Câu chuyện "Làm sai chỗ nào mà bài kiểm tra chỉ được 7 điểm" và sai lầm chết người của nhiều cha mẹ khiến tự tin của con tính bằng số âm
"Chúng ta có khuynh hướng chú ý đến những sự kiện tiêu cực hơn là những sự kiện tích cực"...
Mới đây có một topic trên mạng nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Dám chắc ai trong chúng ta cũng từng một lần nghe qua, thậm chí đã trải nghiệm tình huống này.
Chuyện rằng khi chúng ta còn nhỏ, nếu đi học bị điểm 7, nhiều bố mẹ sẽ hỏi: "Con làm sai 3 câu nào? Sao mà bị trừ điểm, sai chỗ nào?" Bố mẹ quên bẵng việc khen con mình: "Con ơi, con làm giỏi lắm. Con làm được 7 câu kia rồi kìa".
Nhiều ý kiến cho rằng, thói quen này của bố mẹ gây ra nỗi sợ hãi ở con. Nó khiến con sợ việc làm sai, sợ bị thất bại và chỉ trích. Nỗi sợ đó hủy hoại cơ hội thành công của con trong tương lai, khiến con mất tự tin và cho rằng bản thân mình không có tài năng.
Chuyện "7 điểm" và câu nói bóp nát lòng tự tin của con trẻ
Là một chuyên gia Tâm lý học đường, Thạc sĩ Tô Thị Hoan bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến trên. Câu chuyện 7 điểm khiến nữ Thạc sĩ nhớ đến một hoạt động nhỏ mà bản thân từng thử nghiệm với nhiều người trước đây.
"Đó là cho mọi người xem một tờ giấy trắng có những chấm đen và hỏi họ rằng "Bạn nhìn thấy gì?". Hầu hết câu trả lời tôi nhận được là "những chấm đen trên tờ giấy" thay vì "một tờ giấy có phần lớn là màu trắng". Đây là điều rất bình thường bởi lẽ những chấm đen trên tờ giấy trắng rất nổi bật và có tính tương phản cao.
Và nếu ví những chấm đen ấy như những điểm tiêu cực của một vấn đề hay sự kiện thì con người cũng có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực", Thạc sĩ Tô Thị Hoan chia sẻ.
Nữ Thạc sĩ cho biết trong khoa học, thuật ngữ "khuynh hướng tiêu cực" (negativity bias) là có thật. Một báo cáo khoa học đăng trên tạp trí Behavioral and Brain Science của ĐH Cambridge năm 2014 đã tổng hợp rất nhiều nghiên cứu về chủ đề này. Theo các nghiên cứu khoa học thì trong một loạt các sự kiện tâm lý, mọi người có xu hướng tập trung nhiều hơn vào điều tiêu cực khi họ cố gắng hiểu thế giới.
Chúng ta có khuynh hướng chú ý đến những sự kiện tiêu cực hơn là những sự kiện tích cực, học hỏi thêm từ những kết quả và trải nghiệm tiêu cực, đưa ra quyết định dựa trên thông tin tiêu cực nhiều hơn là dữ liệu tích cực. Và trong tình huống này, nhiều bậc phụ huynh có thể cũng không nằm ngoài khuynh hướng đó.
Họ nghĩ rằng tập trung vào những lỗi sai của con và chỉ ra cho trẻ những lỗi sai đó sẽ giúp trẻ học hỏi và rút kinh nghiệm tốt hơn hay có thêm động lực để những lần sau làm tốt hơn. Đặc biệt, một số yếu tố thuộc về môi trường sống có thể củng cố thêm khuynh hướng này như cách giáo dục theo kiểu "học để thi" – khi mà điểm số được đề cao hơn cả - là một điển hình.
Tuy nhiên, khuynh hướng tiêu cực này lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của cá nhân. Nó có thể khiến người ta suy nghĩ về những giả định sai lầm, gây khó khăn cho việc duy trì một cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Ví dụ, trong tình huống này, đứa trẻ có thể cảm thấy "con không đủ tốt" hoặc lâu dần có thể hình thành niềm tin rằng "con là một người ngu dốt".
"Abraham Hicks – một diễn giả truyền cảm hứng – nói rằng "Khi bạn tập trung vào những điều tốt, điều tốt sẽ trở nên tốt hơn". Đây là một câu nói mà tôi rất thích và luôn luôn ghi nhớ ở trong đầu.
Đây không phải là một câu nói suông. Thực tế có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý học đường và tâm lý học tích cực ủng hộ cho câu nói này. Trong Tâm lý học có một khái niệm "củng cố tích cực". Khi người lớn muốn thúc đẩy những điều tích cực của trẻ con thì hãy tập trung vào những điều tích cực và củng cố chúng trước thay vì tập trung điều chỉnh những điều tiêu cực ở trẻ", Thạc sĩ Tô Thị Hoan cho hay.
Thay vì nhìn về phía 3 điểm chưa tốt, bố mẹ nên nhìn nhận 7 điểm đã đạt được của con. Bố mẹ có thể hỏi con "Hãy cho mẹ biết 7 điểm con đạt được là những gì nào?" và lắng nghe con. Hãy hỏi con "Con đã làm tốt những điều gì trong bài kiểm tra?" và hào hứng lắng nghe. Câu trả lời của con có thể là: "Con đã tập trung làm bài mà không làm việc riêng, con đã làm tốt phần trả lời các câu hỏi ở bài đọc hiểu, con đã làm tốt các bài toán có lời văn,…".
Khi đó, bố mẹ có thể thấy được những điều con làm tốt và củng cố bằng cách ghi nhận. Hãy để con nhớ rằng lần này con làm tốt thì lần sau hay lần sau nữa con cũng có thể làm được như vậy. Và để cho trẻ thấy rằng không chỉ kết quả quan trọng mà quá trình cũng quan trọng. Từ đó có thể thúc đẩy thêm tinh thần nỗ lực của trẻ và sự tự tin cho trẻ.
Sau khi tập trung những điều tích cực của con, bố mẹ vẫn có thể giúp con rút kinh nghiệm từ những sai lầm bằng cách hỏi “Có điều gì mà con thấy mình muốn làm tốt hơn?” hoặc “Nếu có thể thay đổi điều gì để tốt hơn thì đó sẽ là gì?” để con có thể tự đưa ra được những hạn chế và phương án giải quyết cho lần sau.
Phải làm sao để khuyến khích lòng tự tin cho con trẻ?
Nói về vấn đề này, Thạc sĩ Tô Thị Hoan đưa ra lời khuyên: "Trước hết, tôi muốn nói về định nghĩa "tự tin". Tự tin có nghĩa là cảm thấy chắc chắn về bản thân và khả năng của mình - không phải theo cách kiêu ngạo, mà là theo cách thực tế, an toàn. Nếu để mô tả một người tự tin thì đó sẽ là một người có một vài đặc điểm sau:
- Họ cảm thấy an toàn hơn là không an toàn trong nhiều tình huống cuộc sống.
- Họ biết rằng họ có thể dựa vào kỹ năng và sức mạnh của mình để xử lý các vấn đề trong cuộc sống.
- Họ cảm thấy sẵn sàng cho những thử thách hàng ngày như kiểm tra hay buổi biểu diễn, thuyết trình.
- Họ có xu hướng nghĩ "Tôi có thể" thay vì "Tôi không thể".
Trong cuộc sống hàng ngày, bố mẹ có thể giúp con hình thành và phát triển sự tự tin bằng cách giúp con nhận biết những điểm mạnh cũng như giới hạn của bản thân. Dưới đây là một vài gợi ý dành cho cha mẹ:
- Khuyến khích sự độc lập ở trẻ: Trao cho trẻ một số trách nhiệm trong gia đình để trẻ thực hiện (ví dụ: lau tủ kệ/bàn, hỗ trợ dọn dẹp bàn ăn, thu gom rác...), để trẻ có trách nhiệm với những thứ thuộc về mình (ví dụ: sắp xếp đồ chơi và đồ dùng học tập, sắp xếp quần áo của mình,...), tạo điều kiện cho trẻ một không gian để tự thực hiện một số hoạt động hay nhiệm vụ của mình (ví dụ: sắp xếp lại những mẩu giấy vụn hoặc tờ giấy rời của mình).
- Tạo môi trường thuận lợi và cho phép trẻ tự khám phá một cách độc lập: trẻ có thể tự làm một số các thí nghiệm hoặc tìm hiểu về môi trường xung quanh dưới sự giám sát đảm bảo an toàn của người lớn, cho trẻ thời gian và cho phép chúng tạo ra một chút hỗn độn để khám phá. Hãy ăn mừng những khám phá mới của trẻ để trẻ có cảm giác mình đã làm được một điều gì đó và có thêm động lực cho những khám phá tiếp theo.
- Sử dụng lời khen hợp lý: Không chỉ tập trung vào việc đánh giá kết quả mà hãy ghi nhận cả quá trình của trẻ. Ví dụ, thay vì "Con thật thông minh!" thì hãy nói "Bố/Mẹ nhận thấy rằng con đã dành cả buổi sáng để giải câu đố đó" hoặc đôi khi cho thêm một câu hỏi vào lời khen cũng rất hiệu quả "Bố/Mẹ nhận thấy rằng con đã dành cả buổi sáng để giải câu đố! Con có muốn làm một câu đố khác vào tuần tới không?"
Điều này giúp trẻ cảm thấy rằng chúng đã giải quyết và khám phá ra một điều bí ẩn, kỳ diệu. Từ đó, người lớn có thể khuyến khích sự tò mò và động lực khám phá của trẻ. Bên cạnh đó, việc ghi nhận này còn cho giúp trẻ nhận ra những mấu chốt quan trọng trong quá trình làm ra một sản phẩm tốt (ví dụ: sự tập trung, kiên nhẫn…).
- Đặt ra kỳ vọng phù hợp: Hãy nhớ rằng việc trẻ đạt được những kỳ vọng từ cha mẹ hoặc thầy cô giáo là rất quan trọng. Khi bố mẹ có những kỳ vọng tích cực vào trẻ thì khả năng trẻ đạt được những kỳ vọng tích cực đó là rất cao. Giống như hiệu ứng Pygmalion trong Tâm lý học vậy. Giữ kỳ vọng cao, và trẻ em sẽ cố gắng để thành công, những kỳ vọng thấp rất có thể khiến chúng không thể hiện được hết năng lực của mình. Tuy nhiên, kỳ vọng cao phải dựa trên khả năng thực tế của trẻ chứ không phải quá cao.
- Cho phép trẻ được tham gia đa dạng vào các hoạt động thể chất và tinh thần khác nhau ở những môi trường khác nhau để giúp trẻ trải nghiệm và nhận ra những giới hạn bản thân.