Câu đố Tiếng Việt: "Vì sao gọi im lặng là "LÀM THINH" – Đáp án cực bất ngờ, phải có cả kho tàng kiến thức mới trả lời được

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

99% người dùng không biết nguồn gốc của từ "làm thinh".

Có nhiều lúc đang trò chuyện bỗng đối phương im lặng kéo dài, không lên tiếng. Lúc ấy người đối diện sẽ hỏi: "Tại sao đang vui cười mà lại làm thinh vậy?", "Làm thinh nghĩ điều gì vậy?",... Từ "làm thinh" đã xuất hiện trong đời sống từ rất lâu, trở thành một từ phổ biến. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc: Vì sao im lặng, không nói năng trong hồi lâu, ai hỏi cũng chẳng đáp lại gọi là "làm thinh"?

Ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng Tây Nam Bộ, người ta sử dụng từ "làm thinh" để chỉ sự im lặng có chủ đích. Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê là chủ biên có giải thích: "Làm thinh là cố ý im lặng, không nói năng hay tỏ thái độ gì".

Chúng ta sẽ hiểu như sau: "Thinh" = "nín thinh", "lặng thinh". Chữ "thinh" là biến âm của từ "thanh", nghĩa là tiếng động. Như vậy, "nín thinh" là nín tiếng, "lặng thinh" là lặng tiếng. Đây là cách giải thích khá hợp lý và dễ hiểu.

Câu đố Tiếng Việt: Vì sao gọi im lặng là "LÀM THINH" – Nghe xong đáp án mắt chữ O mồm chữ A - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Nhưng nhiều người thắc mắc: Vậy "làm thinh" phải là làm tiếng, hay tạo ra tiếng, chứ sao có nghĩa là cố ý im lặng? Để trả lời câu hỏi này, cuốn Việt Nam tự điển của tác giả Lê Văn Đức có giảng: "Làm thinh cũng gọi là hàm thinh, nghĩa là ngậm tiếng lại, không nói ra". Như vậy, từ gốc ban đầu là "hàm thinh", trong đó "hàm" là ngậm, nuốt, chứa đựng. Đây cũng là từ "hàm" trong hàm hồ, hàm ân,…

Vậy vì đâu "hàm thinh" lại trở thành "làm thinh"? Đó là vì mức độ sử dụng của từ này trở nên rộng rãi, phổ biến hơn hẳn những từ như: Hàm hồ, hàm xúc, hàm oan,.. Mà người dân có cách suy nghĩ đơn giản, họ không hiểu được cấu trúc phức tạp của từ "hàm thinh". Bên cạnh đó có những từ phổ biến trong dân gian như: Làm bộ, làm dáng, làm ơn,… Vậy nên "hàm thinh" đã bị biến đổi thành "làm thinh" cho gần gũi và tiện sử dụng trong quần chúng.

Tóm lại, "làm thinh" viết đúng là "hàm thinh", trong đó "hàm" là ngậm, "thinh" là tiếng. "Hàm thinh" mang nghĩa: Cố ý ngậm tiếng, không chịu nói ra.

Ngoài ra, một số từ đồng nghĩa với "làm thinh" là: Im lặng, yên lặng, yên ắng,… Thế mới thấy hệ thống Tiếng Việt của chúng ta đa dạng, phong phú biết nhường nào. Cùng để chỉ một trạng thái, cảm xúc, hành vi nhưng có rất nhiều từ để diễn tả.

Từ đồng nghĩa trong Tiếng Việt là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Trong một số trường hợp, từ đồng nghĩa có thể thay thế hoàn toàn cho nhau, một số khác cần cân nhắc về sắc thái biểu cảm trong trường hợp cụ thể.

Từ đồng nghĩa được chia thành 2 loại chính: Từ đồng nghĩa hoàn toàn (đồng nghĩa tuyệt đối) là những từ có nghĩa hoàn toàn giống nhau, có thể thay thế được cho nhau. Ví dụ như: Bố mẹ - ba má; xe lửa – tàu hoả; con heo – con lợn,…

Tiếp theo là từ đồng nghĩa không hoàn toàn (đồng nghĩa tương đối) là những từ có nghĩa giống nhau nhưng khác nhau về sắc thái biểu cảm hoặc cách thức hành động nên cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn thay thế cho nhau. Ví dụ như: Chết – hy sinh – quyên sinh; cuồn cuộn – lăn tăn, nhấp nhô,…

Không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế được cho nhau. Vì vậy, khi nói cũng như khi viết, chúng ta cần cân nhắc để chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ thể hiện đúng thực tế khách quan và sắc thái biểu cảm.

Ngoài ra, Tiếng Việt còn có hệ thống từ loại đa dạng như: Động từ, tính từ, danh từ, số từ, từ đồng âm, từ trái nghĩa,…

Chia sẻ