Cảnh báo gia tăng dậy thì sớm ở trẻ
Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone ở lứa tuổi sớm hơn bình thường.
Mới 9 tuổi, học lớp 4, bé L.N.M. đã có những sự phát triển vượt trội khi so sánh với các chỉ số thông thường của lứa tuổi. Chiều cao đã đạt 1,49m, nặng 55kg, vòng ngực 95. May mắn, sau hơn 1 năm điều trị, các chỉ số hormone của bé đã duy trì ở mức ổn định.
Hiện, chỉ riêng tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã có trên 30 bệnh nhi đang điều trị dậy thì sớm. Hàng tháng, thông qua khám chữa bệnh, các bác sĩ cũng đều ghi nhận thêm những trường hợp được phát hiện mới, phần lớn là bé gái.
Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì sớm hiện vẫn chưa được xác định cụ thể. Song, chế độ dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố tác động đến tuổi dậy thì. Trẻ mắc bệnh béo phì thường dậy thì sớm hơn so với trẻ cùng tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Linh, Khoa Hô hấp - Tim mạch - Tiêu hóa - Thần kinh cho biết: Dậy thì sớm khiến trẻ không phát triển tối ưu về mặt chiều cao, thể chất, cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lí. Để phòng tránh thì nên giới hạn cân nặng của trẻ, các thực phẩm quá nhiều chất cũng nên hạn chế, không nên tiếp xúc với các văn hóa phẩm vượt lứa tuổi. Các dấu hiệu rõ ràng nhất là sự phát triển chiều cao vượt trội. Với các bạn nữ có thể là sự phát triển của ngực, vùng kín, mùi cơ thể, giọng nói… đây là những dấu hiệu rõ ràng nhất để các bậc phụ huynh phát hiện và đưa trẻ đến khám.
Hiện phương pháp điều trị chủ yếu đối với trẻ dậy thì sớm vẫn là tiêm hormone làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, tốc độ dậy thì và chậm quá trình phát triển sinh dục thứ phát. Trẻ được tiêm hormone đúng cách sẽ làm chậm được quá trình dậy thì sớm, vẫn có thể đạt được chiều cao cuối theo di truyền của bố mẹ. Các áp lực tâm sinh lý cũng được hạn chế, giúp trẻ phát triển đúng độ tuổi. Tuy nhiên việc điều trị này vẫn cần được thực hiện tại các cơ sở y tế để đảm bảo trẻ được đánh giá và đưa ra phương hướng phù hợp nhất.