Cận Tết nghe chồng “phán” dồn tiền thưởng Tết cho bố mẹ sửa nhà, cô vợ thấy thế đủng đỉnh bấm điện thoại: "Bố mẹ mai lên con đưa đi mua nhà mới"
Vừa có chút tiền anh đã muốn dành hết cho bố mẹ mình nên chặn trước với vợ như vậy. Nào ngờ sự việc lại diễn biến theo một cách mà đến nằm mơ Đăng cũng chẳng ngờ nổi.
Uyên và Đăng vừa tổ chức đám cưới hồi đầu năm. Chưa sinh con nên cuộc sống vợ chồng son nhà Uyên mấy tháng qua khá êm ấm, suôn sẻ. Uyên kể, vợ chồng đi làm cả ngày tối mới về ăn với nhau bữa cơm, Uyên nấu nướng còn Đăng dọn dẹp. Vì vợ chồng Uyên đều có thu nhập độc lập nên chi tiêu mỗi thàng hai người đóng góp như nhau, chồng mua cái này vợ sắm cái kia.
"Trong sinh hoạt hàng ngày mình chẳng nói làm gì vì mình cũng đi làm có lương như chồng. Nhưng hôm vừa rồi chồng mình muốn biếu Tết bố mẹ chồng cả 200 triệu để ông bà sửa nhà, sang năm còn tổ chức cưới vợ cho em trai chồng", Uyên tâm sự.
200 triệu đấy là Đăng gom góp cả năm đi làm cộng thêm món tiền thưởng Tết sắp tới mới có được. Biếu Tết bố mẹ xong thì anh cũng nhẵn túi, sang năm Uyên có kế hoạch sinh con thì anh sẽ chẳng lo được gì. Chưa nói Uyên và Đăng hiện tại vẫn ở nhà thuê, vợ chồng em trai Đăng mới là người ở căn nhà kia sau khi xây sửa lại.
Uyên bảo, chồng cô sợ vợ ngăn cản không cho anh biếu tiền bố mẹ chồng, càng sợ cô đòi phải biếu nhà vợ một khoản tương đương cho công bằng nên ngay từ đầu anh đã tuyên bố thẳng thừng: "Trước nay anh với em vẫn tiền ai người đấy tiêu cho nên Tết này đằng nhà ai người đấy tự lo liệu. Em muốn biếu bố mẹ em bao nhiêu thì tùy, chuyện anh biếu bố mẹ anh ngần nào em cũng đừng can thiệp, miễn anh vẫn đóng góp chi tiêu hàng ngày với em là được", chồng Uyên nói.
Uyên thật sự không thích vợ chồng mà quá rạch ròi như vậy. Kể cả tiền ai người đấy quản thì dẫu sao cũng là vợ chồng đầu gối tay ấp, một khi tiêu đến khoản tiền lớn cũng nên bàn bạc với đối phương mới phải. Nếu số tiền đó Đăng để dành được trước đám cưới Uyên sẽ không can thiệp. Nhưng số tiền đó là Đăng kiếm được trong thời kỳ hôn nhân, Đăng làm thế có phải thiếu tôn trọng vợ hay không?
Uyên bật cười nghĩ Đăng hẳn cho rằng Uyên không có tiền nên mới sợ "nội ngoại công bằng", Đăng sẽ phải rút ví nhiều hơn. Nếu anh biết sự thật không như vậy chẳng rõ anh sẽ có phản ứng gì. Nếu thật sự Đăng không tham lam, vẫn vui vẻ thì cô sẽ nể phục anh thêm một phần.
Nghĩ thế Uyên không phản bác tuyên bố của chồng, đủng đỉnh rút điện thoại ra gọi cho bố mẹ: "Bố mẹ mai rảnh lên con đưa đi xem nhà. Vâng, con có tiền mà, bố mẹ không phải lo. Bố mẹ chưa thích lên ở ngay thì cứ cho thuê, đằng nào con cũng sẽ mua cho bố mẹ mà, mua muộn không bằng mua sớm!".
Bố mẹ Uyên chỉ sinh được 1 mình cô. Ông bà có bao nhiêu thứ tốt thứ ngon đều dành cho Uyên cả, về già cũng chỉ có mình Uyên để cậy nhờ dẫu cô là con gái. Ngay từ khi đi làm Uyên đã đặt ra mục tiêu phải đón bố mẹ lên thành phố để cô tiện bề chăm sóc. Tất nhiên Uyên sẽ mua nhà chứ ai lại để ông bà ở nhà thuê.
Tiền nong Uyên tích góp những năm qua đã gần đủ, thêm khoản tiết kiệm của năm nay và số tiền thưởng Tết sắp tới cũng được gần 2 tỷ, đủ cho cô mua tặng ông bà căn hộ xinh xinh. Cô vẫn đắn đo sợ Đăng nghĩ nọ nghĩ kia song đến giờ phút này cô chẳng cần phải ngại ngần nữa. Đăng đã nói vậy thì cô cũng sẽ theo ý chồng mà làm.
Đăng nghe vợ gọi điện mà nghẹn ngào không thốt nên lời. Bao năm đi làm Đăng chẳng để ra được đồng nào. Bởi lẽ chỉ có năm nay công việc của anh mới có chút khởi sắc chứ mấy năm trước lương thưởng bèo bọt vô cùng. Vừa có chút tiền anh đã muốn dành hết cho bố mẹ mình nên chặn trước với vợ như vậy. Nào ngờ sự việc lại diễn biến theo một cách mà đến nằm mơ Đăng cũng chẳng ngờ nổi.
Uyên cho hay, nhìn thái độ của Đăng là biết trong lòng anh đang cồn cào nổi sóng nhưng Đăng há miệng mắc quai, chẳng thể nói gì được Uyên. Nửa đêm, Đăng bỗng quay sang ôm vợ thủ thỉ: "Anh biếu bố mẹ vài chục triệu thôi, để chú út tự lo vì nhà chú ấy ở nhà. Còn lại anh đưa em giữ nhé, chúng mình cũng phải dồn tiền mua nhà chứ". Uyên cười hài lòng, Đăng không ngó nghiêng đến số tiền Uyên sẽ mua nhà cho bố mẹ, tính ra vẫn "còn thuốc chữa".