Câu chuyện tình 56 năm của PGS Văn Như Cương và vợ: Mãi mãi là tình nhân, há sợ gì sự chia xa?
Cái nắm tay cuối cùng, cũng sẽ là lời chào tạm biệt nhẹ nhàng, là lời hẹn hò rằng ở kiếp sau, anh nguyện vẫn sẽ là thầy giáo trẻ lạc vào đôi mắt cô nữ sinh Hà thành thơ ngây năm nào…
Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh một đôi vợ chồng già trên chuyến tàu Titanic định mệnh năm xưa. Khi biết tàu bị đâm vào băng và từ từ chìm trong nước, họ không chọn cách hòa mình vào đám đông nhốn nháo trốn chạy mà yên ổn nằm trên giường, ôm chặt lấy nhau và bình thản cùng nắm tay đón nhận chuyến đi về cõi vĩnh hằng.
Hai ông bà với mái tóc bạc phơ, biểu tượng của mối tình già trong bộ phim ấy khiến tôi nhiều năm sau đó mơ hồ trả lời được câu hỏi: “Ở cuối cuộc đời, người ta sợ nhất là điều gì?”. À, thì ra đó là sự chia ly! Nhất là khi, giữa hai con người họ là cả một trời bể yêu thương và chẳng hề muốn có người nào đó phải lẻ loi sau cùng.
Khi biết tin thầy Văn Như Cương qua đời, không hiểu sao, điều tôi cứ hình dung ra lại là gương mặt của vợ ông. Tôi nghĩ chẳng nhẽ hồi chuông giục giã chia cắt đã đến giữa hai con người trọn vẹn 56 năm bên nhau, tình đầu và cũng là tình cuối ấy? Liệu vị PGS đức độ và người vợ thương yêu của mình thực sự sợ hãi cảnh chia ly?
Vợ chồng PGS Văn Như Cương.
Chắc hẳn là phải có chứ! Với cô Oanh, là cảm giác của một bờ vai vững chãi đã che chở, đã cho mình dựa vào với đầy đủ những cung bậc ngọt ngào trong bao nhiêu năm qua, bỗng một ngày gục ngã. Nếu bờ vai ấy không còn nữa, ai sẽ là người dắt cô qua tháng năm dài trước mắt? Hay còn đâu một nửa bên đời, đến 80 tuổi rồi vẫn mặn nồng tình cảm như hồi mới yêu…
Người đàn ông với chòm râu cước dù đã ở tuổi xế chiều vẫn hàng ngày lặng lẽ săn sóc vợ, đưa vợ đi cùng trong mỗi chuyến đi, nắm tay vợ khi dừng chân nghỉ ngơi giữa đường hay chỉnh tà áo dài cho vợ trước giờ lên lớp, động viên vợ qua mỗi nhọc nhằn… Có mấy người chồng vừa đảm việc nước, vừa giỏi việc nhà, tâm lý đến từng chi tiết nhỏ như thế?
Bức ảnh "Trước khi đến trường..."
Bao nhiêu năm đã qua, tình yêu giữa một người thầy dành cho cô nữ sinh Hà thành vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên. Cái sợi dây tình cảm giữa họ những tưởng vì bom đạn chia xa mà dễ dàng đứt mất, nhưng không, đến cuối cùng cái nỗ lực đi qua nỗi nhớ đã chiến thắng tất cả. Hẳn từ giây phút đoàn tụ bên nhau ấy, người chồng đã nắm tay người vợ và thề nguyền từ đây chẳng thể để giông bão nào tách đôi ta ra làm hai nửa được nữa.
PGS Văn Như Cương, trong 56 năm làm chồng đã luôn hoàn thành ở mức xuất sắc nghĩa vụ và dành tặng cho vợ của mình những giây phút không thể nào đẹp đẽ hơn. Như ở ngày Valentine khi đang nhọc nhằn chống lại những đau đớn của căn bệnh ung thư, ông vẫn không quên nhắn với vợ và cả thế giới về tình yêu của mình. Chỉ là một bức ảnh ông bà đứng bên nhau thôi, nhưng người ta dễ dàng nhận ra đằng sau đó là tình yêu bao la như thế nào của một ông giáo…
Mỗi ngày đi qua là lại thêm một ngày được ở bên nhau, mỗi mùa xuân đi qua là lại một mùa tình nhân nữa có nhau, nhưng rất có thể, mùa này sẽ là mùa cuối… Nhưng dẫu là thế đi nữa thì cũng có hề chi? Yêu thương trọn vẹn từng giây phút bên nhau, quan tâm từng khắc đi qua cùng nhau như vậy rồi thì hẳn cuộc đời của mỗi người đều đã đầy ăm ắp chẳng còn trống vắng gì nữa.
Khoảnh khắc không thể tình cảm hơn của hai vợ chồng vị giáo sư đáng kính.
Liệu tôi có sai khi nói rằng điều hai người già đang yêu sợ nhất là chia ly? Bởi bỗng nhiên qua câu chuyện 56 năm từ tình đầu đến tình cuối của thầy Văn Như Cương, tôi lại chiêm nghiệm thêm được rằng: sẽ chẳng có gì đáng sợ nếu ta đã từng trọn vẹn bên nhau. Và khi ấy, tiễn người đi rồi nhưng hình ảnh, những câu chuyện và tình yêu thương của người vẫn sẽ luôn đầy ắp trong trái tim ta. Vậy thì có gì đáng sợ đâu nhỉ?
Để rồi cái nắm tay cuối cùng, cũng sẽ là lời chào tạm biệt nhẹ nhàng, là lời hẹn hò rằng ở kiếp sau, anh nguyện vẫn sẽ là thầy giáo trẻ lạc vào đôi mắt cô nữ sinh Hà thành thơ ngây năm nào… Và chúng ta, vẫn sẽ lại yêu nhau như đã từng như thế!