Câu chuyện thú vị của trà sữa trân châu
Trà sữa trân châu từ lâu đã trở thành một thức uống thân thuộc của tuổi học trò Việt Nam. Ngoài hương vị hấp dẫn, thức uống này còn mang trong mình một câu chuyện thú vị về lịch sử phát triển.
Trà trân châu bắt nguồn từ đâu?
Có thể nói, Đài Loan là "cội nguồn" của món trà trân châu. Giống như nhiều nước châu Á, uống trà trở thành một thú vui và thói quen trong đời sống người Đài Loan. Tục uống trà đã đi vào cả thư pháp, nghệ thuật cắm hoa và nghệ thuật hương đạo. Nói cách khác trà đã trở thành một thức uống phổ biến và thông dụng, được cả người lớn lẫn trẻ nhỏ ở Đài Loan ưa thích.
Để phục vụ nhu cầu này, những quầy bán trà thường được dựng lên trước cổng các trường trung học; họ cạnh tranh nhau để mong bán được nhiều trà hơn. Một người bán trà đã nghĩ ra việc thêm hương vị trái cây vào món trà của mình để thu hút trẻ con, không lâu sau, những quầy bán trà khác cũng học tập theo cách này. Để vị trái cây và vị trà được quyện đều vào nhau, người ta thường phải cho trà vào một ly kín nắp và lắc đều, công đoạn này tạo ra những bọt khí trong thức uống, do đó, món trà này có cái tên ban đầu là trà sủi bọt.
Tuy nhiên mãi đến những năm 1980, trà trân chân mới xuất hiện do một người chủ quán trà ở Đài Trung đã thử cho những viên trân châu ngọt vào thức uống cho khách mời trong một cuộc họp. Thức uống này ngay lập tức nhận được sự thích thú từ những vị khách; sau khi xuất hiện trong thực đơn, nó đã trở thành thức uống bán chạy nhất của quán trà này.
Trà trân châu - thức uống đa dạng và đầy sáng tạo
Công thức pha trà trân châu là không cố định, ở mỗi quán trà khác nhau, người ta thường có các cách pha chế khác nhau cho thức uống của mình. Để làm phần nước trà cơ bản, người ta sử dụng các loại trà đen (Ô long và Earl Grey), trà xanh (trà hoa nhài) và đôi khi cả cà phê.
Sự có mặt của sữa trong món trà trân châu cũng tạo nên một dấu ấn về hương vị cho những ai đã từng uống qua thức uống này. Ở phương Tây, để phục vụ những người bị dị ứng đường sữa, người ta thay thế sữa bằng sữa đậu nành. Việc thay thế này làm món trà trở nên đặc hơn, đồng thời cũng tạo cho trà sữa một hương vị khác lạ mới mẻ.
Những viên trân châu thường được xem như "linh hồn" của món trà. Khi uống trà sữa, người ta thường phải sử dụng những chiếc ống hút loại to và cứng, để các viên trân châu có thể được hút lên dễ dàng. Viên trân châu phải có vị dai vừa phải như kẹo dẻo, trân châu cứng nghĩa là chưa được nấu kỹ, trân châu nhão nghĩa là bị nấu quá tay. Viên trân châu thường được làm từ các loại khoai ngọt, có thể có nhiều màu sắc khác nhau. Ở Việt Nam, trà sữa đôi khi còn được uống kèm với thạch, thạch dừa, bánh flan hoặc viên thủy tinh.
Nghía qua những hương vị được pha cùng với trà trân châu, ta mới thấy được sự đa dạng vô cùng của thức uống đơn giản mà quyến rũ này. Từ những hương vị trái cây như dâu, táo xanh, chanh dây, xoài, chanh, dưa hấu, nho, vải, đào, dứa... cho đến những sáng tạo độc đáo như bánh pudding, mocha, mè, hạnh nhân, gừng, hoa hồng, caramel... trà trân châu để người uống tự chế biến nên thức uống của riêng mình. Mỗi hương vị phản ánh một cách cảm nhận ẩm thực rất riêng, tạo nên sự phong phú cho cả thức uống và người thưởng thức.
Ngay từ khi mới xuất hiện, món trà trân châu này đã chiếm được nhiều cảm tình của những người đam mê ẩm thực trên thế giới. Mang trong mình sự biến hóa tài tình và hương vị quen thuộc nhưng độc đáo, trà trân châu đã trở thành một trong những món ăn uống vặt đáng nhớ của những thế hệ học trò Việt Nam hôm nay.