Câu chuyện về nghị lực của chàng trai trở về từ cõi chết và một người mẹ phi thường
Trải qua 5 năm trời dài đằng đẵng, cô Đông đã bán hết tài sản gia đình để chạy chữa cho cậu con trai tưởng như có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng rồi hai mẹ con họ vẫn cười, vẫn động viên nhau bước qua, nghị lực phi thường của cả hai đã khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Có một người mẹ đã trải qua không biết bao nhiêu đau khổ, vượt qua vô vàn những khó khăn để nắm lấy tay con trai mình, giành lại sự sống cho con trước bàn tay thần chết. 5 năm, một khoảng thời gian không phải là dài đối với một đời người, nhưng đó là cả một câu chuyện dài để kể. Câu chuyện về nghị lực và phép màu giữa đời thường mang tên "Mẹ".
Chấn thương não nghiêm trọng vì mũ bảo hiểm kém chất lượng
Chàng sinh viên Võ Thanh Hữu Nghĩa (1991) là con trai út trong một gia đình nghèo ở Đắk Nông. Năm 2009, Nghĩa vào TP.HCM thi đại học và đỗ vào Khoa thiết kế nội thất, trường cao đẳng Bách Việt. Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, gia đình lại khó khăn, vì vậy để giảm gánh nặng cho mẹ ở quê nhà, Nghĩa đã vừa đi học vừa đi làm thêm. Ngoài giờ đến trường, anh chàng mua hoa hồng về bán trên đường Nơ Trang Long (Q. Bình Thạnh).
Chàng sinh viên nghèo luôn khao khát vươn lên trong cuộc sống đã phải tạm gác ước mơ vì biến cố lớn.
"Mọi chuyện có lẽ sẽ không đến nỗi như ngày hôm nay nếu hôm đó tôi mang mũ bảo hiểm tốt một chút" - Nghĩa ngậm ngùi nói. Cạnh chỗ cậu bán hàng là một tiệm bán mũ bảo hiểm, người bán mũ khuyên rằng không có tiền thì mua mũ rẻ rẻ xài là được. Nghe theo lời người bán, Nghĩa mua một chiếc mũ không chất lượng để tiết kiệm chi phí. Thế nhưng, cậu lại không lường trước được mọi việc sẽ xảy ra.
Ngày 24/3/2011, sau khi bán hết hoa, Nghĩa lái xe máy trở về nhà, đến đoạn đường Bạch Đằng thì bất ngờ bị một xe đi ngược chiều tông vào. Vụ tai nạn nghiêm trọng đã khiến cho phần đầu của Nghĩa bị chấn thương nặng.
Vì mang mũ bảo hiểm không chất lượng, Nghĩa bị chấn thương nghiêm trọng sau vụ tai nạn.
28 ngày kể từ khi nhập viện cấp cứu, sự sống của chàng trai trẻ dường như chỉ phụ thuộc vào máy móc hỗ trợ. Ranh giới giữa cái chết và sự sống chỉ cách nhau trong gang tấc. Mẹ cùng 3 anh trai của Nghĩa mất ăn mất ngủ thay phiên nhau trực, lòng thấp thỏm sợ bác sĩ báo tin cậu không qua khỏi.
Thế rồi đến ngày thứ 29, thần chết bỏ cuộc, Nghĩa tỉnh lại. Nhưng vì chấn thương quá nặng nên anh rơi vào trạng thái sống thực vật, không hề nhận thức được điều gì. Vị bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho Nghĩa chẩn đoán cậu có thể phải sống như vậy đến hết cuộc đời. Trước khi Nghĩa về nhà, bác sĩ đã đưa cho mẹ cậu một toa thuốc cùng lời căn dặn: "Cho cậu ấy uống hết toa thuốc này, nếu ý chí của Nghĩa đủ lớn và phép màu xảy ra thì cậu ấy tỉnh dậy".
28 ngày Nghĩa rơi vào tình trạng chết lâm sàng là 28 ngày mẹ của anh sống trong đau khổ, nhưng bà chưa bao giờ tắt đi hy vọng
Chàng trai trở về từ cõi chết
Cô Lê Thị Thu Đông (mẹ của Nghĩa) ngồi bên giường bệnh, lau đi những giọt nước mắt tưởng chừng chẳng thể rơi thêm một lần nào nữa, cô nói: "Ba của Nghĩa qua đời cũng vì một tai nạn giao thông. Khi cô đến nơi, ông đã trút hơi thở cuối cùng. Cô chẳng kịp gặp mặt ông ấy lần cuối, vì thế lúc Nghĩa bị tai nạn cô sợ lắm! Cô sợ con trai cô sẽ vụt khỏi tầm tay cô như cách mà ba nó đã từng. Thế nên cô cố gắng níu kéo, giữ Nghĩa ở lại với cô. Giờ em nó đã tỉnh lại, cho dù thế nào, dù có chuyện gì xảy ra thì cô cũng sẽ không buông tay Nghĩa".
Sau khi xuất viện, Nghĩa được mẹ và các anh đưa về phòng trọ ở Bình Thạnh (TP.HCM) để tiếp tục điều trị. 5 tháng sau, toa thuốc của bác sĩ cho đã hết, đồng thời điều kỳ diệu cũng đã xảy ra, Nghĩa tỉnh lại và nhớ ra mọi người.
Ngồi trên chiếc xe lăn, Nghĩa vô tình nghe được cuộc đối thoại giữa các anh trai và mẹ. Anh của cậu lo lắng: "Giờ thằng Nghĩa tỉnh rồi nhưng cũng như người tàn phế, nhà cũng cạn tiền rồi, lấy tiền đâu nuôi nó, rồi nuôi má". Nghĩa lúc đó vẫn chưa nói được, liền ra hiệu rằng bản thân sẽ đi làm và kiếm tiền nuôi mẹ, thế rồi do suy nghĩ quá nhiều Nghĩa lên cơn động kinh và nhập viện lần thứ 2.
Trong lần nhập viên này, bác sĩ yêu cầu giữ Nghĩa ở lại để điều trị. Trong 3 tháng liên tục, Nghĩa được tập nói, tập vận động thân thể và phẫu thuật ráp não phải. Tuy nhiên tình hình tiến triển không mấy khả quan. Nghĩa vẫn chưa thể nói hay hoạt động tay chân.
Bị liệt nửa người sau vụ tai nạn, Nghĩa phải cố gắng tập luyện để hoạt động bình thường trở lại.
Mặc khác, để trả tiền thuốc men, viện phí, cô Đông phải đi vay hết chỗ này đến chỗ khác, khi số nợ đã trở nên quá lớn, cô buộc phải bán nhà và rẫy ở quê để trả cho chủ nợ. Thế nhưng như lời cô đã nói, dù có chuyện gì xảy ra, cô cũng sẽ không để mất Nghĩa. Cô Đông xin bệnh viện đưa Nghĩa về phòng trọ tự điều trị để tiết kiệm chi phí.
Được một số người quen giới thiệu bệnh viên y học cổ truyền có thể chữa được bệnh của Nghĩa, cô Đông lập tức đưa con đến chữa trị với hi vọng con trai sẽ trở lại bình thường như ngày xưa. Và thế là hai mẹ con cô bắt đầu một hành trình mới với hy vọng mãnh liệt hơn.
Nghĩa cố gắng tập luyện những bài tập khó để nhanh chóng bình phục.
Mỗi bước đi của Nghĩa luôn có bóng dáng người mẹ và các anh đằng sau
"Các anh của Nghĩa đều có gia đình, có con cái phải lo. Cô đâu thể ích kỷ bắt chúng phải hi sinh để lo cho em. Vậy nên cô một mình nuôi Nghĩa, dù có khó khăn cũng không thể phiền các con" - cô Đông tâm sự.
Để có tiền trả viện phí và nuôi con, cô Đông xin làm việc nhà cho các gia đình gần bệnh viện, đan khăn bán, hay nhận đi mua thức ăn cho các bệnh nhân khác... bất cứ việc gì có thể làm được, cô đều nhận để có tiền nuôi con. Có hôm làm việc quá sức, cô Đông ngã gục phải nhập viện, thế nhưng chưa bao giờ cô có ý định buông xuôi.
Nằm trên giường bệnh, nhìn thấy mẹ vừa chăm sóc cho bản thân, vừa vất vả mưu sinh kiếm tiền, Nghĩa thương mẹ nhưng thân thể anh bây giờ không thể làm được gì. Thế rồi cũng vì suy nghĩ nhiều mà nhiều lần Nghĩa lại lên cơn động kinh ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hai mẹ con luôn ở bên nhau dù có khó khăn gì
Câu chuyện sẽ được viết tiếp bằng những nụ cười
Nghĩa cố gắng lấy hơi để nói thật rõ ràng: "Nhiều lúc buồn lắm! Tuổi trẻ mới vừa bắt đầu, mà giờ phải nằm một chỗ, muốn tìm đến cái chết cho nhẹ người. Nhưng nhìn mẹ cố gắng từng giây phút vì mình, tôi không cho phép bản thân làm điều đó. Nếu tôi từ bỏ hay nhụt chí thì tôi thật sự là một đứa con bất hiếu".
Nghĩa cố gắng từng ngày và sống lạc quan để mẹ luôn vui
Sáng tập, chiều tập, tối tập, không ngày nào Nghĩa bỏ tập hay lơ là việc tập luyện để tay chân có thể hoạt động lại bình thường. Trải qua hơn 3 năm tập luyện, Nghĩa đã có thể tự đứng được 5 phút, tự tắm rửa, vệ sinh cá nhân.
Thấy mẹ vất vả, Nghĩa luôn cố gắng sống thật lạc quan, hay kể những câu chuyện vui để mẹ cười, xua đi những mệt mỏi. Bên cạnh đó, anh còn đem sự lạc quan của mình truyền cho những bệnh nhân khác mà anh có dịp gặp gỡ nhằm giúp họ có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn của bệnh tật.
Thời gian gần đây, Nghĩa bắt đầu đọc được sách và tập viết chữ, cậu bắt đầu viết những trang nhật ký đầu tiên để ghi dấu lại những tháng ngày đấu tranh với số phận. Cô Đông cũng viết để tiếp thêm động lực cho con trai mình.
Trích một đoạn nhật ký của Nghĩa: "Quá khứ đã qua, tôi chưa làm được gì cho mẹ và cho cả chính mình. Dẫu nuối tiếc, tôi hiểu mọi chuyện đã dở dang không thể quay lại được. Mục tiêu của tôi từ nay về sau, tôi cố không để những điều tiếc nuối xảy ra. Tôi sẽ cố gắng mang lại nụ cười trên môi mẹ để mẹ an tâm, hạnh phúc và tự hào..."
Hễ có ai vào thăm là cô Đông lại nhờ mọi người để lại vài dòng chữ động viên Nghĩa, rồi cô sẽ đọc cho cậu nghe để Nghĩa mạnh mẽ hơn với mục tiêu của bản thân.
Những lời động viên mà mọi người gửi đến Nghĩa.
Những ngày tháng trong bệnh viện của mẹ con Nghĩa sẽ còn rất dài ở phía trước, theo bác sĩ chẩn đoán nếu cố gắng thì sau 6 đến 7 năm nữa Nghĩa sẽ hồi phục. Tin rằng với nghị lực của bản thân, Nghĩa sẽ sớm hồi phục để đền đáp công ơn cho mẹ và những người đã giúp cậu. Với Nghĩa, nếu trên đời có phép màu thì đó chính là tình yêu của mẹ.
Mọi hỗ trợ gia đình cô Đông xin liên hệ số điện thoại: 01679401811 (gặp cô Đông). Hoặc đến thăm trực tiếp tại phòng 305, khoa nội thần kinh, bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM. |