Chật vật vì dịch bệnh, AirAsia sẽ sa thải 30% nhân sự, nhà sáng lập dự kiến bán 10% cổ phần để huy động tiền mặt
Đối mặt với những tác động của Covid-19, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á – AirAsia Group, dự kiến sẽ cắt giảm 30% lực lượng lao động. Trong khi đó, nhà sáng lập Tony Fernandes đang cân nhắc bán 10% cổ phần để huy động tiền mặt.
Nỗ lực hết sức để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tiền mặt do Covid-19, ngoài cắt giảm nhân sự, AirAsia cũng giảm tới 75% mức lương của nhân viên để nỗ lực "cứu" hãng hàng không, theo Nikkei. Quá trình cắt giảm nhân sự sẽ bao gồm sa thải 60% phi hành đoàn và phi công đối với cả AirAsia và công ty liên kết AirAsia X.
Trong kế hoạch lần này, gần như toàn bộ 20.000 nhân viên của công ty đều được đánh giá lại kể từ tháng 1, dựa trên mức lương và hiệu quả làm việc, trong khi đó việc sa thải dự kiến sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết tháng 7.
Theo Nikkei, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng hãng hàng không này – ông Fernandes tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối, có thể bán 10% cổ phần để huy động tiền mặt. Trong khi đó, được biết, SK Corp của Hàn Quốc nằm trong số 3 công ty bày tỏ sự quan tâm đối với việc mua cổ phần của AirAsia.
Hoạt động bán cổ phần này sẽ không cần đến sự chấp thuận của cổ đông vì ban lãnh đạo được ủy quyền để tăng lượng cổ phiếu mới phát hành lên tới 10%, theo nội dung cuộc họp hội đồng cổ đông hồi tháng 6 năm ngoái.
Báo Star của Malaysia đưa tin rằng tập đoàn lớn thứ 3 Hàn Quốc – SK Corp , có thể sẽ mua cổ phần trong AirAsia với mức giá 1 Ringgit/cổ phiếu, theo đó hãng bay này sẽ huy động được khoảng 78,4 triệu USD. SK Corp là công ty đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng và viễn thông của Hàn Quốc, với 95 công ty con, ghi nhận doanh thu 213,6 tỷ USD vào năm ngoái và sở hữu khối tài sản lên tới 256,9 tỷ USD.
Nguồn tin thân cận tiết lộ với Nikkei: "Toàn bộ đề xuất đang được hội đồng quản trị cân nhắc, quyết định dự kiến sẽ được đưa ra vào tuần tới."
Trong khi các nhân viên không bị sa thải được sẽ bị cắt giảm lương ở mức 15%-75%, thì ông Fernandes cũng cắt giảm mức chi tiêu vốn của AirAsia và vốn lưu động của tất cả các hãng hàng không mà tập đoàn này điều hành. Ngoài ra, ông và nhà đồng sáng lập - Kamarudin Meranun, cũng đồng ý không nhận lương trong một khoảng thời gian.
Nguồn tin này cho biết: "Ngân sách cho các bộ phận đã bị cắt giảm, trong khi kế hoạch sa thải dự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm sau. AirAsia dự đoán tình hình sẽ cải thiện vào năm 2022." Người này nói thêm: "Các khoản thưởng, tăng lương và ưu đãi đã không được chi trả, nhân viên chỉ được trả phụ cấp đi lại và lương cơ bản." Trong đó, các ưu đãi bao gồm các chuyến bay miễn phí, phiếu giảm giá bữa ăn.
Hiện tại, AirAsia Group hoạt động tại Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản và Philippines.
Một nguồn tin khác thân cận với Fernandes tiết lộ với Nikkei rằng Fernandes cũng đang tìm hiểu về việc bán các liên doanh hàng không không có lợi nhuận tại Nhật Bản và Ấn Độ. Người này cho hay: "Ông ấy sẵn sàng giảm cổ phần hoặc thậm chí rút khỏi thị trường Nhật Bản và Ấn Độ do sự khó khăn mà ngành hàng không đang gặp phải ở những nước này và chi phí leo thang so với doanh thu."
Hồi tháng 5, Bangkok Post đưa tin rằng Thai AirAsia đang tìm kiếm một thương vụ sáp nhập với một số hãng vận chuyển giá rẻ trong nỗ lực "sống sót" sau đại dịch.
Trong khi đó, chính phủ Malaysia cũng đang cân nhắc hỗ trợ hơn 350 triệu USD cho các hãng hàng không lớn đang gặp khó khăn về tiền mặt, bao gồm AirAsia, Malaysia Airlines và Malindo Airways. Chính phủ nước này hy vọng các khoản hỗ trợ sẽ giúp các hãng bay trụ vững qua cuộc khủng hoảng Covid-19 và thực hiện những quy trình vận hành mới bao gồm giãn cách trên máy bay và làm thủ tục mà không có tiếp xúc vật lý.
Tham khảo Nikkei