Cậu bé 4 tuổi nằm co ro ở vỉa hè Hàng Bông và lời kêu gọi của cha nhờ cộng đồng mạng tìm người nuôi
Thời tiết Hà Nội mấy ngày gần đây mưa nắng thất thường, nhưng chiều nào đi qua số nhà 218 Hàng Bông (Hà Nội), người ta đều bắt gặp cảnh một em nhỏ nằm ngủ co ro ở vỉa hè.
Người bố vắt kiệt sức vẫn không đủ tiền nuôi con, rao tin nhờ người giúp đỡ
Thời tiết Hà Nội mấy ngày gần đây mưa nắng thất thường, thế nhưng vào bất cứ buổi chiều nào trong tuần, những người có việc đi qua số nhà 218 Hàng Bông (Hà Nội) đều bắt gặp cảnh một em nhỏ nằm ngủ trong cảnh màn trời, chiếu đất.
Hình ảnh em bé được nhiều người chia sẻ
Em có gương mặt khá dễ thương với đôi mắt to, tròn nhưng thân mình thì lúc nào cũng lấm lem, chân tay đen nhẻm vì chạy nắng suốt ngày. Nhiều người không biết, lầm tưởng em là trẻ lang thang, cơ nhỡ. Thế nhưng sự thực là bố em làm nghề lái xe ôm kiếm sống. Mỗi lúc chở khách, ông đều để lại em một mình, nhờ người dân xung quanh đó chăm nom giúp. Có hôm, ông đi làm tới 12h đêm mới quay lại và em vẫn phải kiên trì đợi.
Bé Đạt rất nghe lời và thân thiết với những người dân sống quanh phố Hàng Bông.
Cậu bé rất kháu khỉnh và thông minh.
Theo bà Hương, nhờ có hàng xóm nên Đạt không thiếu ăn, thiếu mặc mà chỉ khổ vì hay phải lang thang ngoài đường và không được đi học mẫu giáo.
"Tôi năm nay đã hơn 60 tuổi rồi, sức khỏe yếu mà không có nghề nghiệp, thu nhập thấp nên không đủ sức nuôi con", ông Trần Văn Bờm (cha của cậu bé) tâm sự.
Nghĩ đến điều này, đôi mắt ông trầm tư và nhìn ra xa, giọng nói buồn rầu. 4 năm trước, ông gặp mẹ em, một phụ nữ đã từng có 4 người con với 4 người đàn ông khác nhau. Mới đây, mẹ em đã bỏ đi. Một mình ông làm thân "gà trống nuôi con". Đứa bé, được ông đặt một cái tên thật hay là Trần Quốc Đạt, đến nay vẫn chưa được khai sinh.
Bố Đạt năm nay đã ngoài 60 tuổi, làm nghề chạy xe ôm nhưng thu nhập không đáng là bao.
"Ngày mẹ nó chuyển dạ, tôi nghèo quá, không đủ tiền thanh toán viện phí làm giấy chứng sinh. Tôi gặp mẹ nó, có con nhưng cũng không đăng ký kết hôn", ông Bờm nói thêm.
Theo lời ông, nhiều năm nay, ông đều "cắm chốt" ở vỉa hè Hàng Bông, đoạn giao cắt với phố Điện Biên Phủ. Trước đây, ông chỉ chạy xe ôm buổi tối nhưng khoảng vài tháng nay, từ chiều cho đến đêm, ông đều có mặt tại đây. Khi vãn khách, ông dẫn con về căn nhà trọ trên quận Tây Hồ ngủ và ngày hôm sau, guồng quay công việc lại bắt đầu.
Bé Đạt quấn quýt với hàng xóm còn hơn cả bố mình.
Số tiền ông Bờm kiếm được chỉ đủ lo phí thuê nhà, xăng xe. Chuyện ăn, mặc của Đạt cũng phải nhờ người dân ở phố Hàng Bông phụ thêm. Nghĩ đến chuyện Đạt sắp đến tuổi đi học, ông hiểu là mình không đủ khả năng chăm sóc cho con trai. "Vì thế tôi có nói chuyện với mấy người dân ở đây, nhờ họ đăng lên mạng xem có ai muốn nhận nuôi thằng bé thì đến tìm", ông nói thêm.
Dân mạng ra sức kêu gọi giúp đỡ người cha phát đi lời cầu cứu
Theo lời bà Hương (một người dân sống gần số nhà 218 Hàng Bông), từ khi cậu bé còn rất nhỏ, bà đã thấy cả gia đình Đạt lang thang kiếm sống ở khu vực này. "Tôi thấy mẹ cháu chỉ mới bỏ đi từ hồi tháng 5 năm nay thôi, trước đó vẫn dẫn theo con đi xin ăn và bố cháu làm nghề chạy xe ôm ban đêm".
Theo lời bà Hương, ông Bờm là người ở phường Quảng An, từng có một đời vợ và con trai, con gái nay đã lớn và lập gia đình. "Tôi nghe nói vợ cũ của ông ấy bỏ đi rồi nhưng hồi Tết âm lịch, tôi vẫn thấy chị đó đến đánh ghen với mẹ Đạt, đòi chia nhà cửa".
Sau khi thông tin về hoàn cảnh của hai cha con được người dân phố Hàng Bông chia sẻ, rất nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến giúp đỡ.
Họ mua bánh, bim bim, sữa và quần áo...
... Đến trao tận tay cho em.
Bà Hương nói rằng mình cũng không hiểu hết chuyện gia đình của ông Bờm, chỉ thấy người đàn ông này tâm trí không bình thường và không biết chăm sóc con. Trước đây, ông còn thường xuyên say xỉn, không chăm lo cho con khiến bé luôn nhếch nhác, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm.
Bà Dung (một người hàng xóm khác) cũng cho rằng, bé Đạt được như bây giờ là nhờ công chăm sóc rất lớn của hàng xóm bên cạnh cũng như các nhà hảo tâm. Mỗi lúc Đạt đói bụng, mọi người thường đem cho em bánh kẹo và sữa, mua quần áo, giày dép thậm chí còn tắm gội cho em. Khi ông Bờm chạy xe về khuya, bà Hương cũng là người trực tiếp chăm nom cậu bé, không để em đi lại lung tung.
Mới đây, sau khi thấy ông Bờm đánh tiếng muốn tìm người nhận nuôi Đạt, một người hàng xóm tốt bụng đã nhờ người đăng tin lên mạng xã hội. Không ngờ, tin vừa đăng lên, rất nhiều người tìm đến thăm em, mang cho em rất nhiều quà bánh, quần áo.
Những người hàng xóm phải đến tận nơi nhắc mọi người không nên cho tiền vì sợ bố em lại tiêu phung phí.
Theo bà Dung, bà Mai, những người dân sống tại phố Hàng Bông, từ trước đến nay, bé Đạt vẫn luôn được rất nhiều người quan tâm, chăm sóc.
Dù chỉ đọc tin trên mạng và tìm đến, nhưng rất nhiều người trẻ cũng không cầm nổi nước mắt khi đến thăm Đạt.
"Chúng tôi phải dặn là mọi người đừng đem cho tiền vì bố bé nếu có nhiều tiền sợ cũng không biết giữ gìn mà lại uống rượu say xỉn", bà Hương tâm sự. Tất cả bánh kẹo cộng đồng mạng đem cho, bà Hương đều giữ lại, để cho bé ăn dần vì bà không tin ông Bờm sẽ biết cách chăm con.
Chị Hà (làm việc tại một khách sạn ở Hà Nội) tâm sự: "Tôi đọc trên mạng, biết hoàn cảnh bé rất đặc biệt nên mua quà bánh đến thăm. Nghe bố cháu kể về hoàn cảnh của bé thì không khỏi xúc động". Giống như chị Hà, rất nhiều cư dân mạng sau khi biết tin đều tìm đến thăm nom, tặng quà cho Đạt và hứa sẽ tìm trung tâm tốt hoặc người tin cậy nhận nuôi em, làm giấy khai sinh để em được đi học.
Niềm mong đợi của tất cả mọi người là Đạt có thể được khai sinh và đi học như bao bạn bè đồng trang lứa.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Hà (cảnh sát khu vực phường Hàng Bông) cho biết, ông Đạt không phải là cư dân trong phường. "Vì thế nên mới đây, chúng tôi cũng vừa nhận được phản ánh của người dân. Ngay sau khi biết tin, chính quyền đã xuống động viên ông Bờm đưa con đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ cơ nhỡ hoặc tìm chỗ gửi con, tránh để cậu bé lang thang ngoài đường".
Ông Hà cũng cho hay, chính quyền phường sẽ quan tâm sát sao, nếu thấy bé Đạt vẫn còn ngủ vạ vật ngoài đường, nhất định cơ quan chức năng này sẽ tìm cách giải quyết.