Cảnh báo: Không chỉ có sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng đang gia tăng dần tại TP.HCM

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Hiện mỗi ngày, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) phải tiếp nhận điều trị cho 50-60 trẻ bị bệnh tay chân miệng, gấp 2-3 lần so với những ngày bình thường.

Thông tin này được BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết trong ngày 9-8, khi dịch tay chân miệng có dấu hiệu vào mùa. Cụ thể, hiện ở khoa đang có hơn 50 trẻ điều trị bệnh tay chân miệng, trong khi bình thường, số trẻ tay chân miệng ở đây chỉ khoảng 20 bé. So với năm ngoái, số ca bệnh chưa lên đỉnh điểm nhưng đang chuẩn bị vào mùa cao điểm nên chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, kéo dài đến tháng 11. Đa phần là các bệnh nhi đến từ tỉnh, thành lân cận.

Cảnh báo: Không chỉ có sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng đang gia tăng dần tại TP.HCM - Ảnh 1.

Một bé gái bị tay chân miệng đang được BS thăm khám.

Chị Đoàn Kim Thái (ở Cai Lậy, Tiền Giang) có con gái 13 tuổi bị tay chân miệng đang điều trị và cho biết, trẻ cả xóm mình ở gần như đều đã mắc bệnh.

"Bé gái nhà tôi bị sốt 7 ngày nên tôi đưa nó vào BV huyện. Nhưng mới hôm trước, bé đang ngủ bỗng liên tục giật mình, gia đình sợ hãi quá, xin chuyển viện cho con lên TP.HCM điều trị".

Còn chị Thanh Hương (quê Đồng Nai) cũng cho biết gần nhà có mấy bé bị bệnh. Mấy ngày trước, con trai 3 tuổi của chị sốt và phồng rộp ở miệng, không chịu ăn uống gì nên phải nhập viện.

Cảnh báo: Không chỉ có sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng đang gia tăng dần tại TP.HCM - Ảnh 2.

Số ca tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) tăng gấp 2-3 lần.

"Đa phần các ca nhẹ đều được chỉ định chăm sóc ở nhà để tránh lây lan. Trong số trẻ bị tay chân miệng phải điều trị nội trú luôn có 2-3 trẻ bị tay chân miệng độ 3, cá biệt đã có trẻ bị nặng phải thở máy" - BS Trương Hữu Khanh nói.

BS Khanh lưu ý các phụ huynh, nếu trẻ sốt cao quá 2 ngày, nôn ói, giật mình, yếu tay chân, da nổi nốt thì cần đưa trẻ đi bệnh viện ngay. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi bị tay chân miệng thường nặng hơn trẻ lớn. Các triệu chứng của tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, biếng ăn, đau họng, và mệt mỏi.

Cảnh báo: Không chỉ có sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng đang gia tăng dần tại TP.HCM - Ảnh 3.

BS Trương Hữu Khanh cảnh báo dịch tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa.

"Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa" – BS Khanh phân tích.

Ngoài ra với những nốt ban trên người trẻ, BS cảnh báo cha mẹ không nên bôi hay xức bất kỳ loại thuốc gì mà vẫn vệ sinh tắm rửa cho trẻ bình thường. Với những nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng vài loại thuốc để rơ miệng cho trẻ, với điều kiện không có thành phần thuốc tê. Điều này sẽ rất nguy hiểm, bởi trẻ dưới 3 tuổi có thể không kiểm soát được.

Đến hiện tại, đã có gần 3.000 người mắc tay chân miệng ở TP.HCM.

Tay chân miệng là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột họ Picornaviridae gây ra. Bệnh thuờng gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc với dịch mũi, họng hay nước bọt.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tay chân miệng ở trẻ: Sốt nhẹ, chán ăn, đau họng, ho, loét miệng, nổi ban đỏ trên da… Với những dấu hiệu đơn giản này, nhiều cha mẹ thường nhầm lẫn con bị các bệnh thông thường như sốt, viêm họng.

Bệnh có thể gây chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Do đó khi thấy bất thường, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chia sẻ