổi.
Triệu chứng thường gặp của ung thư phổi là ho nhiều, ho ra máu, khó thở. Bệnh nhân thường sụt cân, sốt, mệt mỏi, chán ăn. Một khi khối u phổi xâm lấn vào các cấu trúc khác, bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, thậm chí đau xương, khó nuốt, phù mặt cổ.
Cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh ung thư phổi là không hút thuốc, bỏ hút thuốc ngay và tránh hít phải khói thuốc của người khác.
Ngoài ra, bạn cần tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn giàu rau củ quả và giữ mình khỏi các tác động từ ô nhiễm môi trường, các chất phóng xạ, kim loại nặng.