Câu đố Tiếng Việt: "Cây gì sinh ra đã bần?" – Nghe xong đáp án sửng sốt, IQ cao mới đoán đúng
Bạn có đoán được ra đây là cây gì không?
Nếu như bạn đang tìm kiếm một trò chơi vừa để giải tỏa căng thẳng sau một ngày dài học tập, lao động, vừa để có thêm kiến thức bổ ích thì hãy thử bắt đầu với trò giải đố. Giải đố là một trò chơi dân gian, đến nay vẫn được nhiều người yêu thích bởi sự thú vị, kịch tính và không cần chuẩn bị nhiều đạo cụ. Bạn chỉ cần chuẩn bị những câu đố hóc búa là có thể cùng nhóm bạn hay người thân chơi trò này rồi.
Hãy thử khởi động bằng một câu đố trong chương trình Nhanh như chớp để xem trí tuệ cùng phản ứng của bạn nhanh nhạy đến đâu nhé. Câu đố có nội dung như sau:
"Cây gì sinh ra đã bần?".
Chúng ta đều dễ dàng nhận ra đây là một câu đố chữ. Chữ "bần" có rất nhiều nghĩa. Theo Từ điển Tiếng Việt cắt nghĩa, "bần" có nghĩa là nghèo khó (Ví dụ: Cờ bạc là bác thằng bần). Ngoài ra, "bần" cũng là tên của một loài cây có rễ, sống ở nước lợ.
Đáp án chính xác được chương trình công bố là: CÂY BẦN.
Cho những ai chưa biết, cây bần còn có tên gọi khác là bần sẻ, bần chua. Tên khoa học của nó là sonneratia caseolaris. Bần là loài thực vật thân gỗ, chiều cao trung bình từ 10 – 15m, một số cây phát triển trong điều kiện lý tưởng có thể cao đến 25m. Thân phân chia thành nhiều cành, cành non thường phân thành nhiều đốt phình to, màu đỏ. Không giống với các loại cây thân gỗ khác, chất gỗ của cây bần bở và xốp nên hầu như không được sử dụng để làm vật dụng sinh hoạt.
Cây bần chỉ sống được ở những rừng ngập mặn, nơi có khí hậu nhiệt đới. Loài thực vật này có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và Nam Á nhưng hiện nay đã được di thực ở nhiều khu vực trên thế giới như Châu Đại Dương, Châu Phi và Châu Á. Ở nước ta, bần mọc nhiều ở các tỉnh ven biển từ Hải Phòng đến Cà Mau nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nam Bộ.
Bần phát triển mạnh ở khu vực rừng ngập mặn, giúp tạo ra hàng rào vững chắc nhằm chắn sóng, chống sạt lở vùng đất ven biển và giảm thiểu tình trạng ngập mặn ở các tỉnh ven biển. Bần cũng có thể được trồng ở những vùng nước ngọt nhưng thường phát triển kém.
Cây bần là một bài thuốc cổ truyền chữa được nhiều bệnh. Theo Đông y, quả bần có tác dụng tiêu viêm và chỉ thống (giảm đau), lá có tác dụng chữa bí tiểu tiện và cầm máu. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, chiết xuất cây bần có tác dụng chống oxy hóa, hạ đường huyết và kháng khuẩn. Dịch chua từ trái bần có tác dụng bảo vệ tế bào gan.
Chiết xuất từ bần còn có tác dụng ức chế ung thư vú, ung thư phổi và ung thư biểu mô. Ngoài ra, cây bần còn ức chế enzyme acetylcholinesterase – enzyme làm ngưng hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh. Vì vậy, vị thuốc này có tác dụng ngăn chặn phát triển bệnh Alzheimer (một chứng bệnh xảy ra do thoái hóa thần kinh).
Tuy nhiên, khi sử dụng quả bần cần chú ý loại quả này có vị chua, nên tránh ăn khi bụng đói và cần thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, tá tràng. Đối với lá bần, người ta có thể thu hái quanh năm, còn thu hoạch quả thì theo mùa.
Nhân dân Ấn Độ thường dùng dịch quả bần lên men để cầm máu và điều trị các chứng bệnh xuất huyết. Còn ở Malaysia, lá tươi của cây bần được sử dụng để chữa bí tiểu tiện. Người ta còn ăn quả bần chín để tiêu diệt ký sinh trùng. Nhân dân Philipines lại sử dụng quả bần non và phần lá giã nhuyễn để giảm sưng, trị bong gân và cầm máu.