Cảnh báo: Trò lừa lấy cắp hàng trăm ngàn từ các cuộc gọi lỡ

Theo Xzon,
Chia sẻ

Thời gian gần đây, nhiều người sử dụng điện thoại bị nháy máy từ các đầu số lạ và mỗi khi gọi lại, hàng trăm nghìn đồng trong điện thoại của chủ thuê bao đã 'không cánh mà bay'.

Nháy máy cũng mất hàng trăm nghìn

Chị Nguyễn Thị Lý (40 tuổi, công tác tại một công ty bất động sản tại Hà Nội) phản ánh: "Mấy ngày gần đây tôi liên tục bị số +881847582xxx nháy máy. Tôi tưởng khách hàng của tôi gọi nhỡ, nên tôi gửi tin nhắn hỏi là ai, nhưng tin nhắn không gửi được, tôi đành bấm máy gọi lại.

Hơn 10 năm nay tôi chỉ sử dụng một số điện thoại, ít khi tải nhạc, games nên điện thoại của tôi ít bị tin nhắn rác quấy nhiễu. Vì vậy, phần lớn các cuộc gọi đến và đi là số của đối tác, bạn bè gia đình, vậy nên khi có cuộc nhỡ, tôi phải gọi lại ngay. Tuy nhiên, khi gọi vào đầu số cuộc nhỡ trên, lúc thì tôi thấy có tín hiệu đổ chuông, lần khác tôi còn nghe cả nhạc chuông giao hưởng nhưng không có ai trả lời, hoặc chỉ có tổng đài trả lời tự động.

Tháng 9 vừa rồi, khi nhà mạng báo cước, tôi giật mình khi mất tới 500.000 đồng cho các số mà tôi gọi không được nêu trên. Tôi khiếu nại lên trung tâm chăm sóc khách hàng và được giải đáp rằng đó là những dải số không thuộc bất kỳ quản lý ở quốc gia nào. Trung tâm này nói rằng, tôi đã bị tin tặc lừa và không thể truy thu số tiền bị mất".

Cảnh báo: Trò lừa lấy cắp hàng trăm ngàn từ các cuộc gọi lỡ
Một phần mềm spam SMS hàng loạt được "hacker" ưa chuộng

Không riêng gì chị Lý, tại nhiều diễn đàn, mạng xã hội thời gian qua đều liên tục đăng tải bức xúc và cảnh báo về việc chỉ vừa gọi lại vài giây đã mất tới hàng trăm nghìn trong tài khoản.

Sau khi nhận được phản ánh từ chị Lý, Xzone đã liên hệ với dịch vụ Chăm sóc khách hàng 1080 Hà Nội và được giải đáp, những khách hàng gặp phải trường hợp trên đã trúng kế lừa đảo mới của một nhóm hacker. Thủ đoạn chính của nhóm hacker này là tạo hàng triệu cuộc gọi nhỡ thông qua những dải số: +881, +882... (ví dụ: +8829127649xx, +8818978132xx) đến các số điện thoại trên khắp thế giới (trong đó có Việt Nam). Sau khi thấy cuộc gọi nhỡ, rất nhiều khách hàng đã dùng điện thoại của mình gọi lại và dù chỉ gọi 1 giây, tài khoản khách hàng cũng bị trừ rất nhiều tiền.

Theo giải thích của nhân viên dịch vụ chăm sóc khách hàng 1080, những dải số: +881, +882... là dải số quốc tế do chính các hacker tạo nên để lừa tiền người dùng điện thoại. Những dải số này không trực thuộc quản lý của bất kỳ quốc gia nào (kể cả Việt Nam).

Trong thời gian gần đây, tổng đài 1080 đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về tình trạng này. "Khách hàng nên chặn dải số này lại bằng phần mềm hoặc sử dụng dịch vụ của nhà mạng để đăng ký chặn số và tin nhắn. Nếu người dùng chẳng may gọi đến các dải số này, ngoài việc bị mất rất nhiều tiền, họ còn có thể bị mất dữ liệu cá nhân từ số điện thoại của mình", một nhân viên 1080 khuyến cáo.

Bộ Thông tin và Truyền thông không thể kiểm soát vì dải số... 'tận' vệ tinh

Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước Tiếp thị của Mobifone cảnh báo: "Đó là hình thức lừa cước viễn thông, khách hàng nếu gọi vào những số này sẽ bị trừ khoảng 99.000 - 150.000 đồng/phút. Những dải số trên hoàn toàn không thuộc bất kỳ quốc gia nào quản lý nên chỉ có thể cảnh báo chứ không thể hoàn cước cho khách hàng, vì đó là dải số thuộc Global Mobile Satellite System (GMSS, hay còn gọi là hệ thống vệ tinh di động toàn cầu)".

Còn theo đại diện của Viettel và Vinaphone, trong thời gian gần đây, họ đã tiếp nhận một số khiếu nại của khách hàng về việc cước phí bị trừ quá cao sau khi gọi lại một số điện thoại đầu quốc tế. Cả hai hãng viễn thông này đều đã đưa ra cảnh báo và trực tiếp chỉ đạo nhân viên chăm sóc khách hàng giải thích rõ cho người dùng, tránh mắc bẫy lừa đảo của hacker.

Theo Bộ Thông tin và Truyền Thông, tội phạm công nghệ cao liên tục gia tăng và ngày một tinh vi. Những số lạ đầu quốc tế nếu không được người thân nước đó nói trước thì tuyệt nhiên không nghe và không gọi lại. Trong trường hợp người dùng gọi lại mà dải số không phải của bất kỳ quốc gia nào, họ sẽ không có quyền khiếu nại.

Quốc tế cũng... bó tay

Tập đoàn viễn thông AT&T của Mỹ, SingTel của Singapore và đặc biệt là viễn thông Nambia ở châu Phi cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp bị lừa đảo đến từ dải số +881. "Những kẻ này dùng phần mềm gọi điện thoại hàng loạt, chúng tôi cho rằng đó là hệ thống SMSes với cách gắn thêm các số đuôi vào sau dải +881 sau đó gọi đi hàng triệu số thuê bao để tạo cuộc gọi nhỡ. Thậm chí, chúng còn gửi cả tin nhắn rất tò mò để người dùng phải gọi lại với giá cước cao.

Không chỉ lấy tiền cước, chúng còn lấy dữ liệu cá nhân lưu trong điện thoại. Chúng tôi đã tiến hành khắc phục bằng cách chặn dải số này, tuy nhiên, người dùng không nên chủ quan và tuyệt nhiên không được gọi lại ở bất kỳ hinh thức nào", đại diễn của hãng viễn thông MTC (Nambia) cảnh báo.

Cảnh báo: Trò lừa lấy cắp hàng trăm ngàn từ các cuộc gọi lỡ
Hãng viễn thông MTC của Namibia cùng nhiều quốc gia khác cảnh báo dải số vệ tinh +881 lừa đảo

Theo AT&T, những kẻ hacker này đã thuê dải số từ vệ tinh sau đó spam đến các thuê bao trên toàn cầu. Ở mỗi quốc gia số tiền mà người dùng gọi lại những số vệ tinh này khác nhau, tuy nhiên sẽ dao động phí khoảng 5-10 USD (100.000-200.000 đồng) mỗi phút. Hãng này cũng cho biết, tại một số quốc gia phát triển, kiểu lừa đảo viễn thông này đã được cảnh báo nên những nhóm hacker đang chuyển hướng "tấn công" sang những khu vực ở châu Á và châu Phi.

"Địa bàn hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao không chỉ xảy ra ở trong nước mà còn liên quan đến nước ngoài, xảy ra trên nhiều lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực an toàn hệ thống máy tính, tài chính - ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử. Chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh triệt phá những vụ án đang ngày một gia tăng này. Tuy nhiên, người dân nên hết sức cảnh giác, đặc biệt là khi mua hàng trực tuyến trên mạng và các cuộc gọi từ số điện thoại lạ" - Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết.


Chia sẻ