Câu đố: Tại sao gọi là 'con sông' mà không phải là 'cái sông'?
Tại sao là con sông, cái hồ mà không phải là cái sông, con hồ? Chẳng lẽ, đến cả sông hồ cũng có... giới tính?
Những con sông, những cái hồ... vốn là những thứ quá quen thuộc trong cuộc sống mỗi người. Nhưng bạn có từng nghĩ, tại sao là con sông, cái hồ mà không phải là cái sông, con hồ?
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, sông vốn là dòng nước tự nhiên chảy trên mặt đất mà thuyền, bè có thể đi lại được. Suối cũng là dòng nước tự nhiên nhưng nó ở miền đồi, núi chảy thường xuyên hoặc theo mùa. Còn ao, hồ là nơi đất trũng chứa nước, thường là nước ngọt; đầm thì cũng gần loại với ao.
Các từ "con", "cái" trong tiếng Việt gọi là "loại từ". Người ta lí giải dùng từ "con" khi từ được diễn tả mang tính "động": sông, suối có sự vận động, sự chảy, di chuyển nước từ nơi này sang nơi kia. Còn "cái" là một loại từ dùng khi thường mang tính "tịnh": hồ, ao không có lưu thông mấy dòng chảy như ở sông hay suối.
Vì vậy nên gọi là "cái hồ, cái ao hay con sông, con suối" chứ gọi ngược lại thì không phù hợp.
Nhắc đến những con sông, ở nước ta, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhiều dòng sông đã đi vào lịch sử.
Chẳng hạn như sông Bạch Đằng đã đi vào những trang sử vàng của dân tộc với 3 chiến thắng oanh liệt. Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán năm 938, Hoàng đế Lê Đại Hành đập tan hàng chục vạn quân Tống xâm lược năm 981 và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng đội quân Nguyên Mông cũng trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại.
Sông Thạch Hãn dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị nhưng lại mang trên mình nhiều nỗi đau, ghi dấu những tang thương và oai hùng của lịch sử dân tộc. Đây là nơi diễn ra những trận chiến ác liệt trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ...