Cảnh báo: Sốt xuất huyết tung hoành sớm tại Sài Gòn, có nơi tăng gấp đôi lượng người mắc bệnh
Không còn theo mùa dịch vào tháng 10 như mọi năm, chỉ mới bước vào tháng 7, lượng người mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng mạnh tại TP.HCM.
Sáng 19-7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn đầu đã thăm và làm việc thực tế về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại một số địa điểm, bệnh viện ở TP.HCM, trong bối cảnh dịch bệnh đang có xu hướng tăng nhanh.
Bệnh nhi điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Nhiều người lớn mắc SXH-D nặng.
Tại địa bàn khu phố 5, phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân (TP.HCM), Thứ trưởng cùng đoàn công tác đã đến tận nơi, trực tiếp khảo sát và phát hiện nhiều quán cà phê sân vườn, nhà dân, khu vực không đảm bảo an toàn, còn đọng nước, nhiều điểm chứa lăng quăng.
Xét trên bình diện toàn địa bàn, Bình Tân là địa phương có tỷ lệ người mắc SXH cao nhất trên địa bàn thành phố trong 4 năm qua. Đặc biệt, chỉ trong tháng 6 đầu năm, số ca SXH tại đây đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan chức năng nhận định, phường Bình Hưng Hoà B là địa bàn giáp ranh với phường Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) một vùng ngoại thành xa thành phố. Nơi đây cũng có một ổ dịch với 11 ca nhiễm. Đây là điểm có thể gây nguy cơ bùng phát SXH rộng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khảo sát tại địa bàn quận Bình Tân.
Anh Lý Minh Cầu (31 tuổi) ở nhà trọ tại quận Bình Tân, đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới (quận 5) cho biết, trong xóm anh ở có 3 người khác cũng mắc bệnh. "Vì thấy nơi này ít có muỗi nên ban ngày tôi ngủ không mắc mùng, đến chiều thì bị sốt rồi sốc nhiệt, đã nhập viện được 2 ngày rồi" – anh Cầu nói. Theo người đàn ông, lâu lâu anh cũng có xịt muỗi nhưng nơi anh ở toàn công nhân, chỉ đi làm suốt ngày nên cũng không quan tâm lắm việc diệt muỗi. Hậu quả là không chỉ anh mà con gái 2 tuổi đều bị sốt, hiện đang được theo dõi SXH.
Nhiều phụ huynh đưa con đến chữa bệnh tại khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em.
Chị Thanh Phương (20 tuổi, quê Bình Phước, hiện đang ở trọ tại quận Thủ Đức) cũng đang điều trị SXH tại BV Bệnh Nhiệt đới, sau khi bị sốt 3 ngày không khỏi. Nữ bệnh nhân cho rằng mình bị lây bệnh từ một người bạn. Đáng chú ý, bệnh nhân hiện đang là sinh viên năm 2 trường quân Y, ít nhiều cũng đã có am hiểu về dịch bệnh.
Trẻ em có nguy cơ mắc bệnh SXH cao khi dịch vào mùa.
Qua kiểm tra khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn và khoa Nhiễm BV Bệnh Nhiệt đới, đoàn kiểm tra nhận thấy có rất nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang do hết giường bệnh. Thăm hỏi một vài bệnh nhân, Thứ trưởng Long phát hiện nhiều bệnh nhân có những triệu chứng sưng huyết, nổi ban, trong đó có khá nhiều bệnh nhân ở khu vực quận Bình Tân. Thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân có thể điều trị tại bệnh viện tuyến dưới, nhưng do tâm lý không yên tâm, sợ bệnh nặng, bệnh nhân đã tự nhập viện tuyến trên, góp phần gây nên sự quá tải.
Thứ trưởng thăm hỏi các nữ bệnh nhân mắc SXH.
Ông động viên một bệnh nhân SXH phải nằm ở hành lang vì BV quá tải.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới cho biết, tình hình bệnh nhân SXH nhập viện trong 6 tháng đầu năm tại BV nhìn chung có tăng nhẹ (4328 ca so với 4291 ca của cùng kỳ năm ngoái). Tuy vậy, trong vài tuần gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng vọt, cao hơn các tuần trước đó đến 100 ca. Số ca SXH-D nặng ở người lớn trong 6 tháng đầu năm là 146 trường hợp, làm tử vong 4 bệnh nhân. Một trong những khó khăn trong công tác điều trị, phòng chống dịch SXH tại BV là việc bảo đảm nguồn cung ứng dung dịch cao phân tử trong điều trị SXH-D.
Nhiều ca mắc SXH vì người dân còn chủ quan, nơi ở tạo điều kiện cho muỗi phát triển.
Bệnh nhân mắc bệnh SXH năm nay thường có triệu chứng sưng huyết, nổi ban.
Sau khi nghe báo cáo của BV, đại diện Bộ Y tế cho rằng, phía BV đã có rất nhiều cố gắng trong việc phòng chống dịch bệnh này. Tuy vậy, BV cần tiếp tục cảnh giác, bởi theo nhận định của Thứ trưởng Long, năm nay bệnh SXH đến sớm hơn rất nhiều, ngay từ tháng 5, tháng 6 đã bùng phát thay vì tháng 10 như mọi năm. Đặc biệt tại TP.HCM, số bệnh nhân mắc SXH chuẩn D2 cũng tăng đột biến.
"Việt Nam nằm trong vành đai sốt Dengue, nên dù tình hình bệnh có ổn định, bệnh viện vẫn phải chuẩn bị tâm thế cho việc bệnh nhân mắc bệnh tăng mạnh. Công tác phòng ngừa, điều trị tại tuyến trên khá tốt, tuy nhiên tại các tuyến cơ sở vẫn còn nhiều vấn đề" – Thứ trưởng Long nhận định.
Đại diện Bộ Y tế nhắc nhở người dân phải cảnh giác trong công tác ngăn ngừa dịch SXH.
Thứ trưởng cũng nhắc nhở người dân cần phải chủ động phòng bệnh, không để phát sinh những điểm có thể làm nơi lý tưởng chứa bọ gậy như lốp xe, phế thải công trình xây dựng, bình hoa trồng cây hay hũ, lư hương… Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu địa phương, tổ dân phố tích cực kiểm tra, làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về dịch bệnh.