Không chỉ là thủ tục, lễ đầy tháng hay thôi nôi ngày nay được các gia đình đầu tư "khủng" cả quy mô lẫn hình thức
Chỉ qua cách tổ chức lễ đầy tháng cho con cũng cho thấy sự khác biệt trong quan điểm của các thế hệ.
Cúng đầy tháng là một nghi lễ truyền thống của người Việt để tạ ơn các vị thần linh, bà Mụ và Đức ông đã ban cho gia đình một em bé khỏe mạnh. Lễ thường được tổ chức sau khi em bé ra đời tròn một tháng, dưới sự chứng kiến của bố mẹ và ông bà, họ hàng thân thiết hai bên. Nghi lễ này cũng như một lời khẳng định sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình. Xưa kia, nhiều người còn đợi đến lễ đầy tháng mới đặt tên cho con.
Một mâm cúng vẫn còn giữ được nét đơn sơ với chủ yếu là các món như xôi gấc, chè trôi nước, thịt quay cơ bản. Ảnh: tiecluudongthanhhoa.
Với dòng chảy thời gian, ngày nay, tập tục tốt đẹp này vẫn được duy trì. Song, có những thay đổi một chút về nghi thức và quy mô. Điều này đến từ việc các gia đình thế hệ mới có nhiều quan điểm khác nhau trong việc tổ chức buổi lễ này.
Vẫn giữ nghi thức nhưng mở rộng quy mô và hình thức
Còn vài ngày nữa mới hết một tháng ở cữ, chị Thu Hà (1997, Long Biên, Hà Nội) và chồng đã lên kế hoạch chuẩn bị tổ chức lễ đầy tháng cho cậu con trai. “Mình nghe mẹ chồng kể rằng ngày xưa mẹ làm lễ đầy tháng không cầu kỳ, nhưng phải đủ các món như mâm ngũ quả, hoa tươi, lợn, gà luộc, xôi, chè, cháo, trầu cau, hương ngang, nến, gạo tẻ, muối hạt, nước lọc, rượu, bát, đĩa, muỗng, đũa… Rồi còn phải căn sao cho con không ngủ quá nhiều, không khóc quá nhiều vào ngày đầy tháng. Nhưng đến con mình thì mẹ bảo cúng như nào sẽ do hai vợ chồng quyết định, mẹ hỗ trợ thêm”.
Được sự ủng hộ của mẹ, vợ chồng chị Hà đã tham khảo thêm từ bạn bè và nhiều nguồn khác nhau. Sau cùng, chị quyết định vẫn giữ nguyên phần nghi lễ cúng như quan niệm dân gian. Phần lễ này sẽ diễn ra vào ban ngày, với sự có mặt của ông bà và hai vợ chồng.
Mâm lễ theo kiểu truyền thống của các bố mẹ xưa là những món đơn giản như hoa quả, xôi, chè, gà, nến, gạo, muối. Xôi thường là xôi gấc màu đỏ với mong muốn tốt đẹp cho em bé.
Mâm lễ hiện đại vẫn duy trì những món đó, song có thay đổi khá nhiều về mặt hình thức. Thường thì các mẹ như chị Hà sẽ chọn làm mâm cúng theo concept màu sắc, như bé trai thường chọn màu xanh dương, xanh lá, bé gái chọn màu vàng, hồng, cam. Và các món ăn đều được tạo màu cùng một tông. Chưa kể, còn có thêm bánh kem, bánh bao, giỏ hoa quả theo màu chủ đạo.
Những mâm lễ cúng đầy tháng vẫn có các món theo nghi thức truyền thống nhưng đã được bố mẹ sáng tạo, bày vẽ đẹp mắt hơn. Ảnh minh họa.
Anh chị sẽ tổ chức thêm một bữa tiệc vào buổi tối và gửi lời mời đến anh chị em họ hàng hai bên cùng bạn bè thân thiết của cả hai. Đây sẽ là tiệc ngọt, có bánh kem, hoa quả…, trang trí phòng tiệc theo tông màu xanh - để giới thiệu con trai. “Chúng mình từng được dự bữa tiệc này ở nhà bạn người Nga của chồng và mình thấy rất vui. Không gian được trang trí bằng những món đồ dễ thương. Mọi người sẽ đến chúc mừng, nhìn mặt làm quen với em bé và tặng quà lấy may mắn cho con. Mình từng có thời gian đi học ở Nhật Bản, còn thấy có gia đình thuê thêm hẳn đầu bếp về nấu nướng, mở tiệc linh đình”, chị Hà nói.
Cùng quan điểm với gia đình chị Hà, anh Phạm Tiến Minh (1996, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) giúp vợ chuẩn bị lễ cúng đầy tháng cũng như tiệc mừng cho con. “Vợ mình muốn tự tay nấu xôi, nấu chè để làm lễ cho con nên mình sẽ đi mua sẵn các nguyên liệu, tiền vàng và bày mâm lễ. Còn tiệc buổi tối thì mình đặt luôn ở bên tổ chức sự kiện, đầu giờ chiều họ sẽ mang đầy đủ bóng bay, background, bàn tiệc đứng và cả một khu vui chơi cho các khách mời dẫn theo trẻ em đến. Những hình ảnh mọi người chụp sẽ được lưu lại, sau này kể cho con nghe".
Thực tế bố mẹ trẻ không ngại chi tiền khủng cho lễ đầy tháng của con
Bên cạnh những cặp bố mẹ trẻ rất sẵn sàng cho tiệc đầy tháng của con thì nhiều người ngoài nhìn vào lại tỏ ra sững sờ khi nghe đến quy mô tổ chức tiệc như vậy. “Em thấy bạn đồng nghiệp mình kể hôm nay nó xin nghỉ phép hẳn một ngày để ở nhà cùng chị dâu trang trí tiệc cho cháu. Mới đầu em còn tưởng là sinh nhật cơ, nghe nó bảo tiệc đầy tháng có hơi sốc. Tại nghĩ đầy tháng chỉ có dâng lễ cúng thôi chứ”.
Trên thực tế, những người làm trong ngành tổ chức sự kiện, setup tiệc… đã làm quen với yêu cầu của các ông bố bà mẹ cho lễ đầy tháng của con từ vài năm gần đây. Chị Minh Lam (đơn vị chuyên tổ chức tiệc tại nhà ở Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên nhận được yêu cầu của khách là cách đây 4 năm. Còn nhớ lúc đó khách muốn đặt chữ “Full Month” mà chỉ sẵn “Happy Birthday” với “Happy Wedding”, đi đặt thiết kế người ta còn chần chừ không nhận. Khách thì yêu cầu làm tiệc y như một buổi sinh nhật của trẻ em”.
Các đơn vị tiệc, bánh kem đều đã có đầy đủ dịch vụ phục vụ lễ đầy tháng. Ảnh minh họa.
Giờ thì các dịch vụ đã được chị Lam bổ sung với các combo có mức giá khác nhau cho khách. Các khách chịu chi có thể bỏ ra hơn 10 triệu - 20 triệu cho tiệc tại gia, họ yêu cầu khắt khe về những đồ trang trí mang dấu ấn cá nhân và cả chuẩn bị quà cho những người đến tham dự. Các gói nhỏ hơn thì tùy vào chi phí mà khách hàng đưa ra để bên setup tiệc tư vấn và thực hiện.
Còn chị Hà Anh (một đơn vị nấu cỗ ở Hải Phòng) kể về lần tổ chức tiệc đầy tháng đáng nhớ nhất: “Có một gia đình thuê bên tôi nấu 50 mâm cỗ mà bảo nhân dịp đầy tháng cháu. Tôi đã nhận nhưng lúc báo cho bên chở bàn ghế và rạp tới, họ lại tưởng tôi báo nhầm vì hỏi gia đình có phải làm đám cưới không, gia đình lại bảo không, chỉ tổ chức tiệc đầy tháng thôi”.
Có con trai và con dâu cũng chọn tổ chức cả cúng lễ nghi và tổ chức tiệc đầy tháng cho cháu gái, cô Minh Hòa (Long Biên, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Các cháu bây giờ có điều kiện hơn bố mẹ ngày xưa, chúng cũng vì yêu quý, muốn giới thiệu con với họ hàng, bạn bè thân thiết mà muốn tổ chức thêm tiệc ăn uống. Tôi hoàn toàn ủng hộ thôi vì là ngày vui của cả nhà mà, vừa là lời chúc mừng cho mẹ cháu đã cố gắng trong thời gian 9 tháng 10 ngày, vừa là lời nhắc nhở cho bố cháu phải quan tâm, yêu thương và có trách nhiệm với gia đình hơn".