Chàng trai viết thơ bằng miệng và mối tình vượt hơn 1.500km
Qua một lần biến cố, chàng trai bị liệt toàn thân. Không ngại khó khăn, bằng nghị lực ý chí của mình, chàng trai đã tự học, tự viết… bằng miệng để cho ra những tập thơ về chính cuộc sống của mình. Cảm thông với cuộc sống của anh, một cô gái đã vượt chặng đường hơn 1.500km đến chăm sóc, động viên anh…
Cảm thông hoàn cảnh của anh Phạm Sỹ Long, chị Võ Thị Hồng Thu đã vượt hơn 1.500km để chăm sóc anh. Ảnh: Sơn Nguyễn
Số phận nghiệt ngã
Câu chuyện gây xúc động ở vùng quê xã Xuân Phổ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) chính là tình yêu đẹp của anh Phạm Sỹ Long (SN 1988, ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ) và chị Võ Thị Hồng Thu (SN 1987, ở Bạc Liêu).
Chúng tôi về nhà anh Long vào một buổi chiều nắng gắt miền Trung. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà là hình ảnh một chàng trai trẻ bị liệt toàn thân nằm bất động trên giường, đang mải mê dùng miệng vẽ từng bức tranh, viết những dòng chữ thẳng tắp. Ngồi bên cạnh là một cô gái hỗ trợ anh lấy bút giấy. Quanh bức tường căn phòng nơi chàng trai trẻ nằm là những bức tranh đang thơm mùi mực.
Anh Long là con trai duy nhất trong gia đình nhà nông nghèo có 4 anh em. Với tố chất thông minh nhanh nhẹn, anh là niềm hi vọng của bố mẹ, người thân. Nhưng rồi cuộc đời trớ trêu khi một tai nạn bất ngờ ập đến khiến anh đã bỏ lỡ những hoài bão của mình.
Năm 2003, trong lúc đi chăn bò phụ giúp bố mẹ, vì tuổi trẻ hiếu động nên anh trèo lên cây chơi, chẳng may cành cây gãy khiến anh bị rơi xuống đất. Đi bệnh viện, bác sỹ kết luận anh bị gãy 2 đốt sống cổ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không có tiền để mổ kịp thời. Mãi sau gần một tuần gia đình vay mượn được tiền để phẫu thuật thì đã quá muộn nên từ đó, anh Long bị liệt hoàn toàn, nằm bất động một chỗ. Từ một cậu bé hiếu động, anh trở thành gánh nặng cho gia đình. Cũng từ đây, chiếc xe lăn trở thành người bạn tri kỷ của anh.
"Hồi đó tôi buồn lắm, nhiều khi nghĩ về bản thân mình là một gánh nặng cho gia đình, tôi không muốn sống nữa. Nhưng rồi được người thân trong gia đình an ủi, bạn bè động viên nên dần tôi lấy lại được nghị lực. Tôi bắt đầu học viết, học vẽ, rồi làm thơ…", anh Long tâm sự.
Người đã làm thay đổi cuộc sống của anh Long chính là mẹ. Quãng thời gian anh nằm một chỗ, sinh hoạt khó khăn, mọi việc đều do chính bàn tay người mẹ gánh vác. Bà Trần Thị Hà (SN 1959, mẹ anh Long) tâm sự: "Ngày Long gặp nạn, hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn, không có tiền chữa trị nên Long mới phải nằm một chỗ thế này.
Nhiều lúc nhìn con mà nước mắt tôi rơi lúc nào không hay. Lúc Long bảo với tôi muốn học viết chữ bằng miệng, tôi cứ nghĩ con đùa. Nhưng vì muốn con bằng lòng nên tôi đi mua bút, vở về cho Long luyện tập. Long chăm chỉ lắm, có những hôm đến giờ ăn cơm mà cũng nhịn để luyện viết."
Không đầu hàng trước số phận, anh Long đã tìm cách để học viết bằng miệng. Theo anh Long, thời điểm mới học rất khó khăn, phải gần 2 năm anh sau mới viết thành thạo. "Thời gian đầu học viết chữ bằng miệng, tôi không thể ăn được cơm vì miệng sưng phồng.
Mẹ tôi xót con nên cứ bảo thôi đừng viết nữa nhưng tôi vẫn cố. Nhiều lúc đau quá, mỏi đầu quá cũng thấy nản nhưng tôi lại nghĩ có cái việc cỏn con thế này mà không làm được thì sao mà thay đổi được cái gì nên cố nhẫn nại", anh Long chia sẻ.
"Nhiều khát vọng"
Tập thơ về cuộc đời của anh Phạm Sỹ Long.
Viết chữ thành thạo cơ bản, anh bắt đầu làm thơ, rồi tập vẽ tranh bằng bút chì, bút lông... Tất cả đã không phụ lòng say mê của chàng trai tật nguyền. Những nét vẽ của anh ngày càng mượt mà sắc sảo.
Tố chất thông minh, học giỏi từ bé nên anh Long đã sáng tác được nhiều bức tranh sinh động, ghi lại cảnh sinh hoạt của người dân quê, những cánh đồng lúa, những bông hoa, cánh cò, lũy tre, hàng cau trước sân..
Cuộc đời anh Long nếu không có những vần thơ, những bức tranh thì chắc sẽ chuyển sang một ngã rẽ khác. Với anh lúc đó mọi thứ xung quanh đều là một màu đen tối. Anh tâm sự: "Thú thật ngày đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết để bố mẹ bớt khổ. Chuỗi ngày dài không có lấy một tiếng cười…".
Trong vòng 3 năm, anh đã sáng tác gần 50 bài thơ về tình yêu, cuộc sống và con người. Dù thơ chưa hay, không có quy tắc, nhiều khi không vần, không niêm luật nhưng đó là nỗi lòng của anh, được viết ra từ trái tim khát khao được sống và cống hiến, với bầu nhiệt huyết đầy ắp của tuổi trẻ. Những vần thơ mộc mạc, thấm đậm ý nghĩa cuộc sống hiện tại với những nỗi lòng không biết tỏ cùng ai.
Đầu năm 2013, qua sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, một số nhà văn, nhà báo trong huyện Nghi Xuân, các bài thơ của anh Long đã được mọi người tập hợp, hỗ trợ và xuất bản tập thơ mang tên "Miền khát vọng". Tập thơ gồm 32 bài thơ, nói về cuộc đời của anh.
Mối duyên qua mạng xã hội
Thời gian tới, anh Long dự định sẽ ra mắt truyện dài mang tên “Không chỉ là giấc mơ”.
Anh Long chia sẻ, mới đây thông qua mạng xã hội, có một người con gái đã đồng cảm với anh. Đó là chị Võ Thị Hồng Thu (ở Bạc Liêu). Qua nhiều lần nói chuyện trên mạng, hai người đã thầm thương nhau.
Tình cảm của họ ngày càng nảy nở dù chị Thu biết anh Long chỉ nằm một chỗ, mọi việc từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều không thể tự làm. Bất chấp chặng đường xa xôi hơn 1.500km, chị đã tìm đến với anh. Sau lần gặp đầu tiên, cả hai đều quyến luyến nhau và chị quyết định ở lại Hà Tĩnh chăm sóc anh với niềm hạnh phúc chân thành.
Chị Thu tâm sự: "Chúng tôi thật sự yêu nhau, mặc dù anh Long không được lành lặn như bao người khác nhưng tôi vẫn sẽ chăm sóc anh ấy đến hết cuộc đời. Dù ai nói gì tôi cũng chấp nhận. Tôi nghĩ yêu nhau thì phải biết hy sinh vì nhau. Dù biết tương lai sẽ khó khăn cho cả hai nhưng tôi tin khi mình còn nghị lực, còn quyết tâm thì sẽ vượt qua được".
Nói về người phụ nữ của cuộc đời mình, anh Long chia sẻ: "Thật sự tôi rất vui mừng, hạnh phúc. Như tôi mà vẫn có người con gái đồng cảm, chịu sống bên cạnh chăm sóc thì thật là hạnh phúc trời ban. Cảm ơn ông trời đã không bỏ mặc tôi".
Chia tay chàng trai tật nguyền đa tài, chúng tôi được anh Long bật mí dự định sẽ ra mắt truyện dài mang tên "Không chỉ là giấc mơ". Được biết, dự định này của anh từ rất lâu rồi nhưng vì điều kiện kinh tế nên anh chưa thể xuất bản.