Câu đố tiếng Việt: Mang tên em gái cha tôi/Ngã vào thành bữa thịt xôi linh đình - Là cái gì?
Một câu đố khiến người ta nghĩ Đông nghĩ Tây, đến khi nghe đáp án thì bất ngờ.
Khác với các ngôn ngữ khác trên thế giới, Tiếng Việt có bộ dấu câu đặc biệt. Chỉ cần thay đổi dấu là ta có một từ khác nghĩa hoàn toàn. Đó là chưa kể, Tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa, từ bóng, từ lóng,... nghe vậy mà không phải vậy. Ngay cả người Việt Nam đôi khi cũng "loạn" hết cả não. Rất nhiều câu đố chữ vận dụng sự đa dạng của tiếng Việt khiến người ta nghĩ Đông nghĩ Tây, đến khi nghe đáp án thì bất ngờ.
Chẳng hạn với một câu hỏi có nội dung như sau: Mang tên em gái cha tôi/Ngã vào thành bữa thịt xôi linh đình?
Muốn giải được câu đố hóc búa này, người chơi cần có tư duy nhanh nhạy. Hãy tập trung vào dữ liệu "em gái cha tôi", bạn sẽ rất dễ nghĩ ra đáp án. Em của cha thì gọi là gì? Chính là “cô”. Cô thêm dấu ngã thành “cỗ”, chính là bữa ăn linh đình.
Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, “cô” là em gái hoặc chị của bố (cha). Nó cũng có nghĩa là người phụ nữ được tôn trọng, chẳng hạn: Cô giáo. Hay là người con gái còn trẻ tuổi: Cô sinh viên. Tuy nhiên, cũng có vùng gọi chị của cha là bác hoặc o.
Cách xưng hô trong tiếng Việt rất phong phú, rõ ràng, có tôn ti trật tự, và rất văn minh. Từ xưa đến giờ, trong gia đình họ tộc người Việt (dân tộc Kinh) được phân chia hệ phả, thứ bậc, cách xưng hô với nhau rất cụ thể, rõ ràng. Có khác chăng một vài cách gọi về vai vế theo ngôn ngữ quen dùng của mỗi vùng miền.
Nếu bản thân mỗi người được làm chuẩn bởi danh xưng "tôi" thì các thứ bậc trong gia đình Việt từ trên xuống dưới lần lượt như sau:
Kị: Kị là đời thứ 5 trở đi tính từ đời của danh xưng "tôi". Ở miền Bắc hoặc miền Trung, kị thể hiện là đời cha/mẹ của ông bà cố, hay còn được gọi là kị ông/kị bà. Ở miền Nam, thay vì gọi bằng kị, cách xưng hô thông thường cho thế hệ này thường là sơ, tức là ông sơ, bà sơ.
Cụ: Là đời thứ 4 tính từ thế hệ của danh xưng "tôi". Cụ được xem là đời cha mẹ của ông bà nội hoặc ngoại của chủ thể. Ở miền Bắc và miền Trung, thứ bậc này được xưng hô là cụ ông, cụ bà. Ở miền Nam, ba mẹ của ông bà thì được xưng bằng ông cố, bà cố.
Ông bà: Là đời thứ ba tính từ danh xưng "tôi". Ông bà là thế hệ cha mẹ của ba mẹ mình. Ông bà thường được gọi là ông bà nội hoặc ông bà ngoại, nhằm phân biệt giữa các đấng sinh thành của mẹ và của ba.
Ba mẹ: là người sinh ra chủ thể "tôi". Tùy theo từng vùng miền mà cách xưng hô cũng khác nhau. Ở một số vùng miền, "mẹ" còn được gọi là: u, má, bầm… Còn với từ "ba", có nhiều cách xưng hô khác ở các vùng miền khác như: bố, cha, tía…