Chán nản vì bố mẹ "cơm không lành, canh không ngọt"

Firefly,
Chia sẻ

Chúng tôi được nghe đủ những lời lẽ tệ hại nhất về bậc sinh thành của chúng tôi từ chính miệng họ.

Bố mẹ tôi đến với nhau chỉ có hai bàn tay trắng. Cả hai nghèo đến mức cả hai người chỉ có một cái quần bò thay nhau mặc khi có việc gì cần ăn mặc tươm tất. Nhưng họ luôn yêu thương nhau. Mẹ tôi thường kể rằng có lần đi ăn cưới, bố tôi còn lén mang về cho mẹ một miếng giò lụa gói trong mảnh lá nhỏ.

Rồi tôi chào đời. Bố mẹ dồn hết tình thương và dành cho tôi những gì tốt nhất mà họ có thể. Khi tôi học mẫu giáo, phong trào chơi đề phổ biến, bố tôi bắt đầu làm chủ đề. Đến khi dành dụm đủ tiền để xây nhà, mẹ tôi sinh em bé nữa.


Khi hai đứa em sinh đôi gần tròn một tháng tuổi, nhà tôi đang xây dở thì bố bị bắt. Một mình mẹ chèo chống gia đình, buôn bán, vay mượn để nuôi ba con nhỏ, trả tiền cho thợ xây và chạy vạy cho bố tôi được giảm án. Bà nội từ quê lên giúp mẹ chăm sóc chúng tôi được vài tháng thì bị ốm nặng rồi không qua khỏi và tất nhiên, mọi chi phí đều đổ dồn lên vai mẹ. Gần một năm sau, bố tôi được xử án treo. Mẹ tôi vẫn đi chợ. Bố xoay sở đủ nghề. Đến khi bố đi học nghề và mở xưởng gò hàn, kinh tế gia đình mới bắt đầu ổn định.

Do việc buôn bán của mẹ dần lỗ nhiều hơn lãi, lại vất vả và xưởng của bố cũng dần mở rộng, mẹ quyết định thôi buôn bán, ở nhà làm nội trợ. Bố đủ khả năng một tay lo kinh tế cho cả gia đình, còn có chút để dành. Chị em tôi cũng ngoan. Cả nhà đối xử với nhau rất tình cảm. Với mẹ, nếu hạnh phúc chia thang điểm 10 thì gia đình tôi đã đạt điểm cao nhất, hoàn hảo nhất. Nhưng với bố, có lẽ mới chỉ đạt 8, 5 hay 9 gì đó và có thêm cô tình nhân mới là điểm 10 hoàn hảo.

Đúng như triết học nêu, vật chất quyết định ý thức. Việc mẹ hoàn toàn sống phụ thuộc vào bố đã khiến cho ý kiến của mẹ đối với bố dần mất đi trọng lượng. Nhưng đó không phải nguyên nhân duy nhất.

Mẹ tôi không đủ thời gian và sức lực để dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, quan tâm đến việc học hành của hai em tôi và đưa chúng vào khuôn khổ. Tuy thế, mẹ không bao giờ thiếu thời gian ngồi buôn dưa lê với những người trong xóm và đánh bạc với họ để giải trí. Khi bố tôi nhắc nhở từ nhẹ nhàng đến trách móc nặng nề, mẹ tôi vẫn không thay đổi với lý do mẹ chỉ chơi ở mức vài nghìn đến vài chục nghìn và tại bố tôi chơi trước khiến mẹ ham rồi tị sao bố tôi được chơi còn mẹ thì không.

Và rồi bố tôi cũng chơi, còn chơi lớn hơn cả mẹ nhưng viện lý do nghe rất chính đáng là đi ngoại giao và nói lý rằng bố tôi chơi bằng tiền bố làm ra, chẳng ảnh hưởng gì đến ai cả. Mỗi lần đi, bố thường chơi suốt đêm đến sáng mới về. Mẹ tôi nói đi gọi bố về ngủ sớm, hôm sau còn đi làm nhưng rồi cũng ngồi luôn ở đó xem bố chơi. Chị em tôi thui thủi với nhau.

 
Chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của bố, biết đánh bài là sai và ra sức khuyên can nhưng bố mẹ không nghe. Thậm chí, để bố tôi không phát hiện ra mẹ tôi đi chơi bài suốt một buổi chiều, không đi chợ, nấu cơm, mẹ tôi còn đưa tiền hối lộ em tôi. Khi chúng tỏ thái độ bất mãn về việc mẹ tôi ham mê cờ bạc, mẹ tôi còn chửi mắng chúng. Tôi đã lớn, biết phân biệt đúng sai, biết tự chăm sóc bản thân. Nhưng tôi đi học xa nhà từ năm cấp 3, một năm chỉ về được khoảng 4, 5 lần. Hai đứa em còn nhỏ. Tôi rất lo lắng cho chúng nhưng nói mãi mà bố mẹ chẳng nghe. Với mẹ tôi, con cái chỉ phải nuôi chứ không phải dạy. Còn với bố tôi, dạy dỗ con cái là việc của đàn bà.
 
Không chỉ có vậy, mẹ tôi còn lén lút đánh đề nợ. Khi tôi được người khác kể và hỏi, mẹ ra sức chối, kêu bù lu bù loa như oan ức lắm vì có kẻ bịa đặt cho mẹ. Cho đến khi bố tôi phát hiện mẹ tự lấy tiền khách hàng nợ bố, lấy danh nghĩa của bố để vay tiền người quen, vay nợ lãi ngày mãi không trả để người ta thuê đầu gấu đến nhà đòi, mẹ mới nói ra số tiền nợ người ta lên tới mấy trăm triệu.

Với nhiều người, số tiền đó chẳng đáng là bao. Nhưng với gia đình tôi, có bán tất cả gia sản cũng không trả nổi nửa số tiền đó. Sốc lắm nhưng rồi bố tôi cũng lấy lại bình tĩnh và hứa sẽ đứng ra trả số tiền đó. Nhưng việc này khiến cho lời nói của mẹ dù có đúng cũng không được bố tôi lắng nghe và tôn trọng.

Mâu thuẫn gia đình tăng lên đỉnh điểm khi mẹ phát hiện bố nhắn tin tình cảm với một người đàn bà khác. Chỉ với vài tin nhắn đọc được từ điện thoại của bố và vài lời mách từ người quen, mẹ tôi như phát điên lên tra hỏi, chửi bới, động chân động tay.
 
 
Chỉ với bằng đấy chứng cứ thì chẳng người đàn ông nào chịu nhận cả. Vậy là bố ra sức chỉ trích mẹ quá rảnh rỗi nên ghen bóng ghen gió, lại còn chơi bời phá hoại. Mẹ tôi ra sức kiểm soát các mối quan hệ và chỉ hơi nghi ngờ một chút là lại làm ầm lên. Hai người cứ giằng co, không ai chịu nhận sai và để thêm lực lượng, chị em tôi bị lôi vào làm trọng tài. Chúng tôi được nghe đủ những lời lẽ tệ hại nhất về bậc sinh thành chúng tôi từ chính miệng họ, rằng mẹ ăn hại ra làm sao, bố tệ bạc như thế nào.

Bố ngoại tình ra sao thì chúng tôi không được chứng kiến nhưng việc mẹ ham mê đánh bài, chơi đề, ghen tuông mù quáng và chăm sóc gia đình chu đáo ra sao thì chúng tôi biết rất rõ. Vì vậy, hai em tôi bênh bố bởi những gì chúng quan sát được chứ không phải vì bố là người nuôi và cho tiền mua những gì chúng muốn.
 
Hai đứa nó cũng lắng nghe mẹ tâm sự, khuyên mẹ khi nào có chứng cứ rõ ràng thì ba mặt một lời nói chuyện, khuyên mẹ tìm một việc gì đó làm, kiếm tiền chỉ đủ tiêu thôi cũng được và hứa nếu bố tệ bạc như thế thật thì dù ly hôn, chúng cũng chọn ở với mẹ. Nhưng mẹ tôi không nghe, khăng khăng rằng mẹ tôi chỉ có nợ tí tiền còn bố tôi tội lỗi to lớn thì phải thay đổi. Khuyên can mãi chẳng nghe, đến lúc hai em tôi hết kiên nhẫn cùng sự chịu đựng và phải thốt ra rằng “mẹ cứ thế thì bố ngoại tình cũng phải thôi”. Không phải tiền chia rẽ tình mẹ con mà vì trẻ con không muốn hùa theo sự cố chấp, sai trái của người lớn.
 


Rồi em tôi đến tuổi phản kháng, thích làm theo những gì chúng muốn mặc kệ đúng sai. Sau tất cả, thử hỏi lời nói của bố mẹ tôi còn trọng lượng với chúng? Mẹ tôi bảo chúng đừng vứt đồ lung tung, đừng ăn quà vặt nhiều, hãy chăm chỉ học hành… nhưng chúng không nghe và cãi lại với thái độ rất gay gắt. Mẹ tôi tổn thương, khóc và kể với tôi rằng mẹ đã chăm sóc, yêu thương chúng hết lòng, vậy mà chúng khinh thường mẹ chỉ vì mẹ không kiếm ra tiền. Nhưng đâu phải vậy. Chính mẹ đã làm mất đi cái uy và sự tôn kính của người mẹ trong mắt chúng khi chẳng bao giờ nhận thức được sai lầm của bản thân mà chỉ chăm chăm đổ lỗi cho người khác, lại còn tự cho bản thân quyền được làm sai chỉ vì là người lớn.

Đó là em tôi. Còn tôi, mất niềm tin hoàn toàn vào tình yêu, hôn nhân. Có lẽ, mẹ tôi sẽ không ngờ được rằng chính những điều mẹ kể cho tôi nghe về việc ngoại tình của bố chỉ để tôi hiểu biết thêm về thực tế cuộc đời, và bố tôi cũng không thể ngờ được việc bố tôi chỉ nhắn tin tình cảm với người đàn bà khác chứ chưa từng ngang nhiên cặp kè, có con riêng rồi đối xử tệ với vợ con lại gây tác động mạnh đến đứa con gái mà bố chiều chuộng hết mực như vậy.
 
 
Tôi sợ kết hôn, sợ hãi bị phản bội bởi người mình yêu thương. Công bằng mà nói, so với đàn ông hiện nay, bố tôi là người tuyệt vời. Ông tu chí làm ăn, một mình kiếm đủ tiền nuôi vợ và ba đứa con lớn, chiều vợ chiều con, không nhậu nhẹt, không bao giờ phải để con sang nhà bà ngoại ăn chỉ vì vợ và con gái vắng nhà, những ngày lễ tết, hay có khách đều phụ nấu ăn… Tìm được người như thế bây giờ cực khó. Nhưng đến người đàn ông tuyệt vời đó cũng phản bội vợ dù mới chỉ ở trong tinh thần thì thử hỏi tôi phải lấy lý do gì để thuyết phục bản thân tin vào tình yêu? Tôi phải làm thế nào đây?

Chia sẻ