Cảnh báo 8 thời điểm dễ bị cơn nhồi máu cơ tim "tấn công", ai cũng cần biết để phòng tránh!

TT,
Chia sẻ

Nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong, đặc biệt trong một số thời điểm nhất định. Hiểu rõ những thời điểm dễ bị nhồi máu cơ tim, có biện pháp phòng ngừa kịp thời có thể bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

Nhồi máu cơ tim cấp là tình trạng hoại tử cơ tim do thiếu máu và oxy kéo dài ở động mạch vành. Về mặt lâm sàng, bệnh nhân thường có biểu hiện đau dữ dội và kéo dài sau xương ức, không giảm hoàn toàn khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc nitrat. Bệnh nhân cũng có hoạt độ enzyme cơ tim trong huyết thanh tăng cao và thay đổi điện tâm đồ tiến triển, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, sốc hoặc suy tim, thường nguy hiểm đến tính mạng.

Việc nhận biết những thời điểm có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim và phòng ngừa kịp thời có thể ngăn ngừa hoặc giảm thiểu mức độ nhồi máu cơ tim, từ đó cứu sống người bệnh.

Cảnh báo 8 thời điểm dễ bị cơn nhồi máu cơ tim "tấn công", ai cũng cần biết để phòng tránh! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Qua bài viết trên trang Sohu (Trung Quốc), GS.TS Wang Lixiang, cựu trưởng khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế thứ ba của Bệnh viện Đa khoa PLA (Trung Quốc) cùng với Zhou Yujie, Phó Chủ tịch Bệnh viện An Chân Bắc Kinh trực thuộc Đại học Y Thủ đô, Phó Giám đốc Điều hành Viện Bệnh tim phổi và Mạch máu Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chia sẻ những thời điểm dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim mà chúng ta cần đặc biệt lưu ý.

1. Thời điểm đi vệ sinh

Thời điểm đi vệ sinh là khoảng thời gian dễ gây nhồi máu cơ tim, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc người mắc các bệnh lý khác, thường kèm theo táo bón. Gắng sức rặn khi đi đại tiện khiến áp lực trong ổ bụng tăng lên, huyết áp và nhịp tim tăng nhanh. Điều này làm tăng gánh nặng cho tim, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Người bệnh tim mạch vành hoặc người cao tuổi nên tránh rặn quá sức khi đi vệ sinh. Nếu bị táo bón, có thể sử dụng thuốc hoặc các biện pháp khác để hỗ trợ.

Cảnh báo 8 thời điểm dễ bị cơn nhồi máu cơ tim "tấn công", ai cũng cần biết để phòng tránh! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

2. Lúc tắm rửa

Nhiều trường hợp tai nạn ở người cao tuổi xảy ra trong khi tắm. Khi tắm, các mạch máu giãn nở, lượng máu đến da và cơ bắp tăng lên. Nhiều người cao tuổi mắc bệnh tim mạch, ở trong môi trường kín, thiếu oxy trong thời gian dài rất dễ gây thiếu máu não và tim, dẫn đến nguy hiểm.

Vì vậy, người cao tuổi tuyệt đối không nên tắm ngay sau khi ăn hoặc khi đói. Tắm lúc đói có thể làm hạ đường huyết, dễ gây ngất xỉu và tai nạn.

3. Khi dự tiệc

Dự tiệc, việc uống rượu bia có thể kích thích não bộ, làm tăng nhịp tim và huyết áp, đồng thời dễ gây rối loạn nhịp tim, làm tăng gánh nặng cho tim. Đặc biệt, những người bị cao huyết áp và bệnh tim mạch khi uống rượu có thể bị co thắt động mạch vành, tăng nhu cầu oxy của cơ tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp tính.

Ăn uống quá độ cũng là một yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cấp.

4. Xem tivi

Khi xem phim ảnh qua tivi, điện thoại, cảm xúc dễ bị kích động, hệ thần kinh giao cảm bị kích thích, chất catecholamine trong máu tăng lên, gây tăng huyết áp, co thắt động mạch vành, dẫn đến thiếu máu cơ tim, gây đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

Trong thời gian diễn ra World Cup, tỷ lệ các trường hợp cấp cứu tim mạch tăng lên đáng kể cũng là vì lý do này. Người bệnh tim mạch vành hoặc người cao tuổi không nên xem tivi quá 30 phút trước khi đi ngủ và không nên xem các chương trình quá kích thích.

Cảnh báo 8 thời điểm dễ bị cơn nhồi máu cơ tim "tấn công", ai cũng cần biết để phòng tránh! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

5. Khi bơi lội

Đối với người bình thường, bơi lội là một hình thức tập luyện tốt, giúp rèn luyện một trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên, người bệnh tim có thể không phù hợp với bơi lội vì bơi lội làm tăng gánh nặng cho tim.

Khi bơi, sự kích thích của nước lạnh có thể gây co thắt mạch máu, dẫn đến thiếu máu cục bộ ở động mạch vành và gây nhồi máu cơ tim. Người cao tuổi khi tập bơi cần khởi động kỹ, chú ý lựa chọn địa điểm có nhiệt độ nước phù hợp.

6. Lúc hút thuốc

Hút thuốc lá được công nhận là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành. Nhiều người bị nhồi máu cơ tim ngay trong khi hút thuốc. Hút thuốc lá thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nó cũng có thể gây co thắt, co cứng động mạch vành, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và nhồi máu cơ tim. Vì vậy, không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá.

7. Thời điểm thức dậy buổi sáng

Thời điểm thức dậy, đặc biệt là vào buổi sáng, cũng là lúc tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người mắc bệnh tim mạch, nhất là từ 5-6 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Khi thức dậy, cơ thể chuyển từ trạng thái "bán ngủ" sang trạng thái tỉnh táo, nhịp thở và nhịp tim tăng nhanh, máu lưu thông nhanh hơn, huyết áp tăng cao, dễ làm vỡ các mạch máu não và tim đã lão hóa, máu đặc tạo thành cục máu đông gây tắc mạch.

Đồng thời, việc thay đổi tư thế từ nằm sang đứng cũng thường gây ra tình trạng thiếu máu lên não và tim. Người cao tuổi có phản xạ thần kinh chậm nên dễ bị đột tử.

Cảnh báo 8 thời điểm dễ bị cơn nhồi máu cơ tim "tấn công", ai cũng cần biết để phòng tránh! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

8. Lúc đau buồn

Trong thất tình lục dục của con người, nỗi buồn là cảm xúc gây hại nhiều nhất cho tim. Khi chìm đắm trong nỗi buồn mà không thể giải tỏa, hệ thần kinh giao cảm sẽ tiết ra một lượng lớn hormone, làm tim đập nhanh, động mạch co lại, dẫn đến đau ngực, khó thở, sốc.

Trong thực tế lâm sàng, đã có trường hợp người khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tim, đột ngột qua đời vì quá đau buồn trước những biến cố như người thân qua đời. Tình trạng này được gọi là suy tim do stress. Nỗi đau buồn quá mức làm tăng vọt lượng adrenaline và các hormone căng thẳng khác trong thời gian ngắn. Lượng hormone dư thừa đổ dồn về tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim.

Người bệnh tim mạch vành cần đặc biệt lưu ý 8 thời điểm dễ gây nhồi máu cơ tim nói trên. Nếu thấy đau ngực, có cảm giác tức ngực, kéo dài 5-15 phút, kèm theo đổ mồ hôi, buồn nôn, cần hết sức cảnh giác với khả năng nhồi máu cơ tim. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức để được hỗ trợ y tế kịp thời.

Chia sẻ