Những việc cực đơn giản nhưng nên làm vì vô cùng có lợi cho phổi, góp phần ngăn ngừa ung thư phổi
Bảo vệ phổi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của mỗi người. Chúng ta có thể thực hiện các bài tập, bao gồm cả bài tập thở để giúp tăng cường chức năng của phổi.
Mới đây, chia sẻ với trang báo Health.com, bà mẹ 2 con Amanda Nerstad, 39 tuổi, sống tại Knoxville, Tennessee, nói rằng cô cứ nghĩ mình viêm phổi nhưng không ngờ lại là căn bệnh ung thư phổi nguy hiểm.
Amanda có thói quen chạy bộ, nhưng tại thời điểm đó, cô thấy có áp lực trong ngực. Cộng với cảm giác hụt hơi khi chạy, cô đã nghĩ rằng cô bị tái phát triệu chứng của cơn viêm phổi. Thế nhưng, sau đó 2 tháng, cô tới phòng khám và đề nghị chụp X-quang thì các bác sĩ ở đây đã chẩn đoán cô bị ung thư phổi giai đoạn 4.
Amanda Nerstad cùng chồng và 2 con gái.
"Đó là một cú sốc hoàn toàn! Tôi đi khám bác sĩ vì tôi nghĩ mình có thể bị viêm phổi, vì một số cơn đau ngực mà tôi đã cảm thấy. Sau nhiều lần kiểm tra, chúng tôi được khuyến khích đến Trung tâm Y khoa Đại học Tennessee để có thêm kết quả. Sau một vài ca phẫu thuật và một bác sĩ ung thư tại Viện Ung thư Trung tâm Y tế UT (Tiến sĩ David Aljadir) đã đề nghị xét nghiệm di truyền. Kết quả, họ phát hiện ra tôi bị ung thư phổi với ALK dương tính, được gây ra bởi một đột biến di truyền cụ thể có thể được điều trị bằng liệu pháp nhắm mục tiêu thay vì hóa trị truyền thống", Amanda cho biết.
Phổi chịu trách nhiệm cho việc trao đổi oxy và carbon dioxide để giữ cho não, tim và các bộ phận khác của cơ thể được khỏe mạnh. Tuổi tác, thói quen hút thuốc, hít phải chất gây ô nhiễm và các yếu tố khác... đều có thể ảnh hưởng đến chức năng phổi.
Khi phổi bị giảm chức năng, khả năng hoạt động của nó bị suy giảm, có thể dẫn đến khó thở, tắc nghẽn... Điều này về lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh tật. Chính vì vậy, bảo vệ phổi là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của mỗi người. Chúng ta có thể thực hiện các bài tập, bao gồm cả bài tập thở để giúp tăng cường chức năng của phổi.
1. Thở mím môi
Tác dụng: Có thể giúp cải thiện khả năng hoạt động của phổi. Thở mím môi là một bài tập có thể giúp giữ cho đường hô hấp mở ra lâu hơn để luồng không khí vào được nhiều hơn.
Bài tập này rất dễ thực hiện và mọi người có thể thực hiện nó ở hầu hết mọi nơi.
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng dậy. Một tư thế ngồi tốt có thể giúp thúc đẩy luồng khí qua phổi tốt hơn.
- Hít thở sâu bằng mũi của bạn một cách chậm chạp, được kiểm soát.
- Đôi môi mím hờ lại với nhau, giống như làm một nụ "hôn".
- Thở ra qua đôi môi mím, làm cho mục tiêu thở ra gấp hai lần khi hít vào. Một số người thường hẹn giờ khi thực hiện động tác này để đạt hiệu quả tốt, chẳng hạn như tập trung hít vào 5 giây và thở ra trong 10 giây.
Bài tập này có thể hữu ích cho cả những người lười hoạt động thể chất và những không sử dụng cơ thở của họ thường xuyên. Những người bị tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) càng nên thực hiện bài tập này.
2. Thở bằng bụng
Tác dụng: Thở bụng là một bài tập tập trung vào việc nhắm mục tiêu và tăng cường cơ hoành, giúp một người có thể hít thở sâu. Bài tập này được Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ khuyến khích nên tập.
Cách thực hiện:
Mọi người có thể làm theo các bước sau để hoàn thành bài tập này.
- Có thể đặt tay hoặc một vật nhẹ nhàng trên bụng.
- Hít vào từ từ thông qua mũi của bạn và để cho bụng căng lên.
- Thở ra qua miệng, đồng thời bụng xẹp xuống.
- Hít vào qua mũi của bạn một lần nữa, lần này cố gắng để dạ dày của bạn căng lên nhiều hơn so với hơi thở trước đó.
- Cố gắng thở ra lâu hơn nhiều so với khi bạn hít vào, chẳng hạn như thời gian dài gấp 2-3 lần.
Một người có thể thực hành thở bụng và hít thở môi trong khoảng 5-10 phút mỗi ngày để tăng cường chức năng phổi của mình.
3. Tập luyện ngắt quãng
Đối với những người có vấn đề với khó thở và thở ngắn trong khi tập thể dục, các bài tập luyện ngắt quãng có thể sẽ là một giải pháp tốt hơn so với tập các bài thể dục liên tục. Hình thức tập luyện này thường là xen kẽ các bài tập khó với bài tập dễ hơn, ví dụ như đi bộ với tốc độ rất nhanh trong 1 phút, sau đó đi bộ chậm hơn trong 2 phút.
Tương tự như vậy, một người có thể thực hiện hoạt động cử tạ trong 1 phút, sau đó bước sang một bên hoặc đi bộ với tốc độ nhẹ nhàng trong 2-3 phút. Khoảng thời gian ngắt quãng này cho phép cơ thể hồi phục trước khi thử lại các bài tập nặng nhọc hơn.
Bất cứ khi nào thể dục và trở nên hụt hơi, hãy giảm tốc độ trong vài phút và thực hiện cách thở mím môi để giữ sức lực. Bạn có thể tiếp tục thở môi cho đến khi cảm giác khó thở giảm xuống.
Những việc cần làm để bảo vệ sức khỏe của phổi
Các bài tập cho phổi có thể cải thiện chức năng của phổi nhưng không có tác dụng đảo ngược những tổn thương đang có ở phổi. Vì vậy, ngay từ đầu, cần bảo vệ phổi tránh những thiệt hại do các tác nhân bên ngoài gây ra. Những việc mà mọi người có thể thực hiện để bảo vệ phổi bao gồm:
- Tránh hút thuốc lá.
- Uống nhiều nước.
- Duy trì hoạt động thể chất.
Nếu một người có các triệu chứng của sức khỏe phổi kém, chẳng hạn như khó thở trong các hoạt động hàng ngày, đau khi thở hoặc ho không biến mất... thì cần đi khám bác sĩ sớm.