Cháu ngoại 7 tuổi vẫn phải bón từng thìa cơm nhưng khi tôi nhờ mẹ chồng chăm cháu nội mới 3 tuổi thì bà thẳng thừng từ chối
Trong khi con gái lớn của tôi tầm tuổi ấy đã tự biết làm nhiều việc nhà thì con trai của chị chồng vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn.
Tôi không biết các gia đình khác như thế nào nhưng vợ chồng tôi không có nhà ngoại chắc sống dở chết dở. Bố mẹ tôi thương con rể chẳng kém gì con dâu, mẹ tôi lúc nào cũng có câu cửa miệng là: Thằng Tuấn nó tội nghiệp lắm rồi, mày ở với nó thì bơn bớt cái mồm cho chồng nó đỡ khổ.
Chồng tôi tuy là con trai duy nhất trong nhà nhưng lại "không được khá giả lắm" và "không đẻ được con trai" nên chẳng được ai coi ra cái gì. Mà đúng là vợ chồng tôi chỉ có 2 cô con gái, bé lớn năm nay 12 tuổi, bé út mới lên 3 thôi.
Cả 2 đứa nhà tôi đều là mẹ tôi chăm bẵm từ khi lọt lòng và cứ đến 3 tuổi sẽ cho đi mẫu giáo, không phải vì bà không muốn trông cháu nữa mà vì bản thân bà cũng là giáo viên mầm non về hưu và bà hiểu tầm quan trọng của việc cho trẻ đi học đúng độ tuổi.
Sau những ngày Tết đầy ấm cúng và rộn rã, việc trở lại cuộc sống thường ngày luôn là một nỗi lo nhỏ đối với tất cả mọi người, nhất là với những bậc làm cha mẹ có con nhỏ. Tôi cũng không nằm ngoài quy luật ấy, đặc biệt khi tôi quyết định cho con gái nhỏ của mình bắt đầu đi học mẫu giáo sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.
Ra Tết là bé út nhà tôi tròn 3 tuổi nên tôi đã sắp xếp mọi thứ để chuẩn bị cho bé đến trường. Việc này nếu nói đúng ra thì tôi không cần báo cáo với mẹ chồng nhưng thôi thì cũng là bà của con mình nên tôi gọi là thông báo 1 tiếng.
Có lẽ, với tôi, đây không chỉ là bước đi quan trọng đối với sự phát triển của con gái tôi mà còn là cơ hội để cô bé hòa nhập với môi trường xã hội, học cách tự lập và phát huy khả năng của mình. Thế nhưng, khi tôi chia sẻ quyết định này, mẹ chồng tôi phản ứng một cách dữ dội, thậm chí còn gọi tôi là "loại mẹ khốn nạn ác độc".
Bà cho rằng tôi mang tiếng làm nhà báo, ngày ngày tiếp xúc với đủ loại thông tin mà lại nhẫn tâm giao con mình cho người ngoài chăm sóc khi đứa bé mới có 3 tuổi, nói còn chưa sõi. Lời lẽ gay gắt đến mức tôi không thể tưởng tượng nổi rằng một người phụ nữ lớn tuổi, giàu kinh nghiệm lại có thể có những suy nghĩ như vậy về việc giáo dục trẻ nhỏ.
Điều đáng nói là bà chưa có nổi 1 ngày nào chăm sóc cả 2 đứa cháu nội, cũng chưa từng cho các cháu đồng quà tấm bánh nào. Đến mừng tuổi cũng không nốt, mà các cháu nó còn chưa biết tiêu tiền, kể cả bà chỉ cần mua cái phong bao xinh xắn rồi để vào đấy 2.000 đồng thôi chúng nó cũng vui lắm rồi. Một người bà như vậy thì mọi người nghĩ thử xem tôi liệu có chịu để yên cho bà muốn nói gì thì nói không?
Tôi cố giữ bình tĩnh rồi hồn nhiên "nhờ" bà lên trông cháu, chỉ cần bà đồng ý thì tôi sẽ không cho con đi học mẫu giáo nữa. Thế nhưng đúng như những gì tôi dự đoán, bà thẳng thừng từ chối với lý do còn phải đi chăm sóc cháu ngoại. Điều đáng nói là cháu ngoại của bà, con trai chị chồng tôi năm nay đã 7 tuổi rồi. Trong khi con gái lớn của tôi tầm tuổi ấy đã tự biết cắm cơm, rửa bát, gấp quần áo cho mẹ thì con trai của chị chồng vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn, ngay cả việc tự xúc cơm ăn cũng không xong. 7 tuổi nhưng thịt vẫn phải cắt nhỏ ra mới ăn được, cơm vẫn phải người lớn xúc cho từng thìa.
Với mẹ chồng tôi thì cháu nội hay cháu ngoại không quan trọng, trong tâm trí bà. Điều duy nhất bà quan tâm là đứa trẻ đó phải là cháu trai, bất kể khả năng và năng lực của chúng ra sao. Chính vì lẽ đó mà khi tôi sinh 2 con gái thì không có lần nào mẹ chồng tôi có mặt hỗ trợ dù là về tinh thần hay vật chất. Nói tóm lại chỉ cần biết cháu là cháu gái thì mẹ chồng tôi tự khắc coi đấy không phải là cháu mình luôn!
Thời gian đầu tôi cũng cố gắng để cải thiện mối quan hệ đấy nhưng cho dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa, con gái tôi cũng khó lòng nhận được tình thương yêu từ bà nội, lâu dần tôi nhận thấy con mình không cần thứ tình thương bố thí dè sẻn nên tôi cũng kệ luôn, muốn đối xử với mẹ con tôi thế nào cũng được.
Trong sự đối đầu với tình thế trớ trêu ấy, tôi lại càng thấm thía hơn giá trị của việc dạy con gái mình tự lập, mạnh mẽ và không phụ thuộc vào sự thiên vị của bất kỳ ai, ngay cả khi đó là người thân trong gia đình.
Quyết định cho con gái đi học mẫu giáo của tôi không chỉ là bước khởi đầu cho hành trình học vấn của cô bé mà còn là quyết tâm bảo vệ quan điểm nuôi dạy con cái của mình. Tôi muốn con mình sống trong môi trường lành mạnh, được rèn luyện và phát triển toàn diện, không phải chịu sự phân biệt và thiên vị từ bất kỳ ai.
Tình cảm gia đình quan trọng thì quan trọng thật nhưng không có nghĩa là mẹ con tôi phải ngửa tay đi xin những người vốn chẳng đặt chúng tôi vào lòng.