Chăm sóc sức khỏe ở người hiến tặng tạng và người nhận tạng không được bỏ qua những điều này

Tiểu Nguyễn,
Chia sẻ

Cả người hiến tạng (nếu còn sống) và người nhận tạng được hiến đều cần tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ để luôn khỏe mạnh.

Những câu chuyện hiến tạng và người nhận tạng được hiến xúc động lòng người

Có lẽ chưa bao giờ ở nước ta, câu chuyện hiến tạng và nhận tạng được hiến trở nên ý nghĩa như lúc này. Khi nguồn hiến tạng luôn rơi vào tình trạng khan hiếm suốt nhiều năm qua, câu chuyện hiến giác mạc của bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội) đã khiến bao trái tim rung động, tự nguyện đến đăng ký hiến tạng.

Chăm sóc sức khỏe ở người hiến tặng tạng và người nhận tạng không được bỏ qua những điều này - Ảnh 1.

Có lẽ chưa bao giờ ở nước ta, câu chuyện hiến tạng và nhận tạng được hiến trở nên ý nghĩa như lúc này.

Hải An đã ra đi nhưng đôi mắt của em, đôi mắt trong sáng với bao ước mơ, khát khao cho đời thì vẫn còn mãi. Hình ảnh người bà nhận được giác mạc của em được ghép thành công từng bước đến nhà để thắp hương càng khiến chúng ta không thể cầm nước mắt.

Và gần đây nhất chính là câu chuyện của vị thiếu tá Lê Hải Ninh hiến tạng cứu sống 6 người cùng lúc. Những tiếng thủ thỉ của người vợ cứ còn ám ảnh mãi trong từng câu chữ, cho bao người đọc và nhất là những người chứng kiến ngày hôm ấy. "Em không biết mình làm thế này là đúng hay sai nhưng em muốn anh vẫn tiếp tục sống mãi" – lời thủ thỉ thấm đẫm sự nghẹn ngào ấy cứ ám ảnh không thôi.

Chăm sóc sức khỏe ở người hiến tặng tạng và người nhận tạng không được bỏ qua những điều này - Ảnh 2.

Ông Trần Ngọc Hanh là người nhận phổi từ thiếu tá Lê Hải Ninh, ít ngày nữa là anh có thể về đoàn tụ với gia đình - Ảnh: BVCC

Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, cho đi là còn lại và chứng minh cho luận điểm "Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài".

Nhưng liệu có phải chỉ có người chết não mới được hiến tạng? Liệu người sống có thể hiến tạng và sống khỏe mạnh bình thường? Người nhận tạng được hiến là có thể yên tâm khỏe mạnh mãi về sau hay không? Đó là băn khoăn của không ít người khi nói về câu chuyện hiến tạng.

Chăm sóc sức khỏe ở người hiến tặng tạng và người nhận tạng không được bỏ qua những điều này - Ảnh 3.

Hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, cho đi là còn lại và chứng minh cho luận điểm "Chết không phải là chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục được nối dài".

Lưu ý trong chăm sóc sức khỏe ở cả người hiến tạng và người nhận tạng

Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Phúc (Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia), hiện nay, Luật pháp quy định công dân khi 18 tuổi, có thể hiến tạng ngay khi còn sống hoặc đăng ký sau khi chết, chết não. Độ tuổi này thể hiện ý nghĩa về việc đủ năng lực hành vi dân sự, tâm sinh lý trưởng thành mà không có nguy cơ xảy ra vụ sốc tâm lý sau này. Với những người tim ngừng đập, chết bình thường thì không giới hạn độ tuổi hiến nên có những cháu bé có thể hiến giác mạc, da, gân, xương.

Theo đó, người hiến mô, bộ phận cơ thể người sẽ được nhận nhiều quyền lợi, trong đó có quyền lợi chăm sóc sức khỏe: Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; Được cấp thẻ BHYT miễn phí; Được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chăm sóc sức khỏe ở người hiến tặng tạng và người nhận tạng không được bỏ qua những điều này - Ảnh 4.

Người hiến mô, bộ phận cơ thể người sẽ được nhận nhiều quyền lợi, trong đó có quyền lợi chăm sóc sức khỏe.

Những người còn sống có thể hiến tặng: Một thận, phổi hoặc một phần của gan, tuyến tụy hoặc ruột. Người hiến tặng những bộ phận, tế bào không tái sinh được như thận vẫn có thể đảm nhận chức năng như bình thường.

Việc hiến thận không làm giảm tuổi thọ của người hiến nhưng có thể làm tăng nguy cơ phát triển các chứng bệnh về thận sau này. Còn đối với các mô tế bào có thể tái sinh thì cơ thể sẽ dần dần hồi phục bình thường nên không có gì đáng quan ngại.

Với người nhận tạng được hiến, sau ghép tạng, người bệnh cần được sử dụng thuốc chống thải ghép suốt đời để duy trì sự sống cũng như hoạt động của bộ phận cấy ghép. Mặc dù người cho và người nhận tạng đều có chỉ số sinh học tương đồng nhất, nhưng mỗi một cơ thể có một hệ thống miễn dịch khác nhau. Có người bệnh sau cấy ghép hệ miễn dịch không tiếp nhận cơ quan mới dẫn tới hư hỏng tạng ghép, thậm chí dẫn tới tử vong.

Chăm sóc sức khỏe ở người hiến tặng tạng và người nhận tạng không được bỏ qua những điều này - Ảnh 5.

Với người nhận tạng được hiến, sau ghép tạng, người bệnh cần được sử dụng thuốc chống thải ghép suốt đời để duy trì sự sống cũng như hoạt động của bộ phận cấy ghép.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người hiến tạng cũng như người nhận tạng cần tuân thủ đúng các bước theo hướng dẫn của bác sĩ. Duy trì lối sống lành mạnh để tạng thích nghi tốt nhất trong cơ thể cũng như sống an toàn khi khuyết tạng. Khi gặp bất cứ bất thường nào cần nhanh chóng liên hệ với bệnh viện, bác sĩ để được thăm khám và cứu chữa kịp thời.

Chia sẻ