Câu chuyện từ 5 quốc gia trên thế giới đang mở cửa và sống chung với Covid-19
Hơn 18 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, một số quốc gia quyết định đã đến lúc mở cửa và thực hiện mô hình "sống chung với Covid-19".
Trong số những quốc gia này, một số nước đang có tỷ lệ tiêm vaccine đáng ghen tỵ và những quốc gia khác cho rằng những tổn thất về kinh tế và các quy định hạn chế xã hội đã lớn hơn những lợi ích từ việc này. Dưới đây là 5 quốc gia đang mở cửa và sống chung với Covid-19 cũng như các chiến lược thực hiện của họ.
Đan Mạch: Chấm dứt các biện pháp phòng ngừa
Chính phủ Đan Mạch đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế tại quốc gia này ngày 10/9, đồng thời cho rằng Covid-19 không còn là "một bệnh dịch đe dọa nghiêm trọng đến xã hội".
Người dân Đan Mạch hiện nay có thể vào quán bar, nhà hàng mà không cần trình "thẻ thông hành Covid", có thể sử dụng các phương tiện công cộng mà không cần đeo khẩu trang và có thể tụ tập đông người mà không cần các biện pháp hạn chế. Về cơ bản, Đan Mạch đang dần quay lại cuộc sống trước đại dịch.
Chìa khóa cho thành công của Đan Mạch một phần nằm ở chiến lược tiêm chủng khi tính tới ngày 13/9, hơn 74% dân số nước này đã được tiêm vaccine đầy đủ, theo dữ liệu từ Our World in Data. Tỷ lệ lây nhiễm hay hệ số lây nhiễm cơ bản R hiện ở mức 0,7, Bộ trưởng Y tế Đan Mạch Magnus Heunicke cho biết ngày 15/9. Điều đó tức là dịch bệnh đang tiếp tục suy giảm. Nếu R lớn hơn 1, số ca mắc Covid-19 sẽ tăng trong tương lai gần. Nếu R dưới 1, số ca mắc sẽ giảm trong tương lai gần.
“Vaccine và những nỗ lực tuyệt vời của tất cả người dân Đan Mạch trong suốt thời gian dài vừa qua là nền tảng cơ bản để chúng tôi có thể làm tốt như vậy", Bộ trưởng Heunicke nhận định.
Mặc dù thể hiện sự lạc quan nhưng người đứng đầu Bộ Y tế Đan Mạch cũng thận trọng cảnh báo vào tháng trước khi chính phủ thông báo thời gian dự kiến chấm dứt các biện pháp hạn chế.
"Mặc dù hiện nay chúng ta đang ở trong điều kiện thuận lợi hơn nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Chính phủ sẽ không ngần ngại hành động nhanh chóng nếu đại dịch lại một lần nữa đe dọa những chức năng quan trọng trong xã hội chúng ta".
Singapore: Cố gắng sống chung với Covid-19 nhưng bị biến thể Delta cản trở
Chính phủ Singapore thông báo hồi tháng 6/2021 rằng nước này đang lên kế hoạch sống chung với Covid-19, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh thông qua việc tiêm vaccine và điều phối các ca nhập viện, thay vì đưa ra các lệnh hạn chế với cuộc sống của người dân.
"Tin xấu là Covid-19 có lẽ sẽ không biến mất. Tin tốt là chúng ta có thể chung sống bình thường với dịch bệnh", các quan chức chống Covid-19 hàng đầu của Singapore nhận định trong một bài bình luận vào thời điểm đó.
Các nhà chức trách Singapore đã bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh hạn chế từ tháng 8, cho phép những người đã tiêm vaccine đầy đủ ăn tối cùng nhau trong các nhà hàng và tập trung nhóm 5 người, tăng so với con số 2 người trước đó.
Tuy nhiên, số ca mắc gia tăng do biến thể Delta đã đặt chiến lược của Singapore trước những sức ép mới, khiến cho các nhà chức trách phải dừng việc tiếp tục mở cửa. Các quan chức Singapore đã cảnh báo vào tuần trước rằng họ có lẽ cần tái áp đặt các biện pháp nhằm đối phó với Covid-19 nếu đợt bùng phát mới không được kiềm chế.
Lực lượng tác chiến chống Covid-19 của Singapore cho biết sẽ nỗ lực hạn chế đợt dịch đang bùng phát thông qua việc truy vết tiếp xúc quyết liệt, khoanh vùng các ca mắc và chùm ca mắc cũng như tiến hành xét nghiệm bắt buộc thường xuyên hơn với những người lao động có nguy cơ cao.
Tuy thực hiện những biện pháp trên nhưng Singapore vẫn ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất trong hơn 1 năm qua hôm 14/9. Dù vậy, cho tới nay, số ca bệnh nặng ở Singapore vẫn ở mức thấp nhờ việc tiêm vaccine, các nhà chức trách cho hay.
Singapore từng theo đuổi quyết liệt chiến lược "Không Covid" trước khi dịch chuyển sang hướng tiếp cận hiện nay và là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới với 81% dân số đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Thái Lan: Khởi động chiến dịch tiêm vaccine chậm nhưng vẫn mở cửa
Các nhà chức trách Thái Lan cho biết vào tuần trước rằng nước này có kế hoạch mở cửa trở lại Bangkok và các địa điểm du lịch với các du khách nước ngoài vào tháng tới, giữa bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang cố gắng nối lại ngành công nghiệp du lịch, bất chấp số ca mắc gia tăng.
Theo chương trình mở rộng, các du khách được tiêm vaccine đầy đủ và tuân thủ xét nghiệm sẽ được phép vào thủ đô Bangkok, Hua Hin, Pattaya và Chiang Mai.
Đảo Phuket đã mở cửa trở lại với những du khách nước ngoài đã tiêm vaccine vào 1/7 mà không yêu cầu cách ly. Ngày 15/7, Thái Lan khởi động một chương trình tương tự, hay còn gọi là mô hình Samui ở các đảo Koh Samui, Koh Pha Ngan và Koh Tao.
Mặc dù Thái Lan duy trì được số ca mắc ở mức thấp vào năm 2020 nhờ thực hiện thành công các biện pháp hạn chế nhưng nước này hiện đang phải chật vật kiểm soát số ca mắc gia tăng trong năm nay.
Tỷ lệ tiêm vaccine ở Thái Lan đi sau nhiều nước láng giềng. Chỉ 18% người dân Thái Lan được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ tính tới 13/9, trang Our World in Data cho hay.
Nam Phi: Dỡ hạn chế nhưng biến thể Delta vẫn là mối đe dọa
Nam Phi đã bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế khi tỷ lệ lây nhiễm giảm. Trong số các biện pháp, quy định giới nghiêm vào buổi tối trên toàn quốc đã được rút ngắn xuống từ 23h - 4h sáng hôm sau, quy mô tập trung được tăng lên 250 người ở trong nhà và 500 người ở ngoài trời trong khi lệnh hạn chế với việc buôn bán rượu cũng được giảm bớt.
Việc dừng các biện pháp hạn chế mà Tổng thống Nam Phi Syril Ramaphosa thông báo hôm 12/9 được cho là dấu mốc đáng chú ý, nhất là tại một quốc gia từng vượt qua đại dịch nhờ các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thậm chí cấm tất cả các cuộc tụ tập, ngoại trừ đám tang như Nam Phi. Đây cũng là quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine vẫn còn thấp.
Tổng thống Ramaphosa cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể Delta gây ra vẫn chưa chấm dứt, đồng thời nhận định Nam Phi có đủ số liều vaccine Covid-19 để tiêm cho toàn bộ người trưởng thành của nước này. Hiện hơn 1/4 người trưởng thành ở Nam Phi đã nhận được ít nhất 1 liều.
Ông Ramaphosa cũng khuyến khích mọi người tiêm vaccine và tuân thủ các quy định hạn chế còn lại để nước này có thể quay lại cuộc sống bình thường.
"Làn sóng thứ ba vẫn chưa kết thúc và chỉ có qua các hành động mang tính cá nhân và tập thể thì chúng ta mới có thể làm giảm số ca mắc mới", Tổng thống Nam Phi đánh giá.
Chile: Tỷ lệ tiêm vaccine cao nghĩa là du khách có thể quay lại
Chile đã được khen ngợi trên thế giới nhờ chiến dịch tiêm chủng suôn sẻ và thành công. Theo các báo cáo gần đây nhất của Bộ Y tế nước này, gần 87% người dân Chile đủ điều kiện đã được tiêm vaccine đầy đủ. Chile cũng đã bắt đầu triển khai việc tiêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Các nhà chức trách y tế Chile ngày 18/9 đã thông qua việc sử dụng vaccine Sinovac của Trung Quốc cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên và việc tiêm chủng đã bắt đầu vào ngày 13/9.
Bất chấp mối đe dọa do biến thể Delta gây nên, chính phủ Chile hôm 15/9 thông báo, việc mở cửa trở lại ngành du lịch quốc tế của nước này sẽ bắt đầu vào 1/10, đúng thời điểm đất nước ở bán cầu Nam này bước vào mùa hè.
Các du khách nước ngoài có thể nhập cảnh vào Chile nếu đáp ứng một số yêu cầu nhất định và cách ly trong 5 ngày.
"Việc du khách nước ngoài có thể đến Chile là một bước quan trọng để khôi phục ngành du lịch. Cũng cần phải chỉ ra rằng, đây chỉ là bước đầu tiên và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch này trong thời gian tới, chừng nào vẫn duy trì được các điều kiện y tế phù hợp", Thứ trưởng Bộ Du lịch Chile José Luis Uriarte cho hay./.