Chống chọi với bệnh tật đã khiến chàng trai 15 tuổi mang hình hài của một cậu bé con thế này
Đổ hết nhà cửa, ruộng vườn vào những viên thuốc chữa bệnh, vợ chồng chị Bích giờ đã bất lực khi chứng kiến bụng con trai đáng thương ngày một phình to khi cùng lúc con bị suy thận, tiểu đường và thiếu máu nặng.
Hai tuần nay, hành lang bệnh viện Nhi Đồng 1 (Q.10, TP.HCM) trở thành nơi ngả lưng bất đắc dĩ của người mẹ Cao Thị Bích (47 tuổi, quê Hậu Giang). Mỗi đêm chị nằm đó, khép đôi mắt hờ mỏi mệt, chờ đợi tiếng rên la đau đớn từ đứa con trai Lý Văn Bé vang lên bất ngờ, rồi lật đật chạy vào ôm con sang phòng cấp cứu. Đứa con bất hạnh của chị lúc mới lọt lòng đã trót phiêu linh cùng bệnh tật, khi sớm mang trong mình một cặp lá lách sưng phù.
Chị Bích với cặp mắt mỏi mệt vì những ngày qua phải trắng đêm cùng đứa con trai.
Kể từ đó, vợ chồng chị Bích đã quen dần việc rong ruổi ngược xuôi khắp các tuyến bệnh viện từ Long Mỹ, Vị Thanh qua đến tận Cần Thơ. Đánh đổi bằng chuỗi ngày mệt nhọc này, mười lăm công ruộng khô cằn sỏi đá quê nhà không cánh mà bay. Hi vọng nhen nhóm lên khi các bác sĩ lá lách của Bé sẽ được chữa trị bằng một ca mổ. Nhưng trớ trêu thay, khi lá lách vừa lành cũng là lúc cơ thể em biến chứng sang những căn bệnh khác: Suy thận, tiểu đường và thiếu máu nặng.
Hai cánh tay gầy trơ xương khép chặt vào thân hình nhỏ thó. Có ai ngờ trong khuôn người bé bỏng chỉ như một đứa trẻ mẫu giáo ấy là một chàng trai vừa bước qua tuổi 15.
Lý Văn Bé mang trong mình rất nhiều chứng bệnh, khiến cơ thể bị tàn phá nặng nề.
Gia sản quê nhà đã bán hết, không còn cách nào khác, hai vợ chồng người nông dân nghèo dắt díu 4 đứa con trai lang bạt qua Rạch Giá (Kiên Giang), mướn một căn trọ tồi tàn tìm kế mưu sinh. Hằng ngày, chị Bích mang vài bó rau dại ra chợ bán, còn anh Lý Quốc Nam chồng chị rảo xe đi mua ve chai. Cả hai chỉ trở về nhà khi tối mịt, nhưng số tiền kiếm được hàng tháng không vượt nổi con số hai triệu đồng. Thấy cha mẹ quá khổ cực vì mình, nén cơn đau đang cào xé cơ thể, Lý Văn Bé kiếm một chiếc giỏ nhỏ, ngày ngày lết tấm thân tàn đi bán từng tờ vé số. Những tấm giấy may rủi ấp ủ tất cả nỗi niềm về một ngày được trở về cuộc sống của một con người lành lặn.
Vậy mà mấy tháng trở lại đây, bệnh tình Văn Bé trở nặng. Hậu quả của cơn suy thận kéo dài là việc chiếc bụng ngày một phình to. Cậu cũng bị chuẩn đoán mắc thêm chứng viêm tai giữa, nếu không mổ gấp, mọi thứ khó mà lường được. Chống chịu liên tiếp hết bất hạnh này đến bất hạnh khác, có lúc quá tức tưởi, Bé gào lên trong tuyệt vọng, oán trách cha mẹ sinh mình ra không toàn vẹn như người ta. Nuốt hết nước mắt, hai vợ chồng chị Bích vét cạn gia tài nhưng chỉ gom góp được 500 ngàn đồng. Mang theo khoản tiền ít ỏi và tấm lòng thương con dạt dào, chị Bích bấm bụng gởi đứa con út 4 tuổi về quê ngoại, bắt xe lên Sài Gòn tìm nguồn sống cho người con thứ ba.
Tám mươi ngàn đồng là số tiền ăn mỗi ngày chị Bích phải đóng cho con. Phần mình, chị chọn cách lót dạ bằng những suất cơm từ thiện khô khốc. Không có điều kiện thuê một chiếc giường đơn, người đàn bà đành ra hành lang ngủ, để con được nằm chung với những đứa trẻ khác. Gương mặt xanh xao, tiều tuỵ của chị Bích lại càng xám xịt khi chỉ vào những vết hằn từ đôi tay dày đặc vết kim tiêm của Bé. Chị bảo, mỗi ngày con trai bị chích đến 5-6 lần vào tay và bụng, da thịt cũng vì thế mà chai sần.
Mặc cảm bệnh tật, Lý Văn Bé luôn trong trạng thái buồn bã, ít nói và mỏi mệt.
Có lẽ tủi cho thân phận của mình, Lý Văn Bé rất ít nói, ai hỏi gì cũng chỉ gật hoặc lắc đầu. Điều duy nhất cậu chịu mở lời là khi nói về ước mơ. Bé luôn ấp ủ trong lòng việc trở thành một diễn viên điện ảnh, vì với cậu chỉ trong phim mới có điều kỳ diệu. Những lời của con như vết dao cứa chặt vào lòng người mẹ hiền, chị Bích nấc nghẹn, giọt ngắn giọt dài. Hỏi có dự tính gì trong tương lai không, người mẹ nói như mất hồn: “Giờ còn biết tính gì nữa, đất đã bán hết rồi, hai vợ chồng cũng đâu còn trẻ để lo cho con hoài. Được đến đâu thì hay đến đó mà thôi”.
Người mẹ nghèo giờ đã thực sự tuyệt vọng...
Bóng hai mẹ con chị Bích khuất dần sau những bậc thang, văng vẳng đằng sau là tiếng thúc giục của cô hộ lý: “Lên phòng cho thằng nhóc ăn liền đi, để nó đói là đường huyết hạ nhanh lắm”. Đêm nay người đàn bà ấy lại ngủ ngoài hành lang trông con, tiếp tục đợi chờ một điều gì đó xa tầm với.
Mọi sự giúp đỡ của độc giả tới hoàn cảnh của hai mẹ con Lý Văn Bé xin gửi đến Phòng Công tác xã hội bệnh viện Nhi Đồng 1 (số 341 Sư Vạn Hạnh, P.10, Q.10, TP.Hồ Chí Minh). Hoặc đến gặp trực tiếp nhân vật tại Khoa Thận, lầu 2, phòng bệnh 219. SĐT gia đình: 0120 363 7889 |