Cặp vợ chồng 9X Đắk Lắk rong ruổi xuyên Việt trên ngôi nhà di động trải nghiệm "cái Tết xê dịch" đầu tiên: Mỗi ngày có đến 24 giờ bên nhau thì làm thế nào để hạnh phúc?
Dù đây không phải là chuyến đi đầu tiên của họ rong ruổi đi, ăn, ở trên ngôi nhà di động của mình. Nhưng đây lại là lần đầu tiên trải nghiệm "Tết xê dịch" của một gia đình Đắk Lắk.
Cặp vợ chồng mua ô tô cũ về làm thành ngôi nhà di động rồi chở con đi du lịch khắp Việt Nam
Vợ chồng trẻ Nguyễn Hà My (28 tuổi) và Doãn Nguyễn Duy Tân (29 tuổi) nổi lên trên MXH vì là một gia đình yêu thích mobihome. 2 vợ chồng quyết định mua một chiếc ô tô cũ rồi cải tạo thành ngôi nhà di động và thế là cả nhà lên xe là bắt đầu chuyến hành trình mà không lo đặt phòng hay đặt vé máy bay, ô tô như những gia đình khác.
8 tháng tuổi cậu bé Kin đã bắt đầu hành trình cùng cha mẹ như thế. Không chỉ đó là niềm hạnh phúc của người lớn mà cha mẹ cậu bé cũng cảm thấy vui khi con được gần gũi thiên nhiên và được đi biết đó biết đây từ rất sớm.
Vợ chồng Hà My từng làm công việc ở Sài Gòn với tổng thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng, nhưng sở thích ngao du và được trải nghiệm cuộc sống cũng như làm những gì mình thích khiến cả 2 quyết định rời bức tường công sở và đến gần hơn với thiên nhiên bằng cách quay về quê Đắk Lắk sinh sống, tự làm, tự ăn, tự hưởng.
“Sau khi tích cóp được khoảng 200 triệu, mình “xui” chồng bỏ phố về quê. Rời Sài Gòn về Buôn Hồ, hai vợ chồng bắt tay vào xây ngôi nhà nhỏ khoảng 30m2 gồm một góc bếp nho nhỏ, 1 phòng tắm và 1 phòng ngủ với chi phí khoảng 100 triệu đồng. Xung quanh nhà mình thiết kế vườn rau trái đủ loại. Một phần cung cấp cho gia đình, phần dư thừa có thể bán. Mình chọn cuộc sống đơn giản, gần gũi thiên nhiên, không quá bon chen", Hà My nói.
Hiện tại, có một ngôi nhà nhỏ ấm cúng và một khu vườn xanh, có những bạn chó mèo xinh xắn, thức dậy với tiếng chim hót chính là cuộc sống mà cặp vợ chồng này đã tưởng tượng ra khi nghĩ về hạnh phúc trước đó. Họ biết họ đã đi đúng "lộ trình".
Và nếu chỉ sống như vậy cũng là đủ, nhưng để nhiều hơn những trải nghiệm và làm giàu hơn cho kho kỷ niệm của mình họ vẫn quyết định tiếp tục xê dịch. Công việc tự do, con còn nhỏ (chưa đi học) là điều kiện lý tưởng để họ làm điều này. Và thế là cả 2 vợ chồng quyết định mua chiếc xe cũ, cải tạo thành chiếc mobihome đầy đủ tiện ích cho việc ăn, ở, sinh hoạt khi xách nhau ra ngoài.
Ngoài chăm vườn rau nhỏ, vợ chồng My cũng phụ ba má chăm sóc cho một hecta vườn trồng cây ăn quả lâu năm, với chủ yếu là bơ, măng cụt, sầu riêng. Và My giúp ba mẹ bán nông sản qua việc bán hàng online.
Những chuyến phượt trên chiếc mobihome
Ngoài "máu xê dịch" có sẵn trong người, thì lý do họ bắt đầu những hành trình xuyên Việt là do muốn con được trải nghiệm thế giới bên ngoài, học các kĩ năng sống và có một tuổi thơ đáng nhớ, trước khi đến tuổi đi học.
Chị My cho biết, ưu thế sử dụng nhà di động là sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí khi đi du lịch. Chị sẽ không mất tiền ở khách sạn, không cần lo chỗ ăn uống vì có thể nấu trực tiếp trên xe. Chi phí chủ yếu sẽ dùng cho đổ xăng và cung cấp thực phẩm hàng ngày và vợ chồng My vẫn tiếp tục bán hàng online trong hành trình, ngoài ra cả 2 vợ chồng cũng có kênh youtube nên mỗi chuyến đi cũng là chất liệu để họ sáng tạo nội dung. Mọi cuộc trải nghiệm trên những cung đường, trên mọi vùng miền nhưng họ không xa rời cuộc sống, không chỉ tiêu tiền mà vẫn có thể kiếm tiền, dù ngay cả số tiền chưa thật lớn.
Trong hành trình của mình My cũng biết tận dụng những gì ngoài thiên nhiên như thu hoạch nông sản trên đường làm lương thực, cũng như cô có nội dung thú vị cho kênh youtube của mình. My cũng không ngại tắm suối vừa là 1 trải nghiệm, vừa tiết kiệm nước cho hành trình. Vì thế, là trải nghiệm nhưng chuyến đi cũng không hề tách rời cuộc sống và công việc.
Đến bây giờ, sau vài chuyến đi cả dài và ngắn, kho kỷ niệm của họ càng đầy lên, sự hiểu biết và khả năng sinh tồn của họ cũng tốt hơn trước rất nhiều. Điều đó, không thể phủ nhận rằng vợ chồng họ cần sự tâm đầu ý hợp, cần cùng đam mê, sở thích và biết sắp xếp hợp lý cho 1 cuộc sống nhiều hơn sự di chuyển.
Cái Tết xê dịch đầu tiên ở miền núi phía Bắc
Ngày 9/12/2021, cặp vợ chồng này quyết định cùng con trai hơn 2 tuổi thực hiện chuyến xuyên Việt lần 2, chinh phục các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Từ năm ngoái họ đã có dự định sẽ ăn Tết ở Tây Bắc, nhưng do dịch bệnh nên cả gia đình thay đổi kế hoạch về nhà sớm. Và năm nay là năm đầu tiên họ đã thực hiện được trải nghiệm tuyệt vời này như 1 cái Tết đầy trải nghiệm thú vị: "Có chút nhớ, chút nôn nao vào chiều cuối năm nhưng mình cũng rất háo hức khi được trải nghiệm phong tục ăn Tết của bà con dân tộc vùng cao. Tết cổ truyền, sum họp đầm ấm rất tuyệt, nhưng đôi lúc thử 1 cái Tết xê dịch cũng rất tuyệt".
Khác với những chuyến đi trước những nơi đi qua họ chỉ ở lại cùng lắm là 2-3 ngày. Nhưng lần này gia đình My đi theo chiều sâu hơn, có thể ở 1 tuần hoặc nửa tháng tại 1 điểm để khám phá sâu về nơi đó.
Chuyến đi này gia đình nhà cậu bé Kin có dừng chân tại Gia Lai, Đà Nẵng, tập trung khám phá Tây Bắc, ở Y Tý 20 ngày, ăn Tết tại Hà Giang.
Hà My đã mua một vài chiếc bánh chưng, mứt hoa quả để đón giao thừa ngay trên ngôi nhà di động. Ngày mùng 1, mùng 2 Tết, gia đình Hà My vào các bản làng và cùng nhau trải nghiệm văn hóa ăn Tết của bà con địa phương.
Du lịch bằng hình thức mobihome đã mang đến cho cô những kỷ niệm đáng nhớ mà đến già cô cũng không thể quên được. Đó có thể là 1 quãng kỷ niệm đẹp đẽ của cả gia đình. Có nhiều người cứ nghĩ rằng du lịch bằng mobihome không an toàn và có thể gặp nguy hiểm khi xe dừng tại nơi vắng người, có thể gặp trộm cướp... Nhưng thực tế thì nó không quá nguy hiểm như mọi người nghĩ, cách của vợ chồng My là tìm 1 chỗ an toàn để trú qua đêm.
My cho rằng khi còn trẻ còn sức khỏe thì khám phá trải nghiệm nhiều đi. Với gia đình có suy nghĩ và lối sống không giống nhiều người, My không cố gắng tích góp tiền khi tuổi trẻ mà tích lũy trải nghiệm bởi "tiền nhiều hay ít không quan trọng, đủ là được".
Nhiều người cũng cho rằng là khó khi làm bạn đồng hành của nhau như thế này họ có đến 24h ở gần nhau, đặc biệt trong chuyến đi phát sinh nhiều tình huống gây ra bất đồng quan điểm thì làm thế nào? Bí quyết của cặp vợ chồng này lại vô cùng đơn giản, tức là khi một trong hai biết lắng nghe hạ cái tôi xuống mọi thứ sẽ ổn. Gia đình cô đã thực hiện cách này và hiệu quả.
Nhiều gia đình thường phàn nàn rằng vợ chồng phải ở với nhau chỉ là do kiếp trước nợ nhau, rằng thời gian gặp gỡ nên ít thôi chứ không cãi nhau suốt ngày. Ấy thế mà cặp vợ chồng này ở cạnh nhau 24/24, trên đường đi còn phát sinh bao nhiêu tình huống khó xử nhưng mọi chuyện vẫn êm đẹp.
Sống đơn giản từ lối sống đến cách suy nghĩ và không làm kịch tính hóa vấn đề. Bí quyết chỉ đơn giản là nhường nhau, "hạ cái tôi" thấp xuống và cuối cùng họ có thể đi cùng trời cuối đất, 24 giờ ở bên nhau mà không sợ bất cứ thứ gì.
My không mấy khi khoe cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng ai cũng nhìn thấy điều đó. Người trong cuộc thì coi rằng đó là chuyện bình thường của cuộc sống, có lẽ vì với họ tình yêu giản dị như thế.
Vợ tung tăng đi lấy rong biển, đào củ sâm lúc dừng chân tại 1 nơi tuyệt đẹp nào đó, đằng sau là ống kính của ông chồng hướng về phía vợ bằng tình yêu, bằng sự cảm phục, bằng góc nhìn của người đồng hành, 1 nhiếp ảnh gia và thế là... yên ổn.
Với nhiều cô vợ hạnh phúc là chồng chiều, là món quà bất ngờ, là vật chất đầy đủ, nhưng vợ chồng phải xa nhau ra 1 chút. Với cặp vợ chồng này hạnh phúc là bên nhau và trải nghiệm.
Họ sống chung cùng những bất đồng và giải quyết nó bằng mắt nhìn của đối phương. Một cái Tết xê dịch, những chuyến đi đã mang đến cho họ 1 ngày qua đi là 1 ngày đáng sống. Làm vợ, làm chồng, làm bạn đồng hành có thấu hiểu, có sự thông cảm là hạnh phúc.