Câu chuyện cảm động về nữ nhà văn sống trong căn phòng 2m2
Sau trận sốt ly bì khi mới lên 5, Trần Thị Ngọc Lan trở thành cô bé tật nguyền. Thế giới quanh chị tưởng chừng như sụp đổ nhưng chính ý chí, niềm tin và nghị lực đã giúp nữ nhà văn vượt qua tất cả.
Số phận nghiệt ngã
Tôi biết chị cũng ngót chục năm trời và cũng từng ấy năm dõi theo cuộc sống, sự vươn lên, sự cố gắng không ngừng nghỉ. Mỗi lần đến thăm chị là một lần được chị tiếp thêm sức mạnh.
Nữ nhà văn Trần Thị Ngọc Lan sinh năm 1979 tại Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Miền đất chị sinh ra được mệnh danh là vùng đất nghiệt ngã khi hơn chục nóc nhà quanh gia đình chị đều có người chết trẻ. Mặc dù gia đình chị là một ngoại lệ nhưng số phận thật trớ trêu, khi chị lên 5 tuổi, sau một trận sốt chị bị liệt nửa người. Anh trai thì bị tâm thần phân liệt lấy việc chửi mắng người thân, đập phá đồ đạc làm niềm vui. Chị gái sắp trở thành một cô giáo thì bị căn bệnh ung thư quái ác cướp đi mạng sống.
Tuổi thơ của chị Ngọc Lan là những tháng ngày cùng cực.
Mỗi lần khi gợi lại những chuyện đau lòng ngày xưa, nước mắt chị lại trào ra. Dường như với chị, gia đình đã chạm đáy sự cùng cực của cuộc sống này. Hơn ai hết chị phải sống, phải chiến đấu và gieo vào mình những khúc nhạc vui mặc cho số phận nhảy múa…
Chị kể: “Sau trận sốt ấy, đến giờ tay phải và chân phải cũng không thể cử động được nữa, nhưng sống được đến ngày hôm nay là một niềm hạnh phúc lớn lao”.
Góc làm việc không thể chật chội hơn.
Ngày chị lên 8 - 9 tuổi, nhìn những đứa bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường mà lòng đầy nghẹn ngào, niềm khao khát được đến trường như các bạn ngày càng lớn dần. Và rồi chị quyết định tập tễnh những bước đi cho mình bằng cách vịn vào những cây nứa quanh vách nhà. Rồi niềm khát khao tìm đến với chữ nghĩa cũng thành hiện thực khi hàng ngày được ngồi trên lưng bạn bè đến trường.
Viết thư cho bộ trưởng xin thi đại học
Suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường chị đều học rất giỏi, đặc biệt thầy cô ai cũng để ý đến sức cảm thụ văn của chị. Chẳng thế mà những năm học lớp 6, lớp 7 chị đã có rất nhiều bài thơ, tạp văn được đăng trên các báo, tạp chí lớn.
Tay phải không cử động được nên tất cả công việc từ viết lách, biên tập, sinh hoạt hàng ngày của chị đều nhờ vào bàn tay trái.
Có lẽ đánh dấu cho thành quả đầu tiên của nữ nhà văn đầy nghị lực là khi chị khi cho ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên "Ánh sao rơi", thành quả sau 15 ngày ngồi miệt mài trên bàn viết.
Gia tài là chồng sách xếp đầu giường.
Năm 1999, khi học xong cấp 3, chị làm đơn dự thi vào trường Viết văn Nguyễn Du, nhưng rồi người ta trả lời với chị rằng: Không tuyển sinh người tàn tật. Chị thất vọng ra về. Nhưng rồi một tia hy vọng nhỏ nhoi vẫn còn, chị bèn viết thư gửi ông Nguyễn Minh Hiển (nguyên Bộ trưởng bộ Giáo dục), trong thư có đoạn: “Tôi là người có năng khiếu văn chương, đã có tác phẩm được xuất bản và trên hết tôi muốn là người có tri thức, sống có ích cho xã hội. Đề nghị ông cho tôi được dự thi đại học để tôi có thể thành công dân tốt, có ích cho xã hội và để bản thân tôi, gia đình tôi đỡ thiệt thòi.” Và chị đã được toại nguyện...
“Và con tim đã vui trở lại”
Sau khi học xong, chị được nhận làm Biên tập viên NXB Văn học, với chị đó cũng là môi trường để giúp chị tiếp tục theo đuổi văn chương.
Trong những câu chuyện ấy, tôi nhận ra một điều rằng với chị văn chương là nguồn sống, là động lực và ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh cho chị. Cách đây 4 năm, chị từng thuê một căn phòng chừng 5 mét vuông tại ngõ chợ Châu Long, chật hẹp, ẩm thấp và dường như chẳng có lối chen chân mỗi khi chúng tôi đến thăm. Vào một ngày cuối năm 2010 chị gọi điện nhờ chúng tôi chuyển phòng, tưởng chừng sẽ chuyển về một nơi nào đó rộng rãi hơn, thoáng hơn nhưng khi chuyển đồ đến tôi không khỏi ngạc nhiên khi căn phòng của chị ở chỉ rộng gần 2 mét vuông, nói đúng hơn đó là một góc thừa của căn nhà 5 tầng.
"Căn phòng" nhìn từ ngoài vào...
... nó chỉ đủ kê 1 chiếc giường đơn và 1 chiếc ghế cho khách ngồi.
Dù mọi người ngăn cản nhưng chị vẫn nhất quyết ở căn phòng ấy, lúc chuyển đến mất hơn 1 ngày trời chúng tôi mới sắp xếp đồ đạc tạm ổn cho chị. Có lẽ vật dụng bất di bất dịch với chị là những cuốn sách và chiếc máy tính cũ kỹ nên bao giờ cũng được chị đặt ở nơi cao ráo nhất. Căn phòng chật đến mức chỉ đủ để chị ngồi trên chiếc giường nhỏ và 1 chiếc ghế dành cho khách.
Đồ đạc treo mọi nơi có thể.
Vòi nước được bà chủ mới lắp cạnh đầu giường.
Có lẽ chị khát người, khát được trò chuyện, khát được chia sẻ về cuộc sống bởi mỗi lần đến thăm chị là chị vui cả ngày khôn xiết. Chị khoe: “Dạo này công việc khá bận nhưng bù lại thu nhập cao hơn trước chút xíu. Và quan trọng nhất là anh trai ở quê đã đỡ bệnh tâm thần và đang đòi lấy vợ”.
"Kết hôn chỉ là một tờ giấy hôn thú".
Mỗi khi nhi nhắc đến chuyện lập gia đình, nữ nhà văn chỉ nở nụ cười: “Chị đã nói bao lần rồi, chị chỉ cần nghĩ đến người đó thôi, người đó luôn ở trong tim mình thôi cũng đủ hạnh phúc lắm rồi em ơi. Với chị kết hôn chỉ là một tờ giấy hôn thú”.
Dù bao lần tôi có dò hỏi về “người trong mộng” nhưng chị nhất định không tiết lộ, chị chỉ cười trừ. Nhưng đằng sau nụ cười ấy tôi biết chị luôn khát khao được làm mẹ, khát khao được làm vợ được có người song hành suốt quãng đời còn lại…
Nữ nhà văn Trần Thị Ngọc Lan Thành tích sáng tác: Ánh sao rơi – tiểu thuyết - 1996; Trăng rằm – thơ – 1996; Sao nỡ chia đôi – tiểu thuyết 1997; Nỗi buồn cho em – thơ – 1999; Bến đợi – tập truyện ngắn – 2000; Có vơi niềm đau – tiểu thuyết - 2001; Mắt đá – thơ - 2001; Phu bòn – tiểu thuyết – 2003; Liên quan gì đến tôi – thơ – 2005; Mẹ trần gian – tập truyện ngắn 2008; Gương mặt con người – Truyện ngắn 2010. Giải thưởng văn chương: Hội văn nghệ Thanh Hóa (1997); Báo tuổi trẻ sống đẹp (1998); Đài tiếng nói Việt Nam (1998); Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (1999); Nhà xuất bản Kim Đồng (2001). |