Chấp nhận "lui về hậu phương và sống như một bà hoàng", cái kết tôi nhận lại chẳng hề ngọt ngào như mộng tưởng
Phụ nữ phải có chính kiến riêng, có quyền quyết định riêng và có tài sản riêng mới mong được hạnh phúc.
Theo dõi vụ ly hôn nghìn tỷ giữa vợ chồng tỷ phú Trung Nguyên, tôi thấy thật nực cười khi nghe chủ tọa khuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo hãy biết "lui về hậu phương và sống tốt như một bà hoàng". Vì sao lại khuyên một người phụ nữ có đầy tham vọng, năng lực phải "lui về", chấp nhận núp sau một người đàn ông và chỉ là "bà hoàng" mà không phải "ông vua"? Phải chăng cái tư tưởng trọng nam khinh nữ nó còn đeo bám mãi trong tâm trí của nhiều người Việt chúng ta, kể cả những người đang cầm cân nảy mực?
Chẳng lấy đâu xa, tôi đây, một ví dụ điển hình cho việc "lui về, sống như một bà hoàng" nhưng đời lại chẳng cho tôi cái quyền cơ bản của một người phụ nữ. Và khoảng thời gian đó vẫn luôn là điểm tối, là những giây phút tôi muốn lãng quên nhất.
Sinh ra trong gia đình giàu có, tôi đi làm cho công ty gia đình. Khi đó, chồng tôi chỉ là nhân viên bình thường. Yêu tôi rồi anh mới được cất nhắc, giao quyền quản lý từ cấp phòng lên tới giám đốc nhân sự. Được cái anh cũng có năng lực cao, làm việc gì là xong việc đó trong thời gian ngắn.
Nắm trong tay quyền điều hành, anh bảo tôi nghỉ việc, lui về nhà, sống như một bà hoàng đi. (Ảnh minh họa)
Kết hôn xong, anh chuyển về nhà tôi ở rể. Với năng lực, tầm nhìn chiến lược, anh giúp công ty vươn xa hơn và nhận được sự tín nhiệm của bố tôi. Cuối cùng, bố tôi giao hẳn quyền quản lý công ty cho con rể với hy vọng con gái duy nhất của mình sẽ được sống tốt nhất.
Nắm trong tay quyền điều hành, anh bảo tôi nghỉ việc, lui về nhà, sống như một bà hoàng đi. Tôi ra ngoài có xe đưa rước, ăn mặc hàng hiệu, xách túi vài trăm hay cả nghìn đô. Mỗi khi dự tiệc, tôi bước bên chồng, ai cũng trầm trồ khen tôi sang chảng, kiều diễm... Toàn những mỹ từ.
Thời gian đầu tôi thấy cũng vui, cũng hay. Tôi có thời gian đi du lịch, tận hưởng cuộc sống. Nhưng rồi cảm giác thích thú trôi qua rất nhanh, thay vào đó là nhàm chán. Cay đắng hơn, tôi còn phát hiện ra chồng ngoại tình với chính cô thư kí tôi đã tin tưởng lựa chọn cho anh.
Nhưng trên danh nghĩa, chúng tôi là vợ chồng, trên thực tế, chúng tôi âm thầm chống phá nhau. (Ảnh minh họa)
Khi tôi định làm căng mọi chuyện, anh cười khẩy: "Công ty do tôi nắm, giờ ly hôn thì cô được gì?". Câu nói đó ám ảnh tôi tới tận bây giờ. Suốt 2 năm sau, tôi giương mắt chấp nhận cảnh chung chồng. Chồng đưa bồ về nhà, tôi cũng không còn quyền lên tiếng.
Đôi lúc, anh ta còn bắt tôi trơ mắt nhìn anh ta và nhân tình quan hệ với nhau. Cái quyền cơ bản của một người vợ: GHEN, tôi cũng chẳng có. Cái quyền tự bảo vệ danh dự, tôi cũng chẳng còn. Tôi sống cay đắng như thế cho đến khi quyết định rời khỏi cái "hậu phương" tủi nhục này.
Tôi không phanh phui chuyện anh ta ngoại tình nhưng dùng sức ép các cổ đông trong công ty để ép anh ta phải đồng ý cho tôi vào làm lại. Hiện tại, tôi đang giữ một nửa cổ phần trong công ty, có tiếng nói ngang ngửa chồng. Nhưng trên danh nghĩa, chúng tôi là vợ chồng, trên thực tế, chúng tôi âm thầm chống phá nhau. Tôi chỉ sợ, cứ đà này, công ty của bố tôi sẽ khó trụ vững. Tôi phải làm sao để chồng tôi tu tâm dưỡng tính lại đây? Cái giá của việc "lui về hậu phương", thật sự quá đắt rồi.