Cẩn trọng đề phòng các dịch bệnh mùa hè
Mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội ổn định trong thời gian này nhưng người dân vẫn cần đề phòng các bệnh mùa hè.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong các tháng đầu năm 2015, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội ổn định và được kiểm soát tốt. Không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm.
Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước và khu vực thì các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tái nổi và mới nổi vẫn có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Đặc biệt trước tâm lý lo sợ phản ứng sau tiêm chủng, tâm lý chừ đợi vắc xin dịch vụ của người dân dẫn đến việc không cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ thì số trẻ mắc bệnh các bệnh mùa hè vẫn có thể tiếp tục được ghi nhận trong thời gian tới.
Hà Nội gia tăng bệnh tay chân miệng và ho gà
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội bệnh tay chân miệng ghi nhận 527 trường hợp mắc, số mắc tuy tăng so với cùng kỳ năm 2014 nhưng không có ca tử vong và phân bố rải rác tại 204 xã, phường, thị trấn của 28/30 quận, huyện, thị xã. Bệnh sốt xuất huyết cũng ghi nhận 57 trường hợp.
Đặc biệt trong những tháng đầu năm, bệnh ho gà nổi lên với 53 trường hợp, các trường hợp mắc thường là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc gia đình chưa đưa đi tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván.
Trong khi đó, bệnh sởi lại đang có xu hướng giảm lũy tích từ đầu năm đến thời điểm hiện tại ghi nhận 24 trường hợp, không có tử vong. Số mắc giảm 99% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 ghi nhận 1.660 trường hợp). Thủy đậu cũng ghi nhận 735 trường hợp các ca bệnh, số mắc giảm 45,4% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 ghi nhận 1.347 trường hợp).
Theo TS Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian tới, Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh mùa hè bao gồm sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, thủy đậu, viêm màng não Nhật Bản…; thực hiện tốt công tác giám sát dịch giám sát các ca bệnh, giám sát ổ dịch cũ, khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; duy trì các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, giệt bọ gậy, tổ chức phun hóa chất diện rộng tại những xã phường trọng điểm về sốt xuất huyết và viêm não Nhật Bản.
Đồng thời, nâng cao chất lượng trong công tác tiêm chủng, tăng cường tuyên truyền lợi ích của tiêm vắc xin phòng bệnh và những phản ứng không mong muốn để người dân chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch mùa hè, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do dịch bệnh.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, chủ động giám sát, phát hiện ca bệnh sớm, kịp thời khoanh vùng xử lý ngay khi dịch còn ở quy mô nhỏ… TS Hạnh nhấn mạnh.
Chủ động phòng bệnh là điều rất cần thiết
Hiện nay khi thời tiết đã chuyển sang hè, thời tiết nóng nực là điều kiện khiến nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh.
Mùa nắng nóng dịch bệnh trên người thường có những diễn biến phức tạp với một số dịch bệnh nguy hiểm và bệnh mới nổi có nguy cơ bùng phát và lan rộng như sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), viêm não virus, bệnh dại, thủy đậu.
Hơn nữa, vào mùa hè, các dịch bệnh về đường tiêu hóa bùng phát do điều kiện do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.
Theo các chuyên gia y tế vào mùa hè chủ động phòng bệnh là điều rất cần thiết để tránh tác nhân của bệnh tật. Đặc biệt để phòng nguy cơ viêm não Nhật Bản cần hết sức chú ý vệ sinh cá nhân, gia đình, đặc biệt là tránh nguy cơ bị muỗi đốt bằng ngủ màn, diệt muỗi. Khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao cùng các biểu hiện lơ mơ, li bì hoặc co giật cần đưa trẻ đến viện khám sớm để kịp thời phát hiện viêm màng não, viêm não Nhật Bản và được điều trị kịp thời.
Để phòng chống dịch bệnh, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi, luyện tập nâng cao thể trạng. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, trường học, nơi làm việc.
Đặc biệt trẻ em cần phải được tiêm chủng vaccine đầy đủ và đúng lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.