Chặng đường 10 năm đi làm của một “gái già” công sở

Mia,
Chia sẻ

Nhìn lại chặng đường đã qua, chị cảm thấy mình đã thay đổi nhiều lắm. Thoắt cái đã 10 năm qua đi, từ ngày chị đi làm và bước vào trường đời.

Các ca sĩ kỷ niệm 10 năm đi hát thường tổ chức liveshow, diễn viên kỷ niệm 10 năm đi diễn cũng tổ chức họp fanclub, ăn mừng tưng bừng. Còn hôm nay, kỷ niệm 10 năm đi làm của chị, chị tự ăn mừng bằng một tách cà phê nhỏ, ngồi lặng yên hồi tưởng lại quãng đường 10 năm của mình.

Chặng đường 10 năm đi làm của một “gái già” công sở 1
Ngày hôm nay, kỷ niệm 10 năm đi làm, chị bồi hồi nhớ lại chặng đường đã qua - (Ảnh minh họa)

10 năm trước, chị chỉ là cô sinh viên mới ra trường đi xin việc, chị đã chật vật biết bao khi không xin được công việc tốt như mong muốn. Đã tự nhủ rằng phải cố gắng, phải thật thành công, nhưng cuối cùng nhiệt huyết tuổi trẻ lại không thắng được với sóng gió cuộc đời. Chị đành nhờ đến mối quan hệ của bố mẹ để có được công việc thuận lợi hơn.

Ngày mẹ đưa chị đi tới nhà bác giám đốc để cảm ơn, chị chỉ biết cúi gằm đầu, bác hỏi thì một dạ, hai vâng. Trước đây, chị rất ghét những “đứa COCC” không chịu tự thân cố gắng mà chỉ biết dựa hơi cha mẹ. Cuối cùng, chị lại trở thành một COCC như thế. Chị xấu hổ, ngại ngùng và cảm thấy tự ti về bản thân khi phải đi “nhờ vả” như vậy.

Trở thành thành viên nhỏ tuổi nhất trong phòng, chị phải làm hầu hết các công việc vặt. Ở công ty có thuê lao công nhưng chỉ quét hành lang và sảnh chờ khách, còn phòng ai thì nhân viên phòng đó tự dọn. Chị bị mọi người dồn hết mọi công việc lên đầu mà không dám oán trách. Sáng sớm chị tới mở cửa, quét phòng, lau bàn, rửa cốc chén, pha trà. Buổi chiều chị cũng là người về muộn nhất, thu dọn phòng và khóa cửa.

Chị đã từng rất ghét các anh chị trong phòng, bởi lúc nào họ cũng sai vặt và bắt bẻ chị. Từng việc nhỏ nhặt như phô tô, lấy giấy tờ, gửi thư, họ đều sai chị làm. Chị quay cuồng với những việc vặt ấy, đến nỗi xao nhãng cả công việc của mình, thế là bị mắng là chậm chạp. Chị tức sôi máu vì cho rằng mình bị đàn áp, bắt nạt.

Thời mới đi làm, chuyện gì cũng khó khăn, đồng nghiệp không thoải mái, khách hàng cũng chẳng đối xử với chị tốt hơn là bao. Ngay lần đầu tiên đi gặp khách hàng, chị đã bị khách từ chối làm việc với lý do: “Không muốn bàn công chuyện với con nít vắt mũi chưa sạch”. Sau lần đó, chị đành phải tự làm mình già đi bằng những bộ đồ cứng nhắc và kiểu tóc xoăn cộng thêm cho chị vài tuổi. Bạn bè gặp chị đều nói “Mắt thẩm mĩ của mày có vấn đề rồi” mà không hiểu rằng chị buộc phải làm vậy vì công việc.

Chị vốn là một cô gái mạnh mẽ, vậy mà đối mặt với những khó khăn trong công việc, đã không ít lần chị phải rơi lệ. Khóc vì uất ức, khóc vì nuối tiếc tuổi học trò, sinh viên thơ mộng, khóc vì sợ hãi chốn công sở vất vả và đầy chông gai.

Chặng đường 10 năm đi làm của một “gái già” công sở 2
Chị nhớ lại 10 năm trước, thời mà chị là một cô nhóc ngây thơ chập chững bước vào trường đời - (Ảnh minh họa)

Thời gian đầu vất vả rồi cũng qua, dần dần chị cũng học được cách làm quen với công việc. Đi gặp khách hàng đã không còn lo sợ nơm nớp, bị khách hàng bắt nạt. Chị đã biết cách thẳng lưng đối diện với người đời, không còn nhút nhát, rụt rè như những ngày đầu.

Chị vẫn nhớ như in cảm giác hạnh phúc khi lần đầu tiên ký được hợp đồng với khách hàng, dù giá trị rất nhỏ. Suốt đêm hôm ấy chị không ngủ được, cảm thấy tương lai mình bắt đầu sáng rỡ. Chị rẽ vào một quán net bên đường, gõ một entry dài trên blog 360 thịnh hành khi đó.

Sau nửa năm làm việc, chị không còn là đứa nhóc ngây ngô chỉ biết yên lặng khi bị đồng nghiệp đi trước bắt nạt. Chị đã học được cách từ chối khi đồng nghiệp sai vặt, từ chối khi bị sếp “cá dí”. Chị cũng bắt đầu biết nhờ vả, xin xỏ, biết nói khéo để có thể tận dụng sự giúp đỡ của người khác.

Đến bây giờ, sau 10 năm qua đi, chị đã trở thành một “cáo già” thực sự. Ở tuổi 33, sau 10 năm đi làm, chị thành công nhiều, thất bại cũng chẳng ít. Cảm xúc cũng vì thế mà chai lì đi rất nhiều. Chị vững vàng hơn, không còn sợ hãi mỗi khi gặp phải trục trặc trong công việc, nhưng cũng chẳng vui vẻ, sung sướng khi hoàn thành được một kế hoạch như trước.

Cuộc sống, công việc của chị bây giờ đều đều, làm việc đối với chị giờ là để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Những ước mơ ngày trẻ cũng dần nhạt phai, thay thế vào đó là cơm, áo, gạo, tiền. Ngày trước, chuyện “làm được cái gì đó để đời”, “ghi được dấu ấn gì đó” là mục tiêu quan trọng nhất trong công việc của chị, còn giờ, chị chỉ mong có thể kiếm đủ tiền để lo cho con cái một cuộc sống sung túc hơn.

Mải suy nghĩ, chị quên mất cả giờ về. Nhìn sang cô bé nhân viên mới đang ngồi gõ máy tính, chốc chốc lại nhìn đồng hồ rồi lại nhìn sang chị tỏ vẻ sốt ruột. Chị bật cười, nhớ tới mình của những ngày xa xưa. Chị cũng từng không dám dọn đồ đi về trước mọi người trong cơ quan, chỉ sợ người ta bảo mình không chăm chỉ, lười nhác. Nếu còn có người ở lại văn phòng, đặc biệt là sếp, chị chẳng dám xách túi đi về. Người ta làm việc muộn, chị cũng làm thật muộn rồi mới đi.

Chặng đường 10 năm đi làm của một “gái già” công sở 3
10 năm qua đi, giờ chị đã "cáo" và "cứng" hơn rất nhiều - (Ảnh minh họa)

Nghĩ tới cô nhóc đang phải về muộn vì mình, chị nhanh tay quơ khóa xe trên bàn, khoác túi lại gần cô nhóc: “Về thôi em” rồi rảo bước ra khỏi cửa. 10 năm rồi và những ước mơ ngày xưa chị vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn, chị buồn vì đời không như mơ, nhưng vẫn phải học cách trưởng thành và chấp nhận. Dù vậy, chị vẫn tự hào về bản thân, về những gì mà chị đã cống hiến trong suốt một thập kỷ. 

Chị ghé qua hàng bánh kem, mua một chiếc bánh nhỏ về kỷ niệm với chồng và các con. Ngày hôm nay, tròn 10 năm chị bước vào trường đời.

Chia sẻ