Chàng trai bức xúc vì bạn gái mới đi làm đã có biểu hiện lạ

Thanh Tâm,
Chia sẻ

Với công việc và thu nhập ổn định của hai đứa, bọn em đã tính đến chuyện đám cưới. Nhưng em đang có những ức chế, khó chịu trong lòng...

Chị Thanh Tâm thân mến!

Em yêu cô ấy lúc cô ấy học năm thứ tư đại học. Vì gia cảnh khó khăn nên ngoài giờ học, cô ấy làm thêm ở quán cà phê để lấy tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí. Em đã đi làm nên sẵn sàng gánh đỡ các khoản chi tiêu của cô ấy để cô ấy tập trung làm luận án tốt nghiệp.

Khi cô ấy ra trường, em cùng cô ấy tìm hiểu thông tin, chuẩn bị hồ sơ xin việc để nộp vào các công ty phù hợp. Cuối cùng, nhờ mối quen của bố em, cô ấy đã được nhận vào làm ở một công ty sản xuất, kinh doanh đồ gỗ.

Với công việc và thu nhập ổn định của hai đứa, bọn em đã tính đến chuyện đám cưới. Nhưng em đang có những ức chế, khó chịu trong lòng khi thấy bạn gái mình chọn trang phục đi làm quá gợi cảm và hay đi ăn khuya với đồng nghiệp, không cho em đến đón về.

Em đã nhiều lần khuyên cô ấy nên mặc trang phục công sở nghiêm túc và hạn chế đi ăn khuya để đảm bảo sức khoẻ. Nhưng cô ấy nói phải thích nghi, hoà đồng với đồng nghiệp, phù hợp với môi trường làm việc chứ không mình lại trở nên lạc lõng.

Em không đồng ý quan điểm ấy thì cô ấy giận dỗi, không gặp gỡ em thường xuyên nữa. Em cảm thấy thất vọng về cách hành xử đó. Em cảm giác như cô ấy đã xong việc của mình rồi nên không còn tôn trọng ý kiến của em nữa…

Em xin được giấu tên.

Chào em!

Em đang cảm thấy mất kiểm soát trong mối quan hệ của mình và lo lắng rằng người yêu không còn dành cho mình sự ưu tiên như trước. Điều này dẫn đến cảm giác thất vọng, nghi ngờ, thậm chí có chút tổn thương. Nhưng để nhìn nhận công bằng, hãy thử tiếp cận tình huống này theo nhiều góc độ khác nhau.

Về sự thay đổi của bạn gái. Trước đây, cô ấy cần sự giúp đỡ của em. Khi đi làm, cô ấy phải thích nghi với môi trường mới, đồng nghiệp mới và có những thay đổi về phong cách sống.

Điều đó không có nghĩa là cô ấy coi nhẹ tình cảm hai người, mà có thể cô ấy đang cố gắng hòa nhập để ổn định công việc. Việc mặc trang phục gợi cảm hay đi ăn khuya với đồng nghiệp không đồng nghĩa với việc cô ấy thiếu tôn trọng em.

Có thể đó là cách cô ấy duy trì các mối quan hệ trong công ty để thuận lợi hơn trong công việc.

Về cảm giác của em. Chị nhận thấy, sự khó chịu của em xuất phát từ hai yếu tố. Một là, em muốn người yêu giữ sự "an toàn" trong cách ăn mặc và sinh hoạt. Nhưng tiêu chuẩn "an toàn" của em và của cô ấy khác nhau. Cô ấy có thể thấy thoải mái với cách ăn mặc đó, trong khi em lại thấy không phù hợp.

Thứ hai, em cảm thấy mất đi sự ảnh hưởng của mình trong mối quan hệ giữa hai người. Trước đây, em là người giúp đỡ, hỗ trợ, nhưng giờ cô ấy có thể tự lập hơn, không còn cần sự giúp đỡ đó nữa. Điều này vô tình khiến em cảm thấy như mình không còn giữ vai trò quan trọng như trước.

Vậy phải làm gì để tránh căng thẳng "leo thang"? Thanh Tâm nhận thấy, thay vì áp đặt, em có thể thay đổi cách ứng xử của mình. Thay vì nói "Em đừng mặc như vậy!" hoặc "Em đừng đi ăn khuya nữa!", hãy nói về cảm xúc của chính mình: "Anh thấy lo khi em ăn khuya nhiều, ảnh hưởng sức khỏe" hoặc "Anh không quen với việc em thay đổi phong cách quá nhanh, anh cần thời gian để thích nghi".

Hãy nhìn nhận rõ điều gì thực sự làm em lo lắng. Có phải em sợ cô ấy bị người khác thu hút? Hay em sợ mất vị trí của mình trong lòng cô ấy? Nếu là nỗi sợ mất đi sự gắn kết, em có thể tìm cách tạo ra những khoảnh khắc riêng giữa hai người thay vì cố kiểm soát cô ấy.

Quan trọng nhất, em cần đặt niềm tin vào cô ấy. Nếu hai em đang chuẩn bị tiến tới hôn nhân, điều quan trọng là sự tin tưởng và tôn trọng nhau. Nếu cô ấy cảm thấy em hiểu và ủng hộ, cô ấy sẽ có xu hướng cân nhắc ý kiến của em hơn là phản ứng giận dỗi.

Em có thể thử một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, không nhằm thay đổi cô ấy mà để hiểu nhau hơn. Nếu cô ấy thực sự yêu em, cô ấy cũng sẽ tìm cách để cân bằng giữa công việc và tình cảm. Chúc các em sớm tìm được tiếng nói chung.

Chia sẻ