Chị em chia sẻ kinh nghiệm thuê dịch vụ dọn dẹp, nấu ăn tại nhà cuối năm "đôi lúc mất tiền, mua bực vào người"

Dương Dương,
Chia sẻ

Những tình huống dở khóc dở cười khi hội chị em chọn dịch vụ dịp cuối năm vừa mất tiền, vừa mua bực vào người.

Một trong những nỗi “ám ảnh” mỗi khi Tết đến Xuân về là tổng vệ sinh nhà cửa, từ sân vào đến tận giường. Tuy nhiên, cuối năm bao thứ dồn dập đến như lo cân đối chi tiêu, hoàn thành công việc cuối năm cho kịp tiến độ deadline…

Để có thể “vẹn cả đôi đường”, nhiều người đặc biệt là dân văn phòng đã lựa chọn các dịch vụ hỗ trợ để bản thân dành thời gian cho công việc khác. Nói cách khác, họ sẵn sàng chi tiền để “mua sự nhàn” cho bản thân mình. 

Tuy vậy, ngoài những lợi ích có thể dễ dàng liệt kê ra thì cũng có rất nhiều bất cập. Dưới đây là một số trường hợp “dở khóc dở cười”, “mua bực vào mình”...

“Bùng kèo sát giờ”

Càng sát những ngày lễ Tết, nhu cầu dọn nhà ngày một tăng cao đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khiến dẫn đến tình trạng quá tải, khó tìm người nếu sát giờ…

Chị Hà Minh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Mình thường xuyên sử dụng dịch vụ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa đặc biệt vào dịp cuối năm này. Bởi đặc thù công việc của bản thân, mình rất bận, thường xuyên phải đi tiếp khách nên không thể dành thời gian cơm nước hay chăm lo nhà cửa được. Vì vậy, mình thường lên hội nhóm trên mạng xã hội tìm giúp việc theo giờ chứ không qua môi giới”

Dịch vụ thuê người hỗ trợ dọn dẹp, nấu ăn cuối năm “lợi bất cập hại” - mất tiền mua bực vào người! - Ảnh 1.

Chị Hà Minh chia sẻ cũng vì tìm trên hội nhóm và hôm nào cần mình mới tìm nên thường mỗi lần sẽ là một người khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai chị cũng ưng và có một trường hợp khiến chị đã phải lập tức chia sẻ lên MXH vì quá bức xúc. “Hôm đó, nhà mình có khách vào buổi tối, mà chiều mình có một cuộc họp quan trọng không thể bỏ được nên đã thuê người đến nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Mình đã trao đổi và tìm được người thành công như những lần trước. Tuy nhiên, đến sát giờ chiều hẹn thì bạn lại nhắn mình “Em xin lỗi, nay em từ quê lên không kịp. Em xin lỗi”. Thế mình cũng chỉ biết ôm cục tức và tìm hướng giải quyết thật nhanh. Vội gọi điện nhờ bà nội đón con và đi chợ hộ, bà ngoại sang dọn dẹp rồi nấu ăn giúp. Cũng ngại lắm vì đã nói với hai mẹ là con có thể lo được hết để hai mẹ yên tâm". 

Tiền dịch vụ tăng "phi mã” mỗi ngày, nhiều nơi còn không báo trước

Dịch vụ thuê người hỗ trợ dọn dẹp, nấu ăn cuối năm “lợi bất cập hại” - mất tiền mua bực vào người! - Ảnh 2.

Theo khảo sát thị trường dọn nhà Tết Quý Mão, giá dọn nhà được tính theo mét vuông, theo giờ hoặc trọn gói. Khách thuê dọn nhà có thể tùy chọn các hình thức tính giá dịch vụ nhưng điểm chung là chúng đều được điều chỉnh cao hơn so với các tháng khác. 

Chị Xuân (nhân viên văn phòng Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết năm ngoái khi ngó lại lịch nghỉ Tết chị đã cẩn thận thuê dọn dẹp nhà cửa trước cả tháng vì sợ tình trạng quá tải không tìm được người. Nhưng cầm điện thoại đặt lịch từ trước Ông Công Ông Táo mà đến công ty thứ 3 mới còn lịch trống để nhận. 

Chị Xuân cho biết: “Bình thường gia đình mình cũng thường thuê dịch vụ lau dọn trọn gói, cũng bởi nhà tầng nhiều ngóc ngách. Giá bình thường chỉ khoảng 300.000đ/phòng. Nhưng cận Tết tăng lên gấp 3 lần còn không có người nhận, ngày 24 Tết là 3 triệu cho 3 phòng, 28 Tết đã lên thành 5 triệu, 8 triệu mà còn hên xui đợi người ta làm xong ca trước mới đến ca mình". 

Cũng một trường hợp nữa được chị Hồng Hạnh chia sẻ lên MXH: “Các bác có ai giặt Sofa mà bị tính như thế này chưa ạ. Sofa nhà em là đơn ngay từ đầu đã báo 300.000 đồng. Em đồng ý, ngày cuối năm em chấp nhận. Mọi khi em giặt chỗ khác cũng có 250.000 đồng. Mà giờ còn tính đệm lót trên sofa riêng. Thuê giặt mà mua bực vào mình ghê.

Gửi tính thêm đệm lót ghế lên tổng là 450k. Ủa alo từ lúc nào mà tách ra thế các bác. Sofa không có đệm ở dưới thì nó ngồi như thế nào??”. 

Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Điều đáng nói nhất là sau khi giặt xong hết rồi họ mới báo cho khách và nói phí phải trả thêm. Việc tăng giá cuối năm có thể hiểu được thông báo theo kiểu "tiền trảm hậu tấu" như vậy là hết sức vô lý. Nhanh chóng bài viết của chị thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người thấy rõ sự vô lý của tiệm giặt sấy trên, nhiều người còn mong muốn xin tên để còn “né” ra.

Đúng là việc gì cũng có hai mặt của nó. Cũng không thể phủ nhận các dịch vụ hỗ trợ đã giúp rất nhiều chị em được nhàn hơn và đối mặt với “Tết” một cách vui vẻ hơn. Chị Lê Vân (Hưng Yên) cho biết: “Năm nào cứ gần Tết là mình lại thuê người dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Mấy ngày giáp Tết mình chỉ cần lau quét qua là được. Mình vừa có thời gian chạy deadline, vừa thoải mái mua sắm đồ đạc tỉ mỉ hơn”. 

Chia sẻ