Chỉ dành 30 phút chăm sóc mỗi ngày, chàng trai Sài Gòn trồng giàn nho đen trĩu quả trên sân thượng 50m²
Không gian sân thượng rộng rãi, nhiều nắng giúp chàng trai trẻ Tấn Lợi thỏa mãn đam mê trồng và chăm nho mỗi ngày.
Giàn nho trên sân thượng của chàng trai trẻ Tấn Lợi khiến nhiều người mê mẩn khi từng chùm chi chít quả đang độ chín.
Đã nhiều năm nay, Tấn Lợi vừa trồng vừa tìm hiểu cách chăm sóc để giàn nho trên sân thượng ngày càng phát triển. Đặc biệt là năm nay, Tấn Lợi vô cùng thích thú khi giàn nho đang độ chín trĩu trịt.
Chàng trai trẻ bắt đầu trồng cây từ năm lớp 11. Đến thời điểm hiện tại, khu vườn trên cao đã được trồng rất nhiều loại cây và hoa. Khu vườn trên sân thượng nhiều nắng nên Tấn Lợi lựa chọn các loại cây ưa nắng. Những khu vực có nhiều bóng râm được trồng hoa lan để tạo điểm nhấn rực rỡ cho khu vườn.
Được biết, chàng trai trẻ yêu thích trồng cây từ thuở nhỏ. Do bận học nên khi lớn hơn một chút, biết sắp xếp thời gian, anh chàng mới bắt đầu tìm hiểu về trồng các loại quả mình yêu thích. Khu vực sân thượng được Lợi dành phần lớn diện tích cho việc trồng nho.
Giàn nho trên sân thượng gồm 2 gốc đều phát triển tươi tốt nhờ việc đọc và học thêm kiến thức trồng, chăm sóc cây. Bên cạnh đó, Lợi không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ nhà vườn cũng như những người chuyên trồng nho trên sân thượng. Nhờ sự học hỏi không ngừng, chủ động rút kinh nghiệm và tự nghiên cứu, vườn nho năm nay đạt năng suất cao hơn mọi năm.
Đất trồng nho được Tấn Lợi trộn đất với cát, phân trùn quế và phân dê. Chàng trai trẻ chú ý trong việc chọn giống. Giàn nho được anh lựa giống nho Ninh Thuận và Nho Eden của Pháp. Hàng ngày, Tấn Lợi dành thời gian chăm chút cho cây, giúp cây lớn nhanh, leo giàn, đẻ nhiều nhánh và cho ra quả. Năm nay, anh rất vui vì giàn nho sai quả hơn cả mong đợi.
Tấn Lợi chia sẻ kinh nghiệm mua giống: "Để cây nho phát triển và ra trái, bền cây, mọi người nên chọn giống nho uy tín, tránh mua nho dại, vừa tốn công chăm sóc vừa không đậu trái dù rất nhiều hoa".
Nho được dưỡng cẩn thận khi còn nhỏ. Khi lớn leo tới giàn, chàng trai cắt ngọn để cây đẻ nhánh. Các nhánh khi dài khoảng 1 mét thì tiếp tục cắt để cây đẻ nhánh cấp 2. Cành cấp 2 sẽ được để lại để hóa gỗ. Để kích nho ra trái, Lợi chọn cách cắt tỉa lá. Trước khi kích trái sẽ bón phân NPK giúp cây khỏe. Khi cây có hoa cho tới lúc thu hoạch, anh tiếp tục bón thêm phân NPK, phân lân, kali để trái ngọt và đậu nhiều trái.
Khi trái hơi chuyển sang màu đỏ, Tấn Lợi sẽ dừng bón phân để đảm bảo cách ly phân bón cho tới khi thu hoạch nửa tháng. Khi rảnh rỗi, Tấn Lợi tỉa bỏ mầm phụ giúp cây tránh mất nhiều dinh dưỡng.
Các loại quả trên sân thượng.
Cây nho thường xuất hiện sâu nho và nấm vào mùa mưa nên Tấn Lợi để ý để xử lý kịp thời. Anh thường bắt sâu trực tiếp và cắt bỏ những cành bị sâu nặng. Để đối phó với nấm bệnh, chàng trai hạn chế bằng cách bọc bao vào từng chùm quả để nấm không lây nhiễm vào các chùm quả.
Ngoài quả, sân thượng còn trồng thêm hoa lan.
Ngoài sở thích trồng nho, trên sân thượng năm nay còn được Tấn Lợi trồng thêm ổi và các loại dưa. Khu vườn luôn là nơi thư giãn, mang lại niềm vui cho chàng trai trẻ sau một ngày bận rộn bên ngoài trở về.
Nguồn ảnh: NVCC