Nhìn lại toàn cảnh vụ chặt cây xanh Hà Nội

Trang Linh,
Chia sẻ

Cùng nhìn lại toàn cảnh vụ chặt cây xanh ở Hà Nội qua những sự kiện chính.

Từ cuối năm 2014, một số cây xanh trên các tuyến đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã dần bị đốn hạ và thay thế bằng bằng lăng, hoa sữa mới. Đây là dự án được thực hiện theo cấp phép của Sở Xây dựng Hà Nội ngày 20/11/2014, có nguồn kinh phí xã hội hóa gần 3,5 tỷ đồng.


Tuyến đường Kim Mã với những hàng cây đẹp như mộng nhìn từ trên cao.

Cũng cuối năm 2014, Hà Nội đã phê duyệt cho đốn hạ rất nhiều xà cừ cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi, đường Bưởi, đường Cầu Giấy… để phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị.


Chặt cây trên phố Cầu Giấy...

Sáng 8/1/2015, đơn vị Công ty một thành viên Cây xanh Hà Nội đã tiến hành chặt càng, tỉa tán một số cây xà cừ cổ thụ ở Kim Mã để thi công nhà ga số 8 (khu vực trước cổng Đại học Giao thông Vận tải) của tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội).


Đầu năm 2015, nhiều cây cổ thụ tại phố Kim Mã đã bị đốn hạ.

Chiều 28/1, dọc tuyến đường trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) và Trần Phú (Hà Đông), 146 cây xà cừ tuổi đời gần 100 năm, có đường kính từ 50 cm đến hơn 1 m, cao từ 14 m đến 20 m cũng bị đốn bỏ nhằm phục vụ thi công đường sắt trên cao. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, các cây này chủ yếu phát triển nghiêng về phía đường sắt đô thị và có thể gây nguy hiểm nếu bị gãy đổ. Hàng cây này sẽ được thay thế trồng mới bằng cây lát hoa, sao đen có đường kính trên 15 cm.


Hàng trăm cây xà cừ trên đường Nguyễn Trãi bị chặt vì ảnh hưởng đến tuyến đường sắt đô thị.

Khi những hình ảnh hàng cây cổ thụ quen thuộc với nhiều người dân sống quanh con đường này bị đốn hạ vừa dịu đi, đầu tháng 3/2015, Hà Nội lại bất ngờ chặt đi hàng loạt cây xanh được cho là “không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn” trên những tuyến phố Lê Duẩn, Trần Nhân Tông, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh… Người dân biết đến một đề án thay thế cây đô thị, đã quen với việc hằng năm, trước mỗi mùa mưa bão, các cây xanh trong thành phố được cắt tỉa cành, bỏ đi những chỗ sâu mọt, nhưng hết sức ngỡ ngàng trước thông tin, Hà Nội sẽ chặt bỏ 6.700 cây xanh các loại và trồng thay thế bằng những loại cây khác cho phù hợp với quy hoạch.


Phố Lê Duẩn, dọc công viên Thống Nhất trơ khấc những cây bị phạt sát gốc.

Chứng kiến những cây phượng, bằng lăng, liễu, bàng, xà cừ, sưa... còn đang sung sức, không ảnh hưởng đến giao thông trên nhiều tuyến phố để thay thế bằng các loại cây khác, trong đó, đáng tranh cãi nhất là cây vàng tâm, hàng nghìn người đang sống và làm việc tại Hà Nội cũng như những người yêu Hà Nội không khỏi bức xúc, ngỡ ngàng trước quyết định bất ngờ của thành phố. Những người có tiếng nói trong cộng đồng như nhà báo Trần Đăng Tuấn, giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư Nguyễn Lân Dũng… đã lên tiếng. Các cơ quan báo chí cũng thường xuyên cập nhật, đăng tải thông tin về các tuyến phố đang diễn ra cảnh chặt hạ, thay thế cây xanh. Nhiều người dân cũng bày tỏ quan điểm và thắc mắc trước đề án trên, qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.


Nhiều cây vẫn còn khỏe mạnh trên phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng bị chặt.

Nhiều trang fanpage kêu gọi “cứu” cây xanh cũng được ra đời, đáng chú ý nhất là fanpage 6,700 người vì 6,700 cây xanh. Được thành lập từ 17/3 bởi một người yêu Hà Nội, chỉ trong vòng 3 ngày, fanpage này đã thu hút gần 45.000 lượt like cùng nhiều hình ảnh, câu chuyện và thông điệp ý nghĩa được chia sẻ. Các quản trị viên của fanpage này cũng thực hiện những chiến dịch thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ như đeo ruy-băng vàng, bảng hiệu trên những cây bị đánh dấu X (sắp bị chặt), chụp ảnh ôm cây, kêu gọi ký chữ ký điện tử kiến nghị dừng việc chặt những cây xanh khỏe mạnh ở Hà Nội…  


Những ruy-băng được gắn lên cây cùng thông điệp "cầu cứu".

Trước bức thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn gửi chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng như ý kiến của dư luận yêu cầu được biết, được hỏi ý kiến về đề án thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố, sáng 19/3, trong cuộc họp của UBND TP Hà Nội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nghiêm khắc phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo ông Thảo, việc thông tin không đầy đủ đã khiến người dân hiểu lầm rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh. Thực chất, nội dung đề án là từng bước thay thế những cây cỗi, cây già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...

Cũng trong cuộc họp này, trả lời báo chí, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho rằng: “không phải tất cả các cây bị chặt đều sâu mọt hết cả, nhưng có 3 chủ trương: một là thay thế các tuyến cây, có thể cây không phải sâu mọt mà không đúng chủng loại, cây người ta nói không nên trồng ở đô thị”. Ông cũng cho biết, việc này không phải tiền ngân sách mà là hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp bỏ tiền ra sẽ quyết định làm việc gì, phù hợp mục đích. Khi được hỏi: “Vậy chuyện chặt cây có phải hỏi dân không, thưa ông?”, ông Long đã trả lời: “Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác”.

Cũng trong sáng 19/3, hè phố "con đường đẹp nhất Việt Nam" Nguyễn Chí Thanh với hàng cây rợp bóng tiếp tục chặt một số cây xanh.


Con đường đẹp nhất Việt Nam tan hoang sau khi cây bị chặt hạ.

Chiều 19/3, trên một số tuyến phố Lý Nam Đế, Trịnh Hoài Đức… xuất hiện những tấm biển trưng cầu ý kiến người dân về những cây dự kiến sẽ được cắt tỉa cành phòng gãy đổ mùa mưa bão hoặc do bị khô, mục. Tuy nhiên, 150 tấm biển được Công ty công viên cây xanh Hà Nội treo lên 150 cây trong thành phố lại là những cây nằm trong kế hoạch chặt hạ, thay thế thường niên chứ không nằm trong dự án thay thế 6.700 cây xanh.

Dư luận vẫn tiếp tục lên tiếng về đề án chặt hạ, thay thế cây xanh, dù lãnh đạo thành phố phát biểu chính thức, giải thích những hiểu lầm do thông tin về đề án thay thế cây xanh đô thị chưa được hiểu đúng. Sáng 20/3, một kiến trúc sư, anh Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội), đã gây chú ý dư luận khi ôm theo tấm bảng ghi chữ “Tôi là một cây xanh. I am a tree” đứng trong hố ở đường Lê Duẩn, nơi một cây cổ thụ bị chặt trước đó. Anh làm việc này để gửi tới mọi người thông điệp: cây cối cũng có linh hồn, cũng có sự sống. Cây xanh là của tất cả cộng đồng, mọi người hãy cùng nhau bảo vệ “lá phổi” thành phố.


Không hiếm thấy những hình ảnh, thông điệp như thế này của người dân Hà Nội trong những ngày giữa tháng 3.

Sáng 20/3, theo thông báo chính thức của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng cũng như các quận, huyện và các đơn vị liên quan dừng việc chặt hạ, thay thế cây trên một số tuyến phố và quản lý chặt chẽ cây xanh theo đúng quy định. Những cây hạ chuyển thì trồng ngay cây thay thế theo quy hoạch và tiến hành chăm sóc, quản lý theo phân cấp và quy định; hoàn thiện hè đường, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị. Chỉ thay thế những cây có nguy cơ đổ gãy ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

14 giờ 20/3, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo về thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn. Tại đây, Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh việc chặt, thay thế cây "hoàn toàn không có lợi ích nhóm, tiêu cực". Tuy nhiên, khi trao đổi về việc tiến hành một cách chóng vánh trên hàng loạt tuyến phố như Nguyễn Chí Thanh, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, ông này cho biết, chặt cây nhanh " do có sự nôn nóng của một số nhà tài trợ".

Việc chặt cây xanh được tạm dừng, nhưng vẫn còn những thắc mắc của người dân vẫn chưa có lời đáp rõ ràng

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ về việc chặt hạ cây xanh

- Ai thẩm định cây sâu mọt để chặt, đã tiến hành như thế nào mà xác định được cây sâu mọt trong thời gian ngắn?


- Cho tới ngày 20/3, Hà Nội đã chặt hạ, thay thế bao nhiêu cây xanh? Việc dừng chặt hạ theo quyết định của Chủ tịch UBND TP là tạm dừng và tạm dừng trong bao lâu? Kinh phí chặt hạ 6.700 lấy từ ngân sách của TP hay xã hội hóa? Việc xã hội hóa có khiến đề án bị chi phối bởi các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ?


- Báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu hầu hết nhân dân ủng hộ, đã điều tra xã hội học cụ thể chưa, số liệu cụ thể như thế nào? Việc xin ý kiến của người dân mặt phố có đúng luật hay không, mà cây xanh thuộc toàn thành phố?


- Hàng nghìn m3 gỗ bị chặt hạ đã được bán đấu giá chưa? Số tiền là bao nhiêu và sử dụng vào mục đích gì? Nguồn cây thay thế, chặt hạ từ đâu, giá thành? Những doanh nghiệp nào đứng đằng sau việc chặt cây?


- Quyết định việc chặt cây ông Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký, vậy ông Hùng có chịu trách nhiệm hay không?


Chia sẻ