Cảnh báo lỗ hổng trong tiêm phòng sởi
Dịch bệnh sởi tiếp tục tăng mạnh tại các tỉnh phía Nam, trong khi đó lại xuất hiện tình trạng giả mạo sổ tiêm chủng để đối phó.
Chăm sóc con trai 4 tuổi đang điều trị bệnh sởi ngày thứ 3 tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), anh M.H (ở TP HCM) cho biết bé nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao liên tục, có ban nổi. Con anh chưa được tiêm ngừa vì 2 lần trước bị bệnh và đến tiêm không đúng ngày.
Dịch bệnh bủa vây, 90% biến chứng
Một trường hợp khác là bé 7 tháng tuổi (ở Bến Tre) cũng cấp cứu vì biến chứng hô hấp. Bà M.T, bà ngoại của bé, cho hay trước đó đã đưa bé đi phòng khám tư gần nhà nhưng mất cả tuần mà bệnh không bớt. "Gia đình đưa lên TP HCM thì bác sĩ mới xác định bé bị dương tính với sởi và phải nhập viện ngay vì đã có biến chứng viêm phổi. Đâu ngờ cháu tôi bệnh nặng như vậy" - bà T. lo lắng.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ đang điều trị cho khoảng 110 bệnh nhi mắc bệnh sởi, trong đó 85% số ca mắc đến từ các tỉnh. Bác sĩ chuyên khoa II Dư Tuấn Quy, Khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết hiện trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 50-60 ca nhập viện, trong đó khoảng 90% là ở tỉnh. Hầu hết bệnh nhi đều chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đủ 2 mũi. Khoa đã mở khu cách ly phòng chống bệnh sởi và tổ chức tập huấn lại phác đồ điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Ngoài tiêm chủng cho trẻ nội trú, bệnh viện còn tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ ngoại trú chưa được tiêm nhằm ngăn ngừa lây lan. Đồng thời, các bệnh viện tỉnh cũng chuẩn bị thuốc men và nhân sự để chăm sóc bệnh nhân mắc sởi.
Theo bác sĩ Quy, 90% trẻ nhập viện đều có biến chứng, chủ yếu là viêm phổi và viêm ruột. Những trẻ có cơ địa miễn dịch bình thường thì bệnh tiến triển nhẹ hơn nhưng với những trẻ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, hội chứng thận hư hay ung thư, bệnh sẽ tiến triển nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Có gia đình 6 đứa con đều phải nhập viện điều trị vì chưa được tiêm ngừa sởi. Các trẻ nhập viện đều có biến chứng viêm phổi.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), theo ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm, khoa có công suất 120 giường thì hiện đang điều trị 70 ca, trong đó có 5 ca phải thở ôxy. "Nếu số ca mắc tăng, bệnh viện sẽ tập trung nguồn lực điều trị bệnh sởi, các bệnh khác sẽ được điều trị tại khu riêng biệt để tránh lây nhiễm " - bác sĩ Qui thông tin.
Không chỉ bệnh nhi, bệnh nhân người lớn mắc sởi cũng gia tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM) hiện đang tiếp nhận khoảng 40-50 ca sởi mỗi ngày, trong đó 2/3 là người lớn và khoảng 50% trong số đó dưới 40 tuổi.
Đặc biệt, khoảng 1/3 số bệnh nhân sởi phải nhập viện vì bị suy hô hấp, cần thở ôxy. Số ca cao nhất được ghi nhận vào khoảng 1 tuần trước lên tới hơn 70 ca/ngày.
Lỗ hổng nguy hiểm
Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết khi trẻ nhập viện, bệnh viện luôn hỏi về tiền sử tiêm chủng. Trong số này, có khoảng 10%-12% phụ huynh phản đối tiêm vắc-xin cho trẻ vì cho rằng việc này có thể gây tự kỷ. Một số phụ huynh lại nói sởi là bệnh nhẹ, không cần phải tiêm phòng. "Đây là quan niệm sai vì vắc-xin sởi rất an toàn, hầu như không ghi nhận tác dụng phụ. Sởi có thể phòng ngừa hoàn toàn bằng vắc-xin và không có lý do gì để trẻ mắc bệnh rồi phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm" - bác sĩ Quy cảnh báo.
Thậm chí, xuất hiện tình trạng gian lận bằng cách giả mạo sổ tiêm chủng để đối phó sự kiểm tra. Tìm hiểu trên Facebook, chúng tôi đã trao đổi với một tài khoản tên "Tiêm chủng mở rộng". Trang cá nhân này giới thiệu rằng có dịch vụ cập nhật thông tin các mũi tiêm cho khách có nhu cầu lên hệ thống tiêm chủng để định cư Mỹ, du học như lao, dại, viêm gan B… mà không cần tiêm.
Khi được hỏi có cập nhật tiêm sởi hay không, tài khoản này cho biết có thể thực hiện được 18 loại vắc-xin như não mô cầu, sởi, viêm gan, bạch hầu, ho gà... với giá 5 triệu đồng. Đối với tiêm sởi 1 mũi giá 1 triệu đồng, 2 mũi giá 1,5 triệu đồng. "Nếu làm đầy đủ thì rẻ hơn, có thể làm lâu dài cho bé đi học. Thông tin sẽ được cập nhật trên hệ thống tiêm chủng" - tài khoản này khẳng định.
Các bác sĩ cảnh báo điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh mà còn tạo ra những lỗ hổng nguy hiểm trong hệ thống tiêm chủng.
Trong khi đó, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm ruột, thậm chí nhiễm trùng máu. Việc điều trị bệnh sởi đòi hỏi phải nhập viện, làm mất thời gian công việc của phụ huynh và tốn kém chi phí điều trị.
Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể mắc bệnh sởi nếu chưa được tiêm chủng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu không tiêm vắc-xin sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như sẩy thai hoặc thai chết lưu.
"Vắc-xin sởi đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả với tỉ lệ bảo vệ lên đến 98%. Việc tiêm ngừa sởi cho trẻ không chỉ bảo vệ sức khỏe cho trẻ mà còn bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của bệnh" - bác sĩ Dư Tuấn Quy nhấn mạnh.
Số ca mắc tăng hơn 50 lần
Theo Viện Pasteur TP HCM, tính từ đầu năm đến ngày 2-12, toàn phía Nam có 19.000 ca mắc sởi, trong đó có 8 ca tử vong tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bến Tre. So với năm 2023, số ca mắc cao gấp 56,5 lần. Số ca mắc bệnh gia tăng chưa thấy điểm dừng dù tỉ lệ tiêm vắc-xin đạt trên 90%.
Để kiểm soát dịch sởi, Viện Pasteur đưa ra một số giải pháp như: can thiệp vắc-xin trong độ tuổi chiến dịch và tiêm chủng mở rộng bằng cách lập kế hoạch bổ sung do UBND huyện, xã ban hành, có danh sách tiêm chủng cụ thể, rà soát tổng thể đối tượng nhằm xác định trẻ chưa tiêm trong đợt trước và tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh cần chuẩn bị đủ năng lực điều trị sởi, kể cả ca nặng và biến chứng. Thực hiện tốt cách ly điều trị sởi, tăng cường điều trị ngoại trú, duy trì hội chẩn với tuyến trên, hạn chế chuyển tuyến để vừa giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên vừa hạn chế nguy cơ dịch lây lan rộng.