Cay đắng những 8/3
Không giống như những người phụ nữ được chồng mình quan tâm chăm sóc đặc biệt vào ngày 8/3, nhiều chị em khác đã phải ngậm ngùi nén tiếng thở dài, thậm chí là gạt nước mắt khi nghĩ đến chồng.
Người phụ nữ nào cũng sẽ hồi hộp chờ đợi món quà tặng tình yêu từ người đàn ông của mình trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Tuy nhiên có những người phụ nữ, càng mong đợi nhận được chút gì đó động viên từ chồng thì chồng họ lại trở về nhà khi trên tay không bao giờ có hoa, không quà, chứ đừng mong gì một lời chúc có cánh từ chồng trong ngày mà cả thế giới tôn vinh phụ nữ. Và bởi thế họ cứ phải nén tiếng thở dài đằng đẵng mỗi khi nhìn thấy chồng hoặc thèm thuồng khi nghĩ đến cảnh những người phụ nữ khác trải qua các cảm giác hồi hộp bất ngờ khi đón nhận quà từ tay chồng còn bản thân mình thì không.
10 năm, đợi một ngày chồng thay đổi
Khác với tất cả các chị em trong phòng làm việc, đang nhộn nhạo bàn tán xôn xao việc mình sẽ nhận được quà gì từ chồng thì chị Vân (đường Hoàng Quốc Việt) im lặng nuốt nỗi buồn vào lòng, bởi chị biết dù có hy vọng, chờ đợi hay vẽ ra cho mình giấc mơ nhận được quà của chồng như thế nào thì cuối cùng chị sẽ nhận lại được niềm thất vọng như thế ấy. “Mình gật đầu quyết định lấy ông xã khi quen nhau được khoảng gần 5 tháng. Không phải vì tình yêu sét đánh mà vì cả hai được mai mối khi được liệt kê vào danh sách những người ế. Quãng thời gian từ khi tìm hiểu nhau ngắn và cũng không ‘đụng’ phải ngày lễ gì nên từ lúc quen nhau đến lúc cưới không hề nhận được quà gì từ ông xã. Hơn thế tình yêu hỏa tốc rồi việc chuẩn bị gấp gáp cũng khiến mình không bận tâm đến điều đó”, chị Vân thổ lộ nguyên nhân sâu xa của việc chưa từng một lần nhận được quà của chồng.
Còn chị Giang (Lĩnh Nam – Hà Nội), hai vợ chồng cưới nhau được cũng được ngót nghét 11 năm nhưng vì chưa có con, lại suốt ngày bị gia đình nhà chồng bóng gió “cá rô đực” nên vợ chồng thường xuyên lục đục. Ngày lễ 8/3 năm nào cũng vậy, thay vì nhận hoa và quà trong không khí vui vẻ thì hai vợ chồng không tranh cãi thì cũng kẻ nặng mặt, người bất mãn không thèm nói. Theo chị thì cuộc sống của hai vợ chồng son đã chấm dứt sau vài tháng cưới nhau, chị cảm nhận tình cảm vợ chồng dường như đã ngội đi nhiều vì những áp lực cả khách quan và chủ quan. “Lắm lúc chán đến không thể chịu nổi, nhìn quanh so mình với những người phụ nữ khác thấy mình thiệt thòi, thua kém đủ đường nhưng biết làm thế nào khi phận bèo bọt, nước đẩy đến đâu thì trôi đến đấy, buông tay ra thì sợ các cụ bên nhà không chịu nổi điều tiếng!”, chị Giang cho biết.
Trong cả hai trường hợp của chị Vân và chị Giang, một điều tai hại thấy rõ là các chị cảm thấy chồng mình hờ hững, không chú ý đến việc thay đổi, làm mới tình cảm của hai vợ chồng. Với các chị thì niềm mong mỏi lớn nhất không phải là những món quà cao sang, đắt giá mà chỉ cần chồng sau chừng ấy năm chung sống với nhau có thể hiểu vợ hơn, chú ý đến cảm giác của vợ một chút để cuộc sống gia đình không bị căng thẳng.
“Quà”… mếu máo và nước mắt
Ngày 8/3, nhiều chị em phụ nữ nghĩ đi nghĩ lại cũng chỉ rút ra cho mình một kết luận chẳng có gì khác ngày thường, vẫn quần quật chăm con, làm việc nhà và tối chồng về quà là những câu trách mắng, chửi bới, thậm chí là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ chứ chẳng phải thứ gì đó sung sướng, vui vẻ! Cũng không có ít các bà vợ sau khi được hỏi: “Chồng tặng quà gì?” thì đã nguýt dài: “Ôi giời nhắc đến làm gì, mong với chả đợi làm gì cho thêm não ruột”... kèm theo đó là cái thở dài thăm thẳm.
Chị Hân (Q.Đống Đa-Hà Nội) lại rơi vào hoàn cảnh cơ cực khác, chồng mải miết đi làm rồi ham nhậu, không ngày nào chồng chị về nhà mà không có mùi bia rượu. Năm nào cũng như năm nào, ngày 8/3 trong men say túy lúy, chồng chị ngang nhiên ngồi trước mặt vợ, lấy điện thoại gọi hết cho cô này đến cô khác, buông những lời tán tỉnh khó nghe. Có năm, khi chồng đã mềm oặt người, lăn ra ngủ không biết trời đất gì, trong lúc thay quần áo cho chồng, chị thấy một món quà nhỏ trong túi áo, mừng thầm vì chồng còn nhớ đến vợ, chị phấn khởi, bóc quà thì bên trong hộp quà là một sợi dây chuyền vàng và một tấm thiệp nhỏ ghi những lời tình tứ “Tặng em thân yêu của anh! Mãi yêu…”, “Lúc nhìn đến cái tên người phụ nữ trong tấm thiệp không phải là mình chị hoàn toàn sụp đổ. Cay đắng hơn là phải tỉ mẩn ngồi gói lại hộp quà đó một cách nguyên vẹn và để vài chỗ cũ…”, chị Hân nghẹn ngào nói không nên lời.