Cây xanh đổ còn nguyên vỏ bầu bọc nilon: Lãnh đạo HN nói gì?

Theo Trí thức trẻ,
Chia sẻ

Về việc rất nhiều cây xanh đổ rạp trong cơn giông lớn chiều 13/6 vẫn còn nguyên bầu bọc nilon, chúng tôi đã gặp lãnh đạo Sở Xây dựng và Công ty công viên cây xanh Hà Nội.

Lãnh đạo bận (!?)

Trận giông lớn quét qua Hà Nội chiều tối 13/6 không chỉ mang đến tai ương thảm khốc cho Hà Nội, mà còn "gây bão" trong lòng người khi một vài bức ảnh được công bố...

cây xanh
Cây xanh mới trồng bị bật gốc trên phố Lê Duẩn vẫn còn nguyên nilon, dây chằng ở bầu đất. Ảnh: Vietnamnet chụp sáng 14/6.

Theo đó, ở tuyến đường như Nguyễn Trãi hay Lê Duẩn (Hà Nội), một số cây xanh được cho là gỗ mỡ đổ ngổn ngang. Điều ngạc nhiên là phần gốc hai cây này vẫn được bọc kín bằng lưới, túi nilon và buộc bằng những sợi dây gai đỏ.

Còn trên đường Nguyễn Chí Thanh, tại đây tuy không có cây nào bị đổ, nhưng do cơn mưa lớn đã trôi đi lớp đất phủ ở mỗi gốc cây, làm lộ ra những chiếc bọc bằng lưới quanh mỗi gốc cây...

Trước thông tin này, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh văn phòng UBND kiêm người phát ngôn của Tp Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố đã nắm được thông tin và yêu cầu kiểm tra.

"Phó Chủ tịch UBND Tp Nguyễn Quốc Hùng đã giao cho Sở Xây dựng kiểm tra và thông tin lại. Bởi hiện nay đang có thông tin cho rằng đây là nilon tự hủy, tuy nhiên chưa thông tin được vì còn đang giao cho Giám đốc Sở Xây dựng kiểm tra" , ông Thành nói.

Đồng thời, ông Thành đề nghị phóng viên liên hệ với lãnh đạo Sở Xây dựng để tìm hiểu rõ thông tin hơn.

Hình ảnh được lan rộng trên mạng xã hội facebook.
Hình ảnh được lan rộng trên mạng xã hội facebook.

Ngay sau đó, phóng viên đã liên hệ với ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tuy nhiên, ông Dục báo đang đi công tác.

Liên hệ tiếp với một lãnh đạo khác của Sở Xây dựng thì được cho biết, ông này đang đi chỉ đạo tại hiện trường và đề nghị phóng viên trao đổi với Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của Sở để được cung cấp thông tin.

Chiều 15/6, khi chúng tôi đến liên hệ với Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, thì lãnh đạo Phòng này trả lời chỉ ghi nhận lại thông tin về việc bầu cây bị đổ vẫn còn bọc nguyên nilon, lưới, quấn dây và sẽ báo cáo lại lãnh đạo xin ý kiến trả lời sau.

Trước đó, trong cả sáng và chiều 15/6, chúng tôi đã liên hệ nhiều lần với Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV công viên cây xanh Hà Nội.

Tuy nhiên, cả hai vị này đều báo là bận đi chỉ đạo khắc phục sự cố cây xanh trên địa bàn thành phố và bận họp.

"Cản trở sự phát triển của cây"

Sau khi được đưa lên một số diễn đàn, những bức ảnh chụp một số cây mới trồng bị đổ vẫn còn nguyên vỏ bầu bọc phía ngoài gốc, được cho là tại phố Lê Duẩn và một vài con phố khác của Hà Nội đã gây "sốc" cho người theo dõi.

Các gốc cây mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh vẫn được bọc lớp lưới và dây chằng. Ảnh: Vietnamnet.
Các gốc cây mỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh vẫn được bọc lớp lưới và dây chằng. Ảnh: Vietnamnet.

Một cuộc tranh luận sôi nổi khác nổi lên xung quanh những bức ảnh.

Nhiều ý kiến giận dữ cho rằng, việc trồng cây thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của bộ phận người trồng. Bởi chính lớp nilon kia đã cản trở việc đâm rễ của cây sang lớp đất xung quanh, tách biệt cây với đất, khiến cây càng dễ bị đổ gẫy.

"Nhiều tháng đã trôi qua kể từ vụ thay cây nhưng nhìn bức ảnh này thì như thể cái cây chỉ được thả xuống hố rồi vùi đất tạm bợ, dường như không có bất cứ sự liên kết nào giữa cây và đất" , anh Nguyễn Hữu Phương (Phúc Thọ, Hà Nội) nói.

Bên cạnh những ý kiến giận dữ là những ý kiến trái chiều, cho rằng việc không gỡ bỏ vỏ bầu cũng không ảnh hưởng gì đến quá trình sinh trưởng của cây mà còn giúp cây sống tốt hơn.

Cuộc tranh luận của hàng ngàn người với hàng trăm ý kiến có nguy cơ trở thành cuộc "mạt sát quy mô lớn", khiến người đưa bức ảnh lên diễn đàn phải quyết định hạ bức ảnh xuống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khánh Xuân - nguyên Viện phó Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung Cấp Lâm Nghiệp TW cho rằng, lớp vỏ bọc dưới các gốc cây trong ảnh là túi nilon.

Đây là chất liệu không những không tự phân hủy mà còn mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy được.

Là một người có nhiều năm công tác trong ngành lâm nghiệp nên khi thấy những hình ảnh trong bức ảnh, ông tỏ ra vô cùng gay gắt.

“Nếu không phải bọc tự hủy mà là một chất liệu khác, khi trồng không tiến hành tháo bỏ là hoàn toàn sai quy trình trồng mới một cây xanh.

Để cây đạt tỉ lệ sống và phát triển nhanh khi đưa ra trồng ở nơi khác thì cần tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về trồng cây xanh bóng mát. Nếu trồng mà không bóc vỏ bầu thì tỉ lệ cây sống được là rất thấp.

Mà nếu có sống được thì cây cũng chậm bén rễ và phát triển chậm chạp. Trồng cây như vậy là một sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm, làm theo kiểu đối phó cho qua chuyện” , vị này bức xúc.

Trong thời gian qua, dự án cải tạo, thay thế cây xanh ở Hà Nội đã gây ra không ít "lùm xùm" khiến cho dư luận bức xúc.

Kết luận thanh tra được công bố ngày 19/5 đã nêu rõ đề nghị UBND TP chỉ đạo nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP do thiếu kiểm tra, sâu sát trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian vừa qua.

Kết luận thanh tra đề nghị chỉ đạo kiểm kiểm và xử lý kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót.

Kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp có liên quan gồm:

Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng là những đơn vị có liên quan trực tiếp để xảy ra những hạn chế, thiếu sót.


Trung tâm bảo tồn thực vật Việt Nam TS Nguyễn Tiến Hiệp

Không ai để nguyên bọc lưới, nilon thế mà hạ xuống cả. Về nguyên tắc phải để cây tiếp xúc với đất, với dinh dưỡng thì mới phát triển được.

Chia sẻ