Cấp cứu bé 3 tuổi tím tái khắp người, thở có tiếng kèn kêu

MT,
Chia sẻ

Các bác sĩ Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa nội soi phế quản gắp thành công phần còi của chiếc kèn đồ chơi trong phế quản bé trai Nguyễn. M.Q (3 tuổi , Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo người nhà bệnh nhân, sự cố xảy ra tối ngày 26/2, khi bé M.Q lấy chiếc kèn nhựa đồ chơi ngậm thổi thì bị ho sặc sụa. Sau tai nạn, bé thở rít, tím tái, kèm theo khí thở có tiếng kèn kêu, bé được người nhà vội đưa đến bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội) khám. Tại đây, qua chụp CT phổi các bác sĩ nghi ngờ dị vật nằm ở phế quản gốc trái của bé M.Q, tối cùng ngày bé được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản lấy dị vật ra khỏi đường thở của bé chiều ngày 28/2.

Bị hóc dị vật do nuốt còi đồ chơi, bé 3 tuổi tím tái khắp người - Ảnh 1.

Chiếc còi nhựa nằm trong phế quản của bệnh nhi được bác sĩ nội soi lấy ra.

Sau khoảng 30 phút làm thủ thuật, ThS Phùng Đăng Việt cùng kíp nội soi đã lấy được dị vật là phần còi của chiếc kèn đồ chơi dài 1,5 cm nằm trong phế quản gốc trái của bé M.Q.

Rất may, phần còi của chiếc kèn nhựa được lấy ra kịp thời nên không nguy hại đến tính mạng của bé. Hiện sức khỏe bé M.Q đã ổn định và sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.

Kèn đồ chơi là vật thường xuyên xuất hiện trong đồ chơi trẻ em, nhất là những đồ chơi nhựa hoặc cao su có xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài việc những sản phẩm nhựa này có tính chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ thì nguy cơ trẻ nuốt, sặc những vật thể lạ, nhỏ là rất cao.

BSCK II. Lê Thanh Chương – Trưởng Khoa Hồi sức hô hấp – Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và xử trí khoảng 50 trường hợp dị vật đường thở. Dị vật thường là hạt thực vật (lạc, na, hướng dương, ngô…) hoặc đồ chơi (hạt vòng, đèn nhỏ, còi nhỏ, lò xo…). Đặc biệt, một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim, kim băng… đe dọa thủng đường thở gây nguy hiểm đến tính mạng. Tai biến y khoa có thể gặp gây dị vật đường thở là các thủ thuật nha khoa như nhổ răng, diệt tủy răng làm răng hoặc kim diệt tủy rơi vào đường thở khi trẻ không hợp tác".

Cũng theo bác sĩ Lê Thanh Chương, mọi lứa tuổi đều có thể bị dị vật đường thở, hay gặp nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Sặc dị vật có thể gây tử vọng ngay do bít tắc đường thở hoặc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như suy hô hấp, ho máu, tràn khí, viêm phổi tái diễn… Khi bị sặc dị vật, trẻ cần được sơ cứu kịp thời, đúng cách và được đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Nội soi phế quản là chỉ định bắt buộc để chẩn đoán và lấy dị vật.

Chia sẻ