Thế hệ trẻ bây giờ: Chăn ấm nệm êm, tiền làm ra cả núi nhưng luôn bế tắc và không hạnh phúc
Mạng xã hội hay những ảo tưởng, kỳ vọng quá lớn lao chính là nguyên do khiến thế hệ trẻ rơi vào bế tắc và không cảm thấy hạnh phúc.
Có thể khẳng định, tiện ích công nghệ cùng tốc độ chóng mặt của truyền thông xã hội của thời hiện đại đã khiến các thế hệ ngày càng xa cách.
Từ nhân sinh quan, lối sống cho đến lời ăn tiếng nói... của giới trẻ đều có những khác biệt lớn so với bố mẹ, ông bà hay những người trưởng thành xung quanh họ. Trong khi người lớn tuổi cho rằng "lũ trẻ bây giờ chỉ biết cắm mặt vào điện thoại, chơi điện tử hoặc chạy theo trào lưu trên mạng xã hội" thì thanh niên lại phản bác: "Cuộc sống nhàm chán quá, không vùi mình vào internet thì biết làm gì?"
Ngày xưa, đời bố mẹ, ông bà khổ vì thiếu thốn đủ đường còn thời nay, người trẻ lại cảm thấy khổ sở vì... quá đủ đầy. Về cơ bản, sự quan tâm của giới trẻ giờ đây hầu như chỉ xoay quanh vẻ bề ngoài, thích coi mình là tâm điểm để khiến xã hội chú ý. Nếu trong quá khứ, phải đẹp từ trong ra ngoài mới đáng để người ta thần tượng thì bây giờ, câu chuyện về những kẻ khoe mẽ, đầy thị phi đầy độc hại lại trở thành món ăn tinh thần của người trẻ.
Sự thật phũ phàng là, một bộ phận không nhỏ người trẻ của thế kỷ 21 đang đánh giá người khác bằng vật chất và vẻ bề ngoài; đặt cái tôi lên cao chót vót và đặc biệt tôn sùng việc "ăn miếng trả miếng" và coi đó là điều hiển nhiên trong cuộc sống.
Để lý giải cho điều này, blogger nổi tiếng thế giới Tim Urban đã đưa ra một khía cạnh, góc nhìn mới mẻ và dễ hiểu cho vấn đề "đủ mà vẫn thiếu, không phải vất vả bươn trải nhưng vẫn không thấy hạnh phúc của giới trẻ".
Về cơ bản, xã hội loài người hiện tại gồm 3 thế hệ chính: X (sinh ra từ năm 1965 - 1980, khá già rồi), thế hệ Y (1981 - 2000, hay gen Y, đang tuổi sung sức, tạm gọi là thành đạt) và thế hệ Z (gen Z, sinh ra từ năm 1996 trở đi, rất trẻ).
Bài viết này sẽ bàn về gen Y, thế hệ bản lề của 2 thế kỷ và có những vấn đề tương đồng với gen Z.
Vì sao có chăn ấm đệm êm, kiếm ra tiền nhưng giới trẻ ngày nay vẫn không mấy hạnh phúc?
Xin giới thiệu với mọi người, đây là em Hà:
Em Hà
Tạm coi em Hà là đại diện của thế hệ Y, sinh năm 199x, thuộc nhóm những người trẻ có hiểu biết, kiếm tiền giỏi nhưng tiêu cũng rất nhanh. Nhóm này chiếm phần đông trong thế hệ trẻ.
Những người giống Hà thích thú với phong cách sống của họ, tuy nhiên lại không mấy khi cảm thấy hạnh phúc, thậm chí thường xuyên lo lắng về bản thân và vũ trụ.
Sinh ra trong sự đủ đầy nhưng tại sao không thấy hạnh phúc? Cùng đi tìm lý do nào! Về cơ bản, công thức để xác định sự hạnh phúc rất đơn giản, nó như thế này:
Hạnh phúc = Thực tế - Kỳ vọng
Tức là: Khi thực tế cuộc sống tốt hơn kỳ vọng, con người ta thường cảm thấy hạnh phúc. Trái lại, thực tế mà tồi tệ hơn kỳ vọng, con người rơi vào đau khổ. Đơn giản đúng không?
Để hiểu hơn, chúng ta cần sự so sánh giữa các thế hệ với nhau. Vì vậy, bố và mẹ của Hà được mời tham gia bài viết này:
Bố mẹ Hà không còn trẻ nữa, họ sinh ra vào những năm 50 của thế kỷ trước. Họ có mặt trên đời trong thời kỳ bùng nổ dân số toàn cầu (baby boomer). Còn ông bà của Hà lại sinh ra và lớn lên trong Đại khủng hoảng kinh tế, thậm chí trải qua Thế chiến II.
Đương nhiên, sống ở thời đại khác nên ông bà có cách tư duy khác biệt hẳn so với bố mẹ và các cháu (Hà và các bạn đồng trang lứa). Câu cửa miệng thường thấy của ông bà Hà là: "Tụi trẻ chúng mày (bố mẹ và Hà) giờ sướng lắm, làm sao khổ bằng chúng tao hồi xưa".
Cơ bản thì, ông bà của Hà sống trong thời khủng hoảng, bị ám ảnh bởi đói khổ và bệnh tật nên họ đã nỗ lực nuôi dậy bố mẹ của Hà để họ có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định nhất có thể (cho đỡ khổ). Sau khi có cuộc sống ổn định, bố mẹ của Hà lại thấy phải có của để dành cho cuộc sống sung túc trong tương lai. Tức là, đời ông bà chỉ mong ăn no mặc ấm, đời bố mẹ là ăn ngon mặc đẹp, còn đời Hà là ăn sung mặc sướng. Làm gì thì làm, đời sau là phải sung túc và xanh rờn như bãi cỏ:
Đặc biệt, bố mẹ Hà được ông bà nội ngoại dạy rằng: Sau chiến tranh thì chẳng có gì ngăn cản họ ổn định và thăng tiến, nhưng phải lao động vất vả và tích cóp trong nhiều năm mới đạt được mục đích.
Sau nhiều năm học hành, thậm chí tu nghiệp ở nước ngoài trở về, bố mẹ của Hà không còn là những thanh niên choai choai bướng bỉnh nữa. Họ đi làm và trải qua những năm 70, 80 rồi 90s của thế kỷ 20 - cả thế giới bước vào giai đoạn kinh tế thịnh vượng chưa từng thấy.
Và bố mẹ của Hà thậm chí còn đạt được nhiều nhiều thành quả vượt cả mong đợi, điều này khiến họ vô cùng lạc quan và mãn nguyện.
Cuộc sống của bố mẹ Hà về cơ bản là dễ dàng và tốt đẹp hơn những gì ông bà phải trải qua. Do đó, bố mẹ muốn nuôi dạy Hà trong sự lạc quan.
Không chỉ bố mẹ Hà, cả một thế hệ sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số dạy con cái của họ rằng: Các con có thể trở thành bất cứ thứ gì, bất cứ ai mà mình muốn (không thành tội phạm là được). Thậm chí, nhiều phụ huynh còn gieo vào đầu con cái tư tưởng khá nguy hiểm: Các con có những tố chất đặc biệt!
Điều này khiến những bạn đồng trang lứa với Hà cảm thấy tràn trề hi vọng về tương lai sự nghiệp. Nếu bố mẹ chỉ mong có nghề nghiệp ổn định, có của ăn của để - thì thế hệ của Hà và những người trẻ hơn lại muốn nhiều hơn thế! Bố mẹ muốn bãi cỏ xanh, thì Hà muốn bãi cỏ ấy phải mọc ra các loại hoa xanh, đỏ, tím, vàng...
Rõ ràng, thế hệ trẻ ngày nay muốn giàu có giống như cha mẹ mình đã làm được - họ còn muốn toại nguyện trong sự nghiệp nữa, theo cách mà cha mẹ mình chưa nghĩ đến.
Tuy nhiên, lại có vấn đề khác nảy sinh. Mặc dù các mục tiêu nghề nghiệp của thế hệ trẻ ngày nay nói chung đã cụ thể và tham vọng hơn rất nhiều, nhưng đáng nói ở chỗ, từ bé Hà đã được bố mẹ khẳng định "con là đứa trẻ đặc biệt". Và vì vậy, Hà và các bạn mong mỏi có được sự nghiệp to lớn, nổi bật giữa đám đông.
Không thể đánh đồng mọi cá thể thuộc giới trẻ, tuy nhiên, họ có nhiều ảo tưởng sau khi ra trường đi làm. Nếu đời trước phải cật lực phấn đấu mới có ngày hôm nay, Hà lại cho rằng: "Có công ăn việc làm là điều hiển nhiên, chỉ là vấn đề thời gian và chọn con đường nào mà thôi".
Tiếc rằng, đời lại không như mơ. Thực tế cuộc sống không đơn giản như Hà và bao bạn khác nghĩ. Ở thời nào cũng cần chăm chỉ, cố gắng, không chỉ đổ mồ hôi mà đôi khi phải đổ cả máu!
Trên thực tế, những tỷ phú tự thân nổi tiếng thế giới cũng hiếm có ai làm được gì quá to tát ở tuổi ngoài hăm chưa băm.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng không thể không nhắc đến, chính là truyền thông xã hội của thời hiện đại. Facebook, Instagram... đã tạo ra một thế giới khá mệt cho Hà và những bạn giống mình:
A) Tất cả mọi thứ tốt đẹp mà mọi người làm đều được khoe ra.
B) Hầu hết con người trên mạng xã hội thổi phồng tầm quan trọng của bản thân.
C) Người thành công trong sự nghiệp là những người khoe ra nhiều nhất, còn gặp khó khăn thì không ai thấy cả.
Ghen tỵ, so sánh, chán nản và thất vọng là vài trong nhiều hệ quả không mấy tốt đẹp mà internet và mạng xã hội tạo ra cho những người trẻ giống Hà. Đó là lý do vì sao Hà (hay người trẻ ngày nay) cảm thấy không hạnh phúc, dù cuộc sống đủ đầy nhưng lại luôn cảm thấy thiếu thốn gì đó khó nói ra thành lời.
Cách lý giải phía trên có phần dài dòng dù khá đơn giản, nhưng Tim Urban có vài lời khuyên cho Hà (và những bạn giống Hà):
- Hãy cứ tham vọng đi: Thế giới này ngày một khắc nghiệt nhưng không có nghĩa là hết cơ hội, luôn có cửa cho những người tài giỏi và có tham vọng như Hà. Có thể chưa rõ hướng đi cụ thể nhưng hãy cứ trải nghiệm và đương đầu với khó khăn đi, thử rồi mới biết.
- Chấm dứt ngay chuyện nghĩ mình là cá thể đặc biệt: Kể cả có tài giỏi thật, bạn vẫn là một người trẻ non nớt và thiếu rất nhiều kỹ năng cũng như kinh nghiệm. Nói thật, bạn chẳng có gì ngoài tham vọng, khả năng học hỏi và sức trẻ. Chúng ta chỉ có thể trở nên đặc biệt nhờ sự chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm qua thời gian.
- Mặc kệ những kỳ vọng và lời đám tếu của xã hội: Nếu cứ nhìn vào vẻ bề ngoài và bức tranh tươi đẹp, đầy màu sắc trên mạng xã hội, cả đời người sẽ chìm trong đau khổ vì thấy mình chẳng bằng ai. Hầu hết là ảo thôi, hãy thành thật với chính mình để biết ta đang ở đâu và cần cố gắng như thế nào.
Con người ở thời đại nào cũng vậy, họ phải lớn lên và đương đầu với những nghi ngờ về chính bản thân, cũng nhiều lần thất bại và thất vọng rồi mới đạt được gì đó.
Theo Tim Urban/Việt hóa bởi JJJ