Cần thêm cơ chế phát triển giáo dục Mầm non ngoài công lập
Nghị định 105 đã mang lại hiệu quả thiết thực, tuy nhiên, để giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển hơn nữa thì cần thêm cơ chế đặc thù.
Hiệu quả thiết thực
Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non đã mang đến một luồng gió mới, giúp các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có thêm cơ hội phát triển.
Cô Khổng Thị Vân Anh chủ Nhóm lớp mầm non độc lập Chích Bông (phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chia sẻ: Cơ sở có 2 nhóm lớp với tổng số 40 cháu, tổng số giáo viên là 4. Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 105 của Chính phủ và Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, cơ sở đã hỗ trợ đợt 1 cho 3 giáo viên và 22 trẻ. Số còn lại được hưởng hỗ trợ trong đợt 2.
Đây là chính sách thiết thực có tác động lớn đến tâm lý giáo viên, phụ huynh. Cụ thể, giúp giáo viên cải thiện chi trả tiền thuê nhà ở trọ. Từ đó giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nhóm lớp; chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng ngày một nâng lên. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng vui mừng vì có thêm điều kiện cải thiện chất lượng bữa ăn cho con.
“Nhóm Lớp độc lập Chích Bông năm học vừa qua nhận hỗ trợ 1 lần số tiền là 20 triệu để mua sắm trang thiết bị đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Là chủ cơ sở tôi rất vui và sẽ không ngừng cố gắng trong công tác quản lý điều hành các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đáp ứng nhu cầu gửi sớm đón muộn của phụ huynh tốt hơn”, cô Khổng Thị Vân Anh chủ nhóm Lớp mầm non độc lập Chích Bông trao đổi.
Năm học 2021-2022, cơ sở MN Hoa Mai (TP. Vĩnh Yên) có 6 nhóm lớp với hơn 90 trẻ. Khi thực hiện Nghị định 105 của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, cơ sở đã hỗ trợ 9 cháu, mỗi cháu 1,1 triệu/5 tháng trong đợt 1 và đợt 2 là 22 cháu. Qua thực hiện chính sách, giáo viên và phụ huynh rất phấn khởi và mong muốn các cấp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho con công nhân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Cần cơ chế đặc thù
Nghị quyết số 35 của Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển GD&ĐT giai đoạn 2019-2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, số cơ sở GDMN ngoài công lập đạt 25% và số trẻ theo học đạt 30%. Tuy nhiên, đến nay, Vĩnh Phúc mới đạt 7,9% số trường và 5,5% số trẻ theo học các trường mầm non ngoài công lập.
Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, để tạo cơ chế thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống GDMN ngoài công lập, phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết số 35 của Chính phủ, ngành GD&ĐT đang tham mưu tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ GDMN, giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027. Tập trung vào chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư, hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động. Đồng thời, hỗ trợ học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Về phía cơ sở, cô Khổng Thị Vân Anh chủ nhóm Lớp mầm non độc lập Chích Bông nêu ý kiến: Qua việc áp dụng chính sách, chi trả thực tế thời gian qua cần có thay đổi, chỉnh sửa để toàn diện, hiệu quả với giáo viên và phụ huynh.
“Đối tượng được hưởng trợ cấp cần linh hoạt hơn. Cụ thể, cho phép giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm mầm non trở lên (hiện nay đang áp dụng đối tượng giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên) được hưởng trợ cấp. Bên cạnh đó, số tiền trợ cấp có thể nâng lên từ 800 nghìn -1 triệu/tháng với giáo viên trung cấp sư phạm mầm non; từ 1 triệu đến 1,5 triệu/tháng với giáo viên trình độ từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên.
Ngoài ra, chính sách cần mở rộng đến các đối tượng thụ hưởng như phụ huynh làm việc trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp tư nhân có đầy đủ pháp nhân (ví dụ, Công ty TNHH một thành viên giày da Vĩnh Yên và các doanh nghiệp tư nhân khác). Mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ cần nâng lên mức từ 220 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/tháng để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đời sống...”, cô Khổng Thị Vân Anh đề xuất.
Trẻ em được hỗ trợ tiền ăn trưa theo Nghị định 105 là 160 nghìn đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Tuy nhiên, nhiều địa phương có cơ chế đặc thù do HĐND tỉnh ban hành. Mức hỗ trợ bởi cơ chế đặc thù của địa phương thường cao hơn so với mức quy định trong Nghị định 105.
Về chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động, Nghị định 105 quy định: Cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.