Chán làm thuê, vay tiền mở hiệu để được làm sếp, lỗ nặng chỉ sau 7 tháng: Muốn lật ngược ván cờ cuộc đời phải nắm được 3 luật ngầm
Không muốn phải dậy sớm để kịp giờ làm, người đàn ông quyết định nghỉ công việc văn phòng đã gắn bó 11 năm. Quyết đầu tư với số vốn khoảng 300 triệu đồng, sau 7 tháng chẳng dư được đồng nào, anh còn phải “cõng” nợ hàng loạt.
Trong xã hội ngày nay, mỗi người chúng ta phải mang trên vai nhiều thứ áp lực vô hình. Nhiều người đi làm hàng chục năm nhưng công việc vẫn không có tiến triển. Tiền lương mãi vẫn chỉ quanh quẩn ở mức đủ sống, không có khoản dư nào.
Do đó nhiều người nuôi ước mong đổi đời, tăng thêm thu nhập bằng cách đầu tư kinh doanh. Song thực tế không phải ai cũng phù hợp để dễ dàng ngồi vào vị trí lãnh đạo.
Không phải ai cũng dễ dàng để trở thành ông chủ
Câu chuyện của Lương Tuấn Linh (Chiết Giang, Trung Quốc) là trường hợp như thế. Sau 11 năm làm dân văn phòng, sự nghiệp không thăng tiến lại chán cảnh sáng 8h chấm công, chiều 5h ra về, công việc chồng chất nhưng mãi chẳng dư dả, anh quyết định nghỉ việc để ra kinh doanh riêng.
Anh bắt đầu bằng việc kinh doanh quần áo. Số vốn anh bỏ ra ở thời điểm đầu là 100.000 NDT (khoảng 300 triệu đồng) để vừa thuê mặt bằng và nhập hàng. Ở tháng đầu tiên, ngoài bán sản phẩm tại cửa hàng, anh còn tích cực phát triển trên các sàn thương mại điện tử và một số nền tảng mạng xã hội. Tín hiệu ban đầu cho thấy anh đi đúng hướng khi ngay tháng đầu anh đã có lãi.
Tuy nhiên tình trạng kinh doanh này chỉ kéo dài được đến tháng thứ 3, sang tháng thứ 4, việc buôn bán bắt đầu chậm dần. Đến tháng 5, cửa hàng quần áo của anh rơi vào tăng trưởng âm.
Anh sống trong áp lực từng ngày bởi tiền thuê mặt bằng và nhân viên mỗi ngày không hề ít. Để tiếp tục cầm cự, anh quyết định vay thêm tiền của gia đình để nhập hàng và bù lỗ. Nhưng sang đến tháng thứ 7, Tuấn Linh đành ngậm ngùi thanh lý hàng và quyết định đóng cửa tiệm.
Muốn kinh doanh phải nắm được luật ngầm
Đa phần mọi người muốn kinh doanh khởi nghiệp hay trở thành ông chủ bởi cuộc sống hiện tại có chút khó khăn. Vì thế họ hy vọng bằng cách này sẽ “lật ngược” được cuộc đời.
Song “không hài lòng với hiện tại” chỉ là một trong những điều kiện cần để trở thành sếp còn “bạn có đủ khả năng” để ngồi vào vị trí đó hay không mới là yếu tố quyết định
Ai trong chúng ta đều mong muốn có cuộc sống tốt đẹp. Song khi thực sự ngồi vào vị trí của ông chủ, bạn mới hình dung hết được đằng sau chữ “sếp” là những thứ việc không tên cùng hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết.
Bạn thường phàn nàn về việc phải dậy sớm đi làm lúc 8h sáng nhưng thực tế nhiều ông chủ phải dậy từ 6h sáng thậm chí là 5h sáng để đáp chuyến bay kịp giờ họp với đối tác vào lúc 9h.
Đi làm về bạn luôn phàn nàn rằng không có thời gian để làm các công việc cá nhân hay nghỉ ngơi. Song nhiều ông chủ không có khái niệm thời gian dành riêng cho bản thân. Họ phải dành phần lớn thời gian để xử lý công việc, thậm chí cả khi về nhà nhằm chuẩn bị tốt nhất cho buổi họp ngày hôm sau.
Vì thế trước khi nuôi ước mơ trở thành “ông chủ” hãy đảm bảo rằng mình có đủ những yếu tố dưới đây.
Hứng thú mạnh mẽ với công việc kinh doanh
Nếu không thực sự quan tâm hay hứng thú với những gì đang làm, bạn sẽ khó gắn bó với chúng. Cũng như đối với những người có ý định đầu tư kinh doanh, không có nhiệt huyết bạn khó đạt được thành công.
Người ta thường so sánh rằng sự khác biệt lớn nhất giữa bạn và Picasso hay Einstein hoặc những bộ óc thiên tài của thời đại là họ biết dồn tâm huyết vào những gì bản thân muốn.
Sự nhiệt huyết ở đây được thể hiện bằng việc sẵn sàng học hỏi, thành thạo các kỹ năng liên quan đến kinh doanh, chẳng hạn như kỹ năng quản lý nhân sự, khả năng quản lý dòng tiền, khả năng mở rộng kinh doanh…
Bạn cần tin rằng kiến thức là sức mạnh. Cách tốt nhất để rèn giũa sức mạnh cho bản thân là không ngừng học tập và tiếp xúc với tri thức mới.
Theo doanh nhân trẻ Jared - CEO và là nhà sáng lập Scope 16, bạn cần tìm ra bài học cần thiết nhất, đầu tư công sức để hiểu về chúng, tìm cơ hội thực hành và theo dõi kết quả. Quá trình này cần có sự kiên trì không hề nhỏ nhưng rất cần thiết nếu bạn muốn làm chủ cuộc đời.
Tinh thần bền bỉ
Nếu để nói về một phẩm chất mà hầu như tất cả các doanh nhân thành công đều có, đó là tinh thần bền bỉ.
Giá trị của sự bền bỉ không đến ngay tức thì mà đến từ tầm nhìn về tương lai. Những giá trị đó hấp dẫn đến nỗi bạn sẵn sàng đánh đổi thời gian tích lũy để biến chúng thành hiện thực.
Mọi người từ bỏ quá sớm bởi vì họ có những kỳ vọng sai lầm về bản thân và kết quả. Con người thường mong đợi con đường đi dễ dàng, và họ sẽ ngạc nhiên và lung lay khi thấy thực tế hoàn toàn ngược lại. Sự nhiệt tình và những kỳ vọng nhanh chóng tan chảy.
Song bạn cần nhớ rằng, không có thành công nào là dễ dàng. Mọi thành công đều phải đánh đổi bởi mười, một trăm thậm chí là một nghìn phần nỗ lực. Hãy luôn sẵn sàng mong đợi một chặng đường khó chứ không phải là một con đường dễ đi và bạn sẽ thấy cánh cửa thành công gần mình hơn.
Tuy nhiên ở đây bạn cần hiểu rằng đấu tranh bền bỉ không phải là ngoan cố một cách mù quáng. Điều đó có nghĩa là những gì cần kiên trì bạn phải theo đuổi đến cùng còn những gì nên từ bỏ phải chấm dứt kịp thời.
Tinh thần cạnh tranh
Người xưa vẫn thường nói “Thương trường như chiến trường”. Nếu không tiến, chắc chắn bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Để có được chỗ đứng trong lĩnh vực kinh doanh bạn buộc phải có tinh thần cạnh tranh.
Bất kể vì sự phát triển cá nhân hay nghề nghiệp, cạnh tranh đều mang lại kết quả tốt. Nó cho phép bạn cải thiện những thiếu sót của bản thân, từ đó tạo động lực nâng cao năng lực của mình so với đối thủ.
Vì vậy, bất kỳ lúc nào, với tư cách ông chủ bạn buộc phải duy trì tinh thần cạnh tranh, gia tăng giá trị của doanh nghiệp để tránh bị đào thải.