11 cuộc đối thoại giữa mẹ và con trai thức tỉnh nhiều phụ huynh
Cuộc trò chuyện của bà mẹ và con trai dưới đây xứng đáng được nhiều bậc cha mẹ làm 'kim chỉ nam' cho việc giáo dục con của mình.
Giáo dục gia đình là một khoa học đòi hỏi trí tuệ và kỹ năng. Có rất nhiều bà mẹ khi nhìn thấy sự xuất sắc chói lọi của con người khác, lại than thở cho sự tầm thường của con mình. Nhưng trên thực tế, không có gì là tự dưng cả. Đằng sau mỗi đứa con ưu tú thường có bóng dáng một người mẹ vĩ đại. Họ sử dụng những nét vẽ đơn giản nhất của mình để vạch ra nền giáo dục tốt nhất cho con từng nét một.
Những cuộc trò chuyện của một bà mẹ và con trai dưới đây đã thức tỉnh nhiều phụ huynh, xứng đáng được nhiều cha mẹ lấy làm "kim chỉ nam" cho việc giáo dục con của mình:
1/ Năm 3 tuổi, người mẹ dẫn con đi siêu thị. Cậu con trai muốn mua kem, bà đồng ý và nói rằng con chỉ được chọn một. Một lúc sau, bé chạy đến, trên tay cầm hai que kem, lém lỉnh nói: "Mẹ ơi con thích 2 cái này nên muốn mua cả 2".
Người mẹ nói nghiêm túc: "Những người không biết cách lựa chọn sẽ mất cả hai thứ". Sau đó bà đặt 2 cây kem lại và cùng con ra về tay không. Từ đó, trẻ học được cách lựa chọn.
2/ Năm 4 tuổi, người mẹ đưa con trai đi tàu điện ngầm, cậu bé mở hộp bánh quy trong khi mẹ đang nghe điện thoại, ăn rất ngon lành. Người mẹ làm xong việc, ngước xuống thì thấy dưới đất đầy vụn bánh quy.
Bà xoa đầu con trai: "Con trai, ngày xưa có một con sói lớn xấu xa, sau khi lên tàu điện ngầm đã tìm thấy ba con cừu con. Đố con, vậy sẽ còn con cừu nào không?". Cậu bé tự tin trả lời: "Không còn nữa, bởi vì đều bị đại sói ăn thịt!".
Lúc này bà mới nói: "Không, ba chú cừu vẫn còn bởi vì trên tàu điện ngầm không được phép ăn". Cậu con trai ồ lên hiểu chuyện. Người mẹ đưa cho con một chiếc khăn giấy và yêu cầu cậu ngồi xổm xuống, dọn dẹp tất cả các mảnh vụn.
3/ Khi 5 tuổi, một hôm cậu bé được mẹ đưa đi mua trái cây. Cậu con trai cảm thấy buồn chán nên lén bấm ngón tay lên mấy quả đào, mãi đến khi gần về đến nhà mới chia sẻ "câu chuyện thú vị" này với mẹ. Người mẹ nghe xong không nói một lời liền quay người dắt con trai trở lại cửa hàng. Kiểm tra kỹ càng, bà phát hiện nhiều quả đào có vết xước do móng tay của cậu con trai, sau khi giải thích nguyên nhân với ông chủ, người mẹ đã mua hết số đào "hư".
Thấy con trai bối rối, người mẹ kiên nhẫn giải thích: "Nếu mình làm hư đào của người khác, họ sẽ không bán được nên mình phải có trách nhiệm mua về nhà". Từ đầu đến cuối, bà chưa bao giờ khiển trách con. Nhưng cậu con trai luôn ghi nhớ vấn đề này và học được tính kỷ luật tự giác, trung thực và dũng cảm chịu trách nhiệm.
4/ Năm 6 tuổi, cậu con trai mê bóng đá. Chơi trong sân với bạn bè chưa đủ, cậu còn muốn có một quả bóng của riêng mình để chơi ở nhà. Bố mẹ cậu khá do dự khi biết nguyện vọng của con trai, vì điều kiện gia đình lúc đó cũng bình thường, một quả bóng đá có giá khá cao, cuối cùng họ đã từ chối.
Một hôm khi đi làm về, người mẹ nhìn thấy con trai đang chơi một quả bóng mới ở nhà. Thấy mẹ thắc mắc, cậu bé ấp úng cho biết là quà của người bạn hàng xóm. Sau nhiều lần tra hỏi, cuối cùng cậu bé cũng thừa nhận mình đã lấy trộm tiền của gia đình để mua, không quên nói thêm: "Chỉ vài chục thôi, mẹ thật keo kiệt".
Người mẹ nghe xong, sững sờ một lúc nhưng không nói gì, sáng hôm sau đưa con đến công trường của bố để phụ giúp công việc. Sau khi làm việc được ba ngày, cậu con trai mệt mỏi và khóc nhiều lần khi cầm trên tay vài chục ngàn tiền công.
Về đến nhà, người mẹ nhìn đứa con trai mệt mỏi của mình và nói: "Con trai, khi lớn lên con sẽ biết hai điều. Đầu tiên, những thứ chúng ta đặc biệt thích và muốn thường rất đắt tiền; Thứ hai, kiếm tiền không dễ dàng, nhưng bất cứ lúc nào cũng phải dựa vào khả năng của chính mình thì mới có tương lai ổn định".
Đứa trẻ nghe xong liền cúi đầu hối hận, từ giờ phút này cậu bé đã hiểu thứ mình thích nhất định phải tự mình kiếm được.
5/ Năm 7 tuổi, cậu con trai đi học tiểu học. Cậu luôn học mọi thứ chậm hơn một chút so với những người khác và thường bị giáo viên phê bình trong lớp. Cậu về nhà buồn bã hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có nghĩ con ngốc nghếch không?". Mẹ lắc đầu đáp: "Con trai, con có biết không? Cuộc sống giống như nước sôi. Có những chiếc bình nhỏ thì nước sôi nhanh hơn, nhưng những chiếc bình của con lớn thì nước sôi chậm hơn. Vì vậy, đi sau một thời gian không có nghĩa là con thua kém, con chắc chắn sẽ làm tốt hơn trong tương lai. "
Cậu con trai lau nước mắt và gật đầu. Sau đó, cậu không còn nghi ngờ bản thân nữa và bắt đầu học tập chăm chỉ, điểm số dần dần tăng lên.
6/ Năm 8 tuổi, một hôm mẹ dậy sớm đưa con trai đi học. Nhưng bên ngoài đột ngột đổ cơn mưa như trút nước, bắt taxi không được.
Người mẹ nhìn ra cửa sổ, chợt nở nụ cười rạng rỡ: "Con trai, chúng ta hãy làm một cuộc phiêu lưu!". Bà đi ủng, mặc áo mưa cho con rồi động viên: "Đừng sợ, nắm chặt tay mẹ, con sẽ làm một nhiệm vụ trong trò chơi, chúng ta cùng nhau lao về đích nhé?".
Cả hai lao vào màn mưa, những hạt mưa tạt vào người và mặt họ. Một buổi sáng trời mưa to năm 8 tuổi đã ập vào lòng cậu bé để lại một kí ức không thể phai mờ. Vì vậy, cho dù sau này con trai gặp phải khó khăn gì, cậu sẽ coi đó như một cuộc phiêu lưu, và trái tim tràn đầy dũng khí.
7/ Năm 10 tuổi, cậu con trai bị nghi ngờ gian lận vì thầm thì với các bạn trong kỳ thi. Cậu bé chối tội, giáo viên tức giận gọi cho phụ huynh. Sau khi tan sở, người mẹ vội vàng chạy đến văn phòng, không vội vàng chào giáo viên mà đi đến chỗ cậu con trai bị phạt đứng sang một bên, xoa đầu cậu, nhẹ giọng hỏi: "Nói cho mẹ, con có gian lận không?". Cậu con trai lau đi đôi mắt sưng đỏ: "Mẹ, con thật sự không có."
Mẹ gật đầu rồi quay sang giáo viên: "Thưa thầy, tôi tin con trai tôi. Nếu nó nói nó không gian lận, thì nó thật sự không có. Tôi sẽ nghiêm khắc phê bình nó về chuyện nói nhảm trong lúc thi. Nếu không có gì sai, tôi sẽ đưa nó về trước". Nói xong, người mẹ cúi đầu chào rồi dẫn con trai ra khỏi văn phòng.
Trên đường về, người con trai nắm chặt tay mẹ: "Mẹ, cảm ơn mẹ đã tin tưởng con, về sau con nhất định sẽ tỉnh táo hơn, sẽ không bao giờ để mẹ thất vọng". Quả thật, về sau cậu trở nên cẩn thận và tự giác hơn trong cả công việc và học tập.
8/ Năm 12 tuổi, điểm số của cậu con trai ngày càng tốt hơn, khát khao chiến thắng ngày càng mạnh mẽ. Một đêm trước kỳ thi giữa kỳ, cậu đi đi lại lại trong phòng khách, bồn chồn: "Mẹ, mẹ nghĩ sao nếu lần này con trượt?".
Người mẹ trả lời: "Để mẹ nghĩ xem, nếu con không lọt vào top 10, mẹ đãi con ăn Pizza nhé". Cậu con trai ngạc nhiên. Lúc này bà mới nói thêm: "Để chúc mừng con đã mở khóa trải nghiệm cuộc sống mới!". Cậu con trai không biết nên cười hay khóc, nhưng tâm lý cậu vì điều này mà thoải mái, thể hiện suôn sẻ trong phòng thi và đạt kết quả khá tốt. Cũng chính từ thời điểm này, cậu bắt đầu hiểu rằng thất bại chẳng qua là kinh nghiệm sống. Hơn nữa, dù thành công hay thất bại, sẽ luôn có một người yêu thương ở bên cạnh như ngày nào.
9/ Năm 13 tuổi, con trai đi học trung học cơ sở và trở về nhà vào kỳ nghỉ hè. Cậu ngạc nhiên khi thấy mẹ không còn dọn phòng, giặt quần áo cho mình và khi cậu để đôi giày thể thao bẩn cạnh bồn rửa, mẹ cũng giả vờ phớt lờ.
Có lần, con trai đi chơi về muộn, thấy ở nhà không có đồ ăn nên muốn nhờ mẹ nấu. Người mẹ than mình cũng rất mệt vì phải làm việc mỗi ngày. Cậu con trai cuối cùng phải tự học nấu ăn. Trong suốt kỳ nghỉ, cậu đã học nấu hơn chục món ăn và ngày càng chăm chỉ tự lập hơn.
Trong quá trình đó, cậu cũng nhận ra những gì mẹ anh đã làm cho gia đình trong những năm qua, và thực sự hiểu thế nào là ân cần và biết ơn.
10/ Năm 16 tuổi, con trai vào cấp 3 và yêu một bạn nữ cùng lớp. Cô chủ nhiệm gọi điện phàn nàn, người mẹ bình tĩnh nghe điện thoại, nửa tháng không đề cập đến chuyện này với con trai.
Cậu con trai sợ hãi, cuối cùng không nhịn được hỏi: "Mẹ, sao mẹ không đánh con như những phụ huynh khác?". Mẹ cười nhẹ: "Con trai mẹ là người có trách nhiệm. Mẹ biết rõ nhất. Mẹ tin con sẽ không vì yêu đương mà trì hoãn việc học". Cậu con trai cảm động.
Người mẹ nói tiếp: "Nhưng mẹ có một câu muốn hỏi con. Con muốn ở bên bạn gái ấy trong thời gian ngắn hay muốn ở bên nhau mãi mãi?". Cậu chọn vế thứ 2.
Người mẹ gật đầu: "Được, nếu muốn ở bên cô ấy mãi mãi, con phải cho họ một mái nhà và một tương lai, vậy càng phải cố gắng lên!". Nhờ vậy, cậu con trai không những không bỏ bê học hành mà còn học được bổn phận và trách nhiệm của một người đàn ông.
11/ Năm 18 tuổi, con trai thi đại học. Vào buổi tối, cả nhà cùng nhau nghiên cứu và điền vào đơn đăng ký thi đại học, và cuối cùng mọi người đều đưa ra lựa chọn của mình:
Mẹ: Một trường đại học trọng điểm, chuyên ngành tài chính, gần nhà, tương lai việc làm tốt;
Bố: Trường danh tiếng trong Top5.
Con trai: Thích trường hạng nhất bởi có thể chọn chuyên ngành yêu thích và gần trường đại học của bạn gái.
Ba người phát biểu ý kiến, mỗi người đều có lý do riêng. Cuối cùng, người mẹ hắng giọng: "Ừm, gia đình chúng ta luôn là dân chủ nhất. Ta sẽ làm theo lời con trai". Cậu con trai nhìn mẹ, nước mắt bất giác chảy dài.
Ngày cậu nhận giấy báo nhập học, nhiều bà con lối xóm nghe tiếng cũng đến chúc mừng. Trước mặt mọi người, người con trai cúi đầu chào mẹ: "Mẹ, cảm ơn mẹ, nhiều năm như vậy không có ngươi dẫn dắt, con cũng không có ngày hôm nay."
Mẹ là dấu son đậm nhất trong cuộc đời con, mẹ cũng là người lái đò thầm lặng của con. Từng lời mẹ nói, mọi việc mẹ làm như những giọt nước pha lê, từ từ ghi dấu ấn riêng của mẹ trong quá trình trưởng thành của đứa trẻ. Có một người mẹ hiểu biết, thông thái và nhìn xa trông rộng là phúc phận của đời con.