Lập trình viên từng tự hào mua nhà ở tuổi 30, sau 10 năm lại mất việc, nợ nần: Biết sớm thực tế phũ phàng này đã không rơi vào bi kịch tuổi trung niên

PHƯƠNG LINH,
Chia sẻ

Anh Trần từng đem hết tiền tiết kiệm của bản thân và cha mẹ để mua nhà cho “bằng bạn bằng bè” nhưng kết quả là ngập trong nợ nần khi mất việc ở độ tuổi trung niên.

Thạc sĩ mất việc, phải đi giao đồ ăn để trả nợ

“Tôi tốt nghiệp cao học, nay mất việc ở tuổi 40 và trở thành nhân viên giao hàng” là lời tự sự từng gây chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc. Người đàn ông họ Trần này là lập trình viên, sau khi mất việc ở tuổi 40 không thể tìm được cơ hội ở công ty khác nên phải làm người giao hàng.

Anh Trần trong những năm đầu sự nghiệp thường xuyên thức khuya và làm thêm giờ, sức khỏe không tốt nhưng vẫn cố chăm chỉ với hy vọng giữ được công việc của mình. Vì mức lương của lập trình viên không tồi, anh Trần lấy thêm tiền tiết kiệm của bố mẹ và  vay nợ để mua nhà tại thành phố lớn khi hơn 30 tuổi cho “bằng bạn bằng bè”. Anh còn cảm thấy tự hào vì mình đã sở hữu nơi an cư lập nghiệp sớm hơn một số người bạn khác.

Khi ấy người đàn ông này chỉ nghĩ mình có công việc ổn định, thu nhập khá nên không cần lo nợ nần, chỉ cần chịu khó sớm muộn gì cũng trả được hết. Không lâu sau khi mua nhà, vợ chồng anh đón đứa con thứ 2. Sóng gió ập đến khi anh Trần bị sa thải ở tuổi 38, bị thay thế bởi những nhân sự trẻ trung hơn.

Lập trình viên từng tự hào mua nhà ở tuổi 30, sau 10 năm lại mất việc, nợ nần: Biết sớm thực tế phũ phàng này đã không rơi vào bi kịch tuổi trung niên - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Lúc này tài khoản tiết kiệm bằng 0, lại đang có khoản vay lên tới 800.000 NDT (~2,7 tỷ đồng), 2 con trai mới vào tiểu học, anh Trần khó khăn trăm bề. Thu nhập hàng tháng của vợ chỉ 8.000 NDT (~27 triệu đồng) không thể đủ lo cho cả gia đình. Nộp đơn xin việc ở những công ty khác, anh Trần không nhận được phản hồi. 

Người đàn ông này phải đi giao hàng để trả nợ, bố mẹ cũng không hỗ trợ được gì vì trước đó đã đem hết tiền tiết kiệm để anh mua nhà. Mức lương shipper cũng không cao vì ngành này ngày càng bão hòa, mức độ cạnh tranh với các nhân sự trẻ còn lớn hơn. Anh Trần luôn cảm thấy hối hận vì đã quá chủ quan vì chưa sẵn sàng về tài chính đã vội mua nhà, những thay đổi biến thiên của cuộc đời thực sự khó lường với một người làm công ăn lương. 

Lập trình viên từng tự hào mua nhà ở tuổi 30, sau 10 năm lại mất việc, nợ nần: Biết sớm thực tế phũ phàng này đã không rơi vào bi kịch tuổi trung niên - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Dưới bài đăng của anh Trần, không ít người cho biết mình cũng từng có bằng cấp cao, công việc ổn định ở văn phòng trước khi mất việc ở tuổi ngoài 40. Có người còn đắng cay nói rằng: “Chúng ta là một sản phẩm và thế giới là một dây chuyền lắp ráp. Khi giá trị không còn nữa, chắc chắn sẽ bị bỏ rơi”.

Thực tế tàn nhẫn bạn cần biết trước khi trung niên

Trên thực tế, đối mặt với nguy cơ có thể thất nghiệp bất cứ lúc nào sau năm 35 tuổi là điều ai cũng cần có sự chuẩn bị trước. Từ đầu năm 2023, nhiều người Trung Quốc đổ xô đến các thành phố lớn như Quảng Châu và Đông Quan để tìm việc làm nhưng thực tế phũ phàng là nhiều nơi không còn tuyển người sinh trước năm 1986. Một công ty dịch vụ ô tô Trung Quốc gây tranh cãi khi chỉ tuyển ứng viên dưới 30 tuổi đã chỉ ra vấn đề ngày càng ít cơ hội cho những người sắp bước vào độ tuổi trung niên.

Nhiều người ở độ tuổi 30 chia sẻ họ gần như hết cơ hội xin việc bởi các công ty ưu tiên tuyển người trẻ mới tốt nghiệp đại học, lại không yêu cầu lương cao do còn thiếu kinh nghiệm. Dự kiến Trung Quốc sẽ có 11 triệu sinh viên tốt nghiệp trong năm 2023, tăng hơn 800.000 người so với năm ngoái.

Lập trình viên từng tự hào mua nhà ở tuổi 30, sau 10 năm lại mất việc, nợ nần: Biết sớm thực tế phũ phàng này đã không rơi vào bi kịch tuổi trung niên - Ảnh 3.

Một hội chợ việc làm tại Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 6 bởi nhà cung cấp nguồn nhân lực và tìm kiếm việc làm Trung Quốc 51job.com, số lượng công việc yêu cầu hơn 10 năm kinh nghiệm chỉ chiếm 10,5% tổng số tin đăng trên trang web, trong khi số lượng công việc yêu cầu “1-3 năm” hoặc “3-5 năm” chiếm hơn 60%.

Trong số những nhân viên trên 35 tuổi được khảo sát, hơn 60% các vị trí không thuộc cấp quản lý và hơn 70% cho biết sự nghiệp đình trệ về cơ hội thăng tiến trước khi bước sang tuổi 35. Những người dù lâu năm trong nghề nhưng không thể thăng tiến lên vị trí cao như trường hợp của anh Trần luôn nằm trong nhóm dễ bị sa thải nhất.

Thêm vào đó, việc vay nợ quá nhiều chỉ để cố gắng theo đuổi quy chuẩn của xã hội, cột mốc chứng minh thành công như mua nhà, mua xe, cho con học trường có học phí đắt đỏ khiến cuộc sống của mỗi cá nhân đều giống như một con quay, vay tiền triệu lại “cày” để trả nợ. Dù có học vấn cao hay một nghề nghiệp được coi là ổn định thì mỗi người vẫn phải có tâm lý chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra trong cuộc sống do chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn vẫn ngày một tăng cao.

gettyimages-1208292741-640x640.jpg

Ảnh minh họa

Khi còn trẻ, bạn có thể luôn sẵn sàng lao về phía trước chinh phục các mục tiêu lớn lao nhưng khi bước vào ngưỡng trung niên, hãy luôn chừa cho mình một phương án an toàn. Có những người dù thất nghiệp ở tuổi 40 nhưng nếu đã có sẵn những nguồn lực như tài chính từ tiền tiết kiệm, mối quan hệ chất lượng để tìm kiếm cơ hội khác hoặc một nghề kinh doanh tay trái, họ sẽ không rơi vào trạng thái bị động như câu chuyện của anh Trần.

Tuổi trẻ là một loại vốn và cũng giống như nguồn tài nguyên hữu hạn. Sau khi bạn đã sử dụng hết nguồn lực này là lúc cuộc sống sẽ có nhiều thử thách mà bản thân không thể kiểm soát hơn. Vậy nên chìa khóa duy nhất để làm vơi bớt đi những khó khăn và xoay chuyển tình thế chính là luôn có kế hoạch về tài chính và sự chuẩn bị tâm lý đối phó với những rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào.

Theo Toutiao, SCMP

Chia sẻ