Phát hiện muội than độc hại trong nhau thai của 28 sản phụ sống tại những khu vực bị ô nhiễm không khí
Các nhà khoa học thực sự lo ngại trước hiện tượng bụi siêu mịn có mặt trong nhau thai của các bà bầu bởi chúng có thể dẫn tới những kết cục xấu như sinh non, trẻ nhẹ cân…
Các nhà nghiên cứu Bỉ đã khám phá ra muội than trong nhau thai của 28 sản phụ đến từ những khu vực bị ô nhiễm không khí. Nhau thai là nguồn cung cấp oxy và dưỡng chất cho em bé khi còn trong bụng mẹ. Nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi là sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa sức khỏe của mẹ và bé.
Theo nhóm khoa học gia, khí thải công nghiệp và khí thải từ các phương tiện giao thông có thể tìm đường xuyên qua cơ thể người mẹ để tiếp cận thai nhi. Hậu quả là những thai kỳ tiềm ẩn nhiều biến chứng hoặc khuyết tật.
Bụi siêu mịn, chất độc do không khí ô nhiễm được phát hiện trong nhau thai như thế nào?
Nhau thai của 28 phụ nữ đã được các nhà khoa học Đại học Hasselt gửi tới phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, tất cả 28 mẫu vật này đều có dấu vết của muội than, mà theo những chuyên gia, phần lớn bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch được đốt cháy, ví dụ: Chất thải của động cơ diesel. Tình trạng tích tụ muội than độc hại trong nhau thai nhiều hơn ở những phụ nữ đang sống ở vùng ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện thấy lượng muội than chủ yếu có mặt trong nhau thai của 10 người phụ nữ thuộc nhóm tiếp xúc nhiều nhất với muội than. Theo kết quả chụp chiếu, lượng muội than trung bình được tìm thấy là 2,42 microgram/m3.
Nhưng điều đáng nói là ngay cả những phụ nữ sống ở vùng ít ô nhiễm nhất, nhau thai của họ cũng chứa một lượng carbon có thể phát hiện được: trung bình 0,63 microgram/m3.
Trong các lần quét mô nhau thai của phụ nữ sống ở khu vực bị ô nhiễm nặng, có thể thấy sự tích tụ muội than ở các tế bào khỏe mạnh.
Muội than là vật liệu được thải ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như diesel, xăng, gỗ và than đá. Chúng là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Muội than đặc biệt gây hại cho mô người. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không khí ô nhiễm có mối liên hệ mật thiết với nhiều loại bệnh ung thư. Chúng có thể tàn phá tim, phổi, não và khả năng sinh sản của người.
Đặc biệt đối với sản phụ, huyết áp cao và thậm chí, các cơn co giật cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là tình trạng ô nhiễm không khí.
Tiến sĩ Tim Nawrot, Đại học Hasselt, và đồng nghiệp viết về nghiên cứu của họ trên tạp chí Nature Communications: "Rất nhiều nghiên cứu đã mô tả mối quan hệ giữa hiện tượng sản phụ tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm trong thai kỳ và các biến chứng, dị tật khi sinh nở. Ví dụ, hạt vật chất liên quan tới quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, trong đó có muội than, có thể dẫn tới tình trạng bé sinh nhẹ cân, sinh non, thai nhi bị hạn chế phát triển trong tử cung người mẹ.
Cho tới thời điểm này, vẫn chưa xác định được cách thức làm nảy sinh trong tử cung những tác hại của muội than chẳng hạn. Nhưng nhiều cơ thể tiềm năng đã được đề xuất, theo hướng cả trực tiếp và gián tiếp để làm rõ vấn đề này".
Trong số 28 phụ nữ tham gia nghiên cứu trên, 5 người hạ sinh bé khi chưa đi hết thai kỳ và 23 người sinh con trong khoảng thời gian được coi là an toàn.
Cần lưu ý rằng, nghiên cứu của các nhà khoa học Bỉ chưa chứng minh được rằng, ô nhiễm có thể tìm đường xâm nhập cơ thể thai nhi. Tiến sĩ Nawrot cho biết, điều này cũng chưa từng được làm rõ. Tuy nhiên, nghiên cứu trên thực sự cho thấy những phần tử muội than gần nhất đang trên đường di chuyển vào cơ thể thai nhi.
Hình ảnh cho thấy những khối carbon nhỏ màu trắng phát sáng được chỉ ra bởi mũi tên trắng trong mô nhau thai của những người phụ nữ trong nghiên cứu.
Trẻ em dễ bị tổn thương nhất bởi ô nhiễm môi trường
Và mặc dù chưa thể thấu hiểu cặn kẽ tác động của ô nhiễm không khí, các nhà khoa học chia sẻ rằng, họ đã phát hiện những ADN bị tổn thương do carbon ở các em bé còn trong bụng mẹ. Nó có thể kích hoạt một quá trình có tên methylation – methyl hóa. Theo đó, hành động mà một gen yêu cầu cơ thể thực hiện có thể bị thay đổi bởi một chất từ bên ngoài được bổ sung vào chuỗi ADN.
Methyl hóa có thể dẫn đến các đột biến, làm cho khối u tăng trưởng và liên quan tới nhiều căn bệnh nguy hiểm như đa xơ cứng và tiểu đường.
Giáo sư Andrew Shennan của Đại học King's College London, bày tỏ: "Những hạt siêu mịn, ví dụ từ khói thuốc, có thể gây ra nhiều bệnh đáng kể liên quan tới nhau thai. Phát hiện trên thực sự đáng lo ngại. Tác động tiềm ẩn của chúng đối với cả mẹ và bé sẽ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa. Huyết áp cao và các cơn ngất xỉu trong thai kỳ đều có liên quan tới không khí trong gia đình bị ô nhiễm".
Phó giáo sư Jennifer Salmon của Đại học Auckland bổ sung: "Trẻ em đặc biệt dễ hứng chịu tác động tiêu cực từ chất lượng không khí kém trong giai đoạn bào thai và những năm đầu đời, khi lượng tiếp xúc có thể dẫn đến nhiều thay đổi dài hạn cũng như tổn thương vĩnh viễn đối với mô phổi.
Mặc dù các nghiên cứu trước đó đã cho thấy khả năng sự phát triển của bào thai bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, nghiên cứu trên vẫn giữ vai trò quan trọng bởi đây là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng, muội than hoàn toàn có thể thâm nhập nhau thai".
Theo DailyMail